Bản tin tổng hợp 17/10: Uống "nước lạ" chữa bệnh, nhiều người suýt mất mạng

(PLVN) - Sợ đau đẻ, chọn giờ đẹp, tỉ lệ mổ đẻ tăng cao; Giá vàng miếng lên cao nhất 4 tháng; TP HCM sẽ xây nút giao 4 tầng ở cửa ngõ Đông Bắc;... và một số thông tin khác. 
Uống "nước lạ" chữa bệnh, nhiều người suýt mất mạng

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Uống 'nước lạ' chữa bệnh, nhiều người suýt mất mạng

Phát sóng: ngày 13/10/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Headlines:

  • Sợ đau đẻ, chọn giờ đẹp, tỉ lệ mổ đẻ tăng cao

  • Uống 'nước lạ' chữa bệnh, nhiều người suýt mất mạng

Sợ đau đẻ, chọn giờ đẹp, tỉ lệ mổ đẻ tăng cao

Tâm Anh: Thưa quý vị, hiện nay có thể nói rằng do xã hội ngày càng phát triển thêm vào đó là nhu cầu của con người cũng ngày một nhiều hơn nên việc chọn giờ đẹp để sinh đẻ không còn là câu chuyện xa lạ nữa phải không Thục Khuê?

Thục Khuê: Vâng, đúng là như vậy. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai tăng liên tục, từ 12% năm 2005 lên 37% vào năm 2022.

Tâm Anh: Và vàp ngày 15/10 vừa qua, tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2024 do Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Hiệp hội Sản phụ khoa Pháp (CNGOF) tổ chức, PGS.TS Vũ Văn Du, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ mổ đẻ tại Việt Nam tăng cao.

Tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng gấp 3 lần, từ 12% năm 2005 lên 37% vào năm 2022, do rất nhiều sản phụ yêu cầu mổ chủ động.

Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng mổ đẻ gia tăng, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Ngày nào, tại các cuộc họp giao ban, ban giám đốc cũng rất nghiêm khắc, đặt câu hỏi về những trường hợp báo cáo mổ đẻ. Chúng tôi luôn hỏi tại sao lại phải mổ đẻ và đưa chỉ số mổ đẻ vào chỉ số phát triển bệnh viện"

GS Ánh đánh giá, dù đã cố gắng để kiểm soát tỷ lệ mổ đẻ, nhưng thực sự tỷ lệ mổ đẻ đang tăng lên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thục Khuê: Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Danh Cường, chuyên gia sản khoa cho rằng, tỷ lệ mổ đẻ theo yêu cầu từ sản phụ ngày càng tăng cao, không phải từ chỉ định của bác sĩ.

Thậm chí, chuyên gia này còn đánh giá, có những đơn vị, tỷ lệ mổ đẻ con đầu có thể lên đến 50%, do yêu cầu của người bệnh vì tâm lý sợ đau, rồi chọn giờ đẹp sinh con.

Tâm Anh: Theo GS Ánh, mổ đẻ kéo theo nhiều hệ lụy. Như trong nghiên cứu về bệnh lý rau cài răng lược được GS Ánh trình bày tại hội nghị, tỷ lệ mổ đẻ tăng, kéo theo các ca rau cài răng lược tăng.

Rau cài răng lược là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng mẹ bầu.

Bên cạnh đó, mổ đẻ làm tăng nguy cơ sẹo không liền (sản phụ đối mặt với biến chứng nguy hiểm trong lần sinh nở sau), các nguy cơ cắt tử cung do băng huyết, biến chứng gây mê, ngừng tim, suy thận cấp, thuyên tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng hậu sản, rau tiền đạo, vỡ tử cung, vô sinh...

Với em bé sinh mổ, sức khỏe hô hấp cũng bị ảnh hưởng hơn em bé sinh thường. Em bé sinh thường phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ nên phổi hoạt động tốt, hệ hô hấp tốt hơn trẻ sinh mổ.

GS Ánh cho biết, tại hội nghị sản khoa, thực trạng này được đưa ra, thảo luận, để các bác sĩ cân nhắc chỉ định, thuyết phục các sản phụ hạn chế mổ theo yêu cầu.

Theo các chuyên gia, khi tư vấn cho một sản phụ muốn mổ đẻ theo yêu cầu, bác sĩ cần thông báo cho bệnh nhân rằng nguy cơ rau tiền đạo, rau cài răng lược và cắt bỏ tử cung khi có thai tăng lên sau mỗi lần sinh mổ tiếp theo. Tư vấn kỹ về các nguy cơ, để thai phụ sinh nở theo chỉ định y khoa đúng nhất, không cần chỉ định mổ thì không nên mổ.

Thục Khuê: Và cũng tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày các vấn đề về sức khỏe sinh sản như: Thách thức trong tuân thủ điều trị các bệnh lý trong thai kỳ - cập nhật chứng cứ hưởng đến kết cục lâm sàng lâu dài; Chủ động tư vấn dự phòng HPV - góc nhìn từ sản phụ khoa; An toàn khi sinh - tối ưu hóa phòng ngừa băng huyết sau sinh; Sơ sinh - thành quả của ứng dụng kỹ thuật mới trong quản lý thai kỳ...

Uống 'nước lạ' chữa bệnh, nhiều người suýt mất mạng

Vẫn là một thông tin liên quan đến ngành Y tế thì Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca bệnh ngộ độc, hôn mê nguy kịch do uống loại nước được quảng cáo có khả năng "chữa bách bệnh".

Cụ thể, Bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt. Bà được chuyển tuyến vào Trung tâm Chống độc, với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali, hồi giữa tháng 10.

Tâm Anh: Theo như người bệnh chia sẻ bản thân mắc u tuyến giáp, tê bì tay chân, kèm nhiều bệnh dạ dày, tá tràng, đại tràng. Khi nghe hàng xóm truyền tai nhau về địa chỉ uống "nước chữa bách bệnh" gần nhà, bà tìm đến và xin được chữa trị. Thời điểm bà tham gia điều trị có khoảng 10 người, chủ yếu là người dân cùng xã.

Người phụ nữ cho biết thêm không cần trả chi phí điều trị, nước uống thoải mái. Máy lọc nước được chủ nhà quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản, "ai có nhu cầu họ sẽ bán". Phác đồ điều trị là uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước mỗi ngày, không ăn bất cứ thực phẩm gì, liên tục trong khoảng hai tuần.

Thục Khuê: Điểm lại 32 năm lịch sử ghép tạng của Việt Nam, PGS Hệ nhấn mạnh chúng ta đã có nhữnTrước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận chùm ca bệnh tương tự. Ba bệnh nhân suy thận, đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, nghe quảng cáo về cơ sở ở Thanh Oai (Hà Nội) chữa bách bệnh bằng "nước kiềm" đã bỏ điều trị, đến gặp "thần y" tại địa chỉ này.

Thục Khuê: Các bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu cấp cứu ngay khi tiếp nhận. Kết quả xét nghiệm lượng Urê, Kali và Creatinin trong máu tăng rất cao, trong đó Urê gấp 3 lần bình thường, Creatinin gấp 10-15 lần. Do được lọc máu kịp thời, họ thoát chết, trở lại lịch trình chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sức khỏe và cuộc sống.

Theo các bác sĩ, những cơ sở trên đều quảng cáo phương pháp chữa bệnh không chính thống, chưa có cơ sở khoa học. Bệnh viện đã gửi kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để thông tin, cảnh báo đến người dân, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tâm Anh: Ngày 15/10, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong. Hầu hết người bệnh trên đều uống nước kiềm. Đơn cử, mẫu nước được người bệnh ở Sóc Sơn đưa đến khi xét nghiệm ra độ pH 7,5.

"Uống nhiều nước kiềm gây thừa nước, thay đổi pH của máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, vô cùng nguy hiểm và phức tạp", bác sĩ Nguyên cho hay.

Ông Nguyên phân tích khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Theo đó, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, enzym bị giảm, thậm chí tử vong.

Người dân nghe và thực hiện theo những pháp đồ điều trị, lời tuyên truyền thiếu cơ sở khoa học rất nguy hiểm. Mọi người khi nghi ngờ có bệnh cần đến thăm khám ở cơ sở y tế.

Thục Khuê: Vâng rất cảm ơn Tâm Anh về những thông tin vừa rồi, và ngoài ra thì bản tin tổng hợp ngày hôm nay của chúng tôi sẽ mang đến cho quý vị những tin tức đáng chú ý như sau:

Headlines phụ:

  • Giá vàng miếng lên cao nhất 4 tháng

  • TP HCM sẽ xây nút giao 4 tầng ở cửa ngõ Đông Bắc

  • Hà Nội: Người dân hối hả tháo dỡ nhà để mở rộng đường Nguyễn Tuân

Giá vàng miếng lên cao nhất 4 tháng

Thưa quý vị, Sáng 16/10, các thương hiệu kinh doanh vàng miếng đồng loạt điều chỉnh giá bán ra thị trường lên 86 triệu đồng, sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán can thiệp. Chiều mua vào tại các thương hiệu như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI... cũng tăng một triệu đồng lên 84 triệu mỗi lượng.

Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng trong 4 tháng qua, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách "định giá" vàng miếng (dẫu vậy vẫn thấp hơn mức đỉnh lịch sử 6,4 triệu đồng).

So với đầu tháng 6, mỗi lượng vàng miếng hiện tăng khoảng 6 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng 7,5%, thấp hơn so với đà tăng trên 11% của nhẫn trơn. Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC cũng neo quanh 2 triệu đồng một lượng, cao hơn nhiều so với nhẫn trơn.

Thục Khuê: Sáng nay, giá vàng nhẫn tại các thương hiệu lớn cũng tăng vài trăm nghìn một lượng so với hôm qua và xác lập kỷ lục mới, có nơi lên 84 triệu đồng.

Tại SJC, nhẫn trơn lên 82,4 - 83,7 triệu đồng, tăng 400.000 đồng một lượng. DOJI, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 83,2 - 84,1 triệu. PNJ lên 83 - 84 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán ra giữa các thương hiệu hiện là 1-1,5 triệu đồng một lượng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng đang giao dịch quanh 2.667 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 80,8 triệu đồng một lượng. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3-5 triệu đồng một lượng.

Thời gian qua, giao dịch vàng thực tế không đáng kể, do việc mua vào vàng miếng và nhẫn trơn đều bị giới hạn số lượng. Đăng ký mua vàng miếng tại 5 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước uỷ thác không dễ, mất thời gian, số lượng tối đa chỉ 1-2 lượng. Nhẫn trơn tại các thương hiệu lớn cũng thường xuyên trong tình trạng khan hàng.

TP HCM sẽ xây nút giao 4 tầng ở cửa ngõ Đông Bắc

Thục Khuê: Thưa quý vị, chuyển sang tin tức tiếp theo, Ngoài tuyến đường sắt chạy qua, nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, sẽ được xây dựng hầm chui, cầu vượt hai tầng giúp xe thuận lợi rẽ đi các hướng.

Phương án thiết kế nút giao vừa được chính quyền TP HCM chấp thuận theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải. Đây là nút giao thuộc phạm vi dự án xây dựng đoạn 2 của Vành đai 2 (từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng - dài 2,8 km, tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng).

Tâm Anh: Vâng Nếu tính cả tuyến đường sắt hiện hữu chạy qua, nút giao sẽ có quy mô 4 tầng. Trong đó, tầng một có hai cầu vượt: cầu số 1 gồm hai nhánh (6 làn xe) nằm trên Vành đai 2, vượt qua đường Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, rạch Ngang; cầu số 2 có hai làn xe, rẽ trái từ Vành đai 2 xuống đường Phạm Văn Đồng, hướng về sân bay Tân Sơn Nhất.

Phía trên tầng này sẽ có một cầu khác đi thẳng đường Phạm Văn Đồng quy mô 4 làn xe hai chiều (cầu vượt sẽ triển khai trong giai đoạn sau của dự án Vành đai 2). Phía dưới nút giao, hầm chui sẽ được xây dựng gồm hai làn, cho xe rẽ phải từ đường Phạm Văn Đồng theo hướng Tân Sơn Nhất ra nút giao quốc lộ 1 - Gò Dưa.

Trước đó, nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng chưa có phương án thiết kế hầm chui mà được nghiên cứu xây dựng cầu vượt hai tầng, với nhiều nhánh rẽ đi các hướng. Tuy nhiên, tuyến đường sắt chạy qua nút giao sau này dự kiến được điều chỉnh lại theo hướng đi trên cao, có thể bị xung đột với một nhánh cầu. Do vậy, các đơn vị đã đề xuất lại giải pháp thiết kế nút giao nhằm đồng bộ giữa các dự án.

Vành đai 2 từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng là một trong 4 phân đoạn còn lại chưa khép kín của tuyến đường. Cuối năm 2023, đoạn này cùng với dự án đoạn 1 (dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến Võ Nguyên Giáp) được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư. Hai dự án được giải phóng mặt bằng từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến dự trữ để triển khai sau này. Cả hai dự án dự kiến được khởi công năm 2025, hoàn thành sau đó hai năm.

Ngoài hai dự án trên, Vành đai 2 TP HCM còn hai đoạn khác chưa khép kín. Trong đó, đoạn 3 cũng ở TP Thủ Đức, dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn còn lại (đoạn 4) ở phía nam thành phố, dài 5,3 km nối quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.

Hà Nội: Người dân hối hả tháo dỡ nhà để mở rộng đường Nguyễn Tuân

Tâm Anh: Thưa quý vị, chuyển sang thông tin tiếp theo thì Trong những ngày này người dân sinh sống 2 bên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hối hả tháo dỡ nhà, đồ đạc để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.

Thục Khuê: Dự án cải tạo, mở rộng theo quy hoạch đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng diện tích đất thu hồi giải phóng mặt bằng hơn 14.330m2 đất, liên quan đến 11 tổ chức và 160 hộ gia đình, cá nhân.

Đến đêm 14/10, tất cả các hộ dân và tổ chức đã bàn giao mặt bằng để phục vụ việc mở rộng đường Nguyễn Tuân.

Tâm Anh: Dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân được phê duyệt vào năm 2018, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng với mục tiêu giúp giảm tải ùn tắc giao thông, đem lại cảnh quan đô thị cũng như tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Đoạn đường được mở rộng có chiều dài khoảng 720m, điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân. Sau khi mở rộng, tuyến đường này có mặt cắt ngang 21m, lòng đường rộng 15m và 2 bên vỉa hè rộng 3m.

(Chào kết)

Tâm Anh: Thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tâm Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm