Bản tin tổng hợp 19/09: Nhiều khu vực ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước

(PLVN) - Sau bão Yagi, người dân Hà Nội gặp một số bệnh về vệ sinh; Sau miền Bắc, miền Trung đang đối mặt với mưa lớn; Từ 20/9 sẽ triển khai thẻ ảo offline cho hành khách tham gia vận tải công cộng;...và một số thông tin khác.
Nhiều khu vực ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Nhiều khu vực ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước

Phát sóng: ngày 15/09/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Headlines:

  • Sau bão Yagi, người dân Hà Nội gặp một số bệnh về vệ sinh

  • Nhiều khu vực ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước

  • Sau miền Bắc, miền Trung đang đối mặt với mưa lớn

Sau bão Yagi, người dân Hà Nội gặp một số bệnh về vệ sinh

Tâm Anh: Thưa quý vị, Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh, toàn thành phố có 27 quận/huyện, 184 xã/phường, 449 điểm ngập úng.

Với phương châm "nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó", ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường. Tính đến chiều 15/9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng.

Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ.

Về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, một ca mắc sốt xuất huyết.

Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hóa, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.

Thục Khuê: Không chỉ như vậy mà bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.

Tính đến chiều 15/9 có 5 trạm y tế là: Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A (TTYT huyện Chương Mỹ), Ngô Quyền (TTYT Sơn Tây), Phù Lưu và Hồng Quang (TTYT Ứng Hòa) còn bị ngập.

Các trạm bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc… tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương.

Tâm Anh: Và hiện tại, các cơ sở y tế, hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn vẫn được đảm bảo tốt. Tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh.

Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.

Ngành y tế tiếp tục triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường khi nước rút, theo phương châm "nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó", tổ chức thu gom xử lý xác động vật phát sinh các bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng sau nhiều ngày ngập lụt ở thủ đô phải không Thục Khuê?

Thục Khuê: Vâng, quả thực đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm, do đó người dân nên chú ý đến vấn đề vệ sinh nhiều hơn để có thể phòng tránh các loại bệnh dịch sau bão.

Nhiều khu vực ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước

Ngoài ra thì chúng tôi cũng thông tin thêm tới quý vị khán giả là hiện nay, nhiều khu vực dân cư tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn trong tình trạng ngập nặng, một số tuyến đê vẫn đang trong giai đoạn cầm cự khi nước ngập chân đê.

Được biết ở khu vực này, nước rút không đáng kể, mực nước sông cao vẫn tiếp tục tràn qua mặt đê nhấn chìm nhiều thêm nhiều diện tích đất nông nghiệp. Đó là chưa kể, một số tuyến đê đã xuất hiện tình trạng nguy hiểm và rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý. Gần 1 tuần nay, nước rút, rồi lại lên, lại rút, nhưng rút vẫn rất chậm.

Anh Cao Đình Thắng (Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, nước rút chậm, nên phần lớn diện tích lúa của xã vẫn ngập trong biển nước, nhiều đoạn đê đang trong giai đoạn cầm cự khi nước ngập chân đê. Hiện 100 m đê trên địa bàn xã đang xuất hiện tình trạng sạt lở chân đê. Nếu nước tiếp tục lên thì khó có thể ứng phó được.

"Nếu bây giờ tuyến đê này lở, thì diện tích lúa và hoa màu của nhân dân chìm trong biển nước. Hơn 10.000 dân sơ tán không kịp", anh Thắng nhận định.

Đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện vẫn còn 58 thôn đang trong tình trạng bị ngập nặng, bị cô lập bởi nước. Do Chương Mỹ là một trong những huyện thuộc khu vực phân lũ của Hà Nội, người dân trong vùng này luôn phải đối mặt với tình trạng sống chung với lũ.

Tâm Anh: Vâng và qua đợt bão này, huyện cũng đã nghiên cứu đề xuất đầu tư các tuyến đường ngăn lũ và chặn lũ để giảm thiểu tình trạng các thôn bị cô lập bởi nước, khó cứu hộ, cứu trợ.

Ông Nguyễn Anh Đức (Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đề xuất UBND thành phố đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đê và công trình thủy lợi, đầu tư một số tuyến đường giao thông, hình thành những tuyến đê mới...

Hiện huyện Chương Mỹ đã vận động người dân di dời gia súc, gia cầm ra khỏi vùng ngập lụt và cho biết đang tìm mọi biện pháp để bảo vệ đê xung yếu chờ ngày nước rút.

Sau miền Bắc, miền Trung đang đối mặt với mưa lớn

Cơn bão số 3 vừa đi qua không bao lâu, miền Bắc vừa phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão và trận lũ lụt sau bão thì cơn bão số 4 lại tiếp tục hướng vào miền Trung nước ta.

Thưa quý vị, Đến sáng 18/9, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có xu hướng di chuyển chậm. Từ 18/9 đến 20/9, Trung Trung Bộ sẽ mưa như trút nước với tổng lượng mưa 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động trên Biển Đông, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết đến sáng 18/9, ATNĐ có xu hướng di chuyển chậm.

Đến 10h ngày 18/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.

Thục Khuê: Theo ông Hưởng nhận định, trong 24 giờ tới, khi di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4.

Hướng di chuyển hiện tại của áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây nhưng khi mạnh lên thành bão sẽ đổi hướng theo hướng Tây Tây Bắc và sau đó ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh miền Trung.

Với tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và sau này thành bão số 4, trong ngày 18/9, khu vực Bắc Biển Đông có gió bão mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8.

Gần sáng 19/9, vùng gió mạnh sẽ mở rộng đến khu vực biển Trung Bộ, trọng tâm là khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, với gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9. Sóng biển tại những khu vực này cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5.

Ông Hưởng lưu ý, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ kết hợp thêm hoàn lưu phía trước của ATNĐ nên trong đêm 17/9 và sáng 18/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, một số nơi lên đến 100mm.

Từ ngày 18/9 đến 20/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ xảy ra đợt mưa lớn với tổng lượng mưa 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Với lượng mưa lớn nên khu vực miền núi Trung Bộ, nhất là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam trong những ngày tới cần hết sức lưu ý đến vấn đề lũ quét và sạt lở đất.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ gần sáng 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Tâm Anh: Và từ ngày 18/9 đến 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 đến 300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Còn Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 18/9 đến ngày 19/9 có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm)

Ngoài những thông tin về tình hình bão lũ trên thì thời gian qua còn rất nhiều những tin tức mới được cập nhật. Vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:

Headlines phụ:

  • Từ 20/9 sẽ triển khai thẻ ảo offline cho hành khách tham gia vận tải công cộng

  • Đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày

Từ 20/9 sẽ triển khai thẻ ảo offline cho hành khách tham gia vận tải công cộng

Thưa quý vị, vào sáng 18/9, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết: Để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng hình thức thẻ ảo (thẻ phi vật lý) tham gia vận tải hành khách công cộng kể cả khi không có mạng internet, Trung tâm tiếp tục triển khai hình thức thẻ ảo offline dành cho khách hàng kể từ ngày 20/9/2024.

Thục Khuê: Vâng, Ngay sau khi cập nhật phiên bản mới trên ứng dụng “Thẻ Vé Giao Thông HN”, khách hàng sử dụng hình thức thẻ ảo offline mà không cần kết nối mạng internet trong suốt quá trình sử dụng. Thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) offline có thao tác sử dụng dễ dàng, phù hợp với mọi hành khách, mọi đối tượng mà thông tin vẫn được bảo mật an toàn.

Về việc triển khai thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) offline cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội là đơn vị quản lý và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, Trung tâm đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng với mục tiêu từng bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và đưa giao thông công cộng là phương tiện đi lại thuận tiện cho người dân.

Tâm Anh: Thành phố Hà Nội hiện có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Những năm qua, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có sự cải thiện tích cực về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân vẫn đang là thách thức lớn.

Miền Bắc mưa dông về đêm, ngày nắng nóng

Thưa quý vị, thông tin cuối cùng trong bản tin hôm nay mà chúng tôi mang đến cho quý vị đó là thông tin về đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 2025.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa gửi văn bản xin ý kiến 16 cơ quan, bộ ngành về phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 trước khi trình Thủ tướng quyết định. Cơ quan này đề xuất nghỉ hai ngày trước và ba ngày sau Tết, từ 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng giêng Ất Tỵ, tức từ thứ bảy ngày 25/1 đến hết chủ nhật 2/2/2025.

Nếu phương án được thông qua, công chức, lao động cả nước sẽ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày gồm 5 ngày nghỉ chính thức và 4 ngày nghỉ cuối tuần của hai tuần liên tiếp.

Thục Khuê: Ngoài ra, Dịp Quốc khánh năm 2025, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án. Phương án 1 là nghỉ hai ngày gồm Quốc khánh 2/9 và một ngày liền kề trước. Công chức, lao động sẽ nghỉ từ thứ bảy 30/8/2025 đến hết thứ ba 2/9/2025. Kỳ nghỉ dài bốn ngày gồm hai ngày nghỉ chính thức và hai ngày nghỉ hàng tuần. Phương án hai là nghỉ hai ngày thứ ba và thứ tư 2-3/9/2025.

Cơ quan soạn thảo chọn phương án một, nghỉ bốn ngày để kỳ lễ liên tục, kéo dài, giúp người lao động có thời gian tái tạo sức, kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(Chào kết)

Tâm Anh: Và thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tâm Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm