Bản tin tổng hợp 22/09: Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

(PLVN) - Sau bão Yagi, Hà Nội "cứu" cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu; Mô hình 'đổi chai lấy sữa' mỗi sáng của người Hà Nội; Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai;.... và một số thông tin khác.
Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

Phát sóng: ngày 22/09/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Headlines:

  • Sau bão Yagi, Hà Nội "cứu" cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu

  • Mô hình 'đổi chai lấy sữa' mỗi sáng của người Hà Nội

Sau bão Yagi, Hà Nội "cứu" cây di sản, cây quý ở Hồ Gươm, đền Bà Kiệu

Tâm Anh: Thưa quý vị, Sau cơn bão Yagi (bão số 3), trên địa bàn TP Hà Nội có hàng chục nghìn cây xanh bị gãy đổ. Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh trên các tuyến phố chính do thành phố quản lý; còn lại là cây do các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị.

Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi đi kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng sau bão Yagi đã lưu ý các đơn vị, địa phương đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.

Ngay sau những ngày cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc rồi trồng lại vào vị trí phù hợp trên địa bàn.

Thục Khuê: Đối với cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm cần thực hiện cắt cành, tán đảm bảo cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Đối với cây đổ ra lòng đường, sau cắt tỉa cần di chuyển lên vỉa hè, dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng và những đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh thống nhất vị trí đào vỉa hè, trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp.

Tâm Anh: Trở lại với thiệt hại mà bão Yagi đã gây ra cho Thủ đô Hà Nội thì quả thật là rất lớn và theo như tôi được biết trong số những cây có thể "cứu" sau bão Yagi có 9 cây Sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị và 94 cây cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như Sanh, Si, Đa, Đề tại khu vực Đền Bà Kiệu, Hồ Gươm.

Thục Khuê: Và như vậy thì có thể nói tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội là vấn đề được người dân rất quan tâm thời điểm này. Cũng rất mong rằng trong thời gian sớm nhất thì hàng cây xanh ở Hà Nội sẽ quay trở lại trên những tuyến phố, những con đường quen thuộc của người dân Thủ đô.

Mô hình 'đổi chai lấy sữa' mỗi sáng của người Hà Nội

Vâng thưa quý vị, người dân Thủ đô luôn được biết đến với việc gắn bó cũng như gìn giữ những nét văn hoá hay những truyền thống có từ lâu đời và đôi khi nó chỉ là những thói quen, hành động nhỏ nhưng lại vô cùng thú vị.

10 năm nay, mỗi sáng thức dậy chị Thanh Mai - một người dân tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình đều thấy hai chai sữa đậu nành nóng đặt sát cửa nhà.

Do các con thích uống sữa đậu nành nên chị Mai đặt theo tháng, yêu cầu giao trước 7h sáng. Cuối ngày, người bán đi thu lại vỏ chai.

Cách mua bán này khiến chị Mai liên tưởng đến mô hình giao sữa tươi ở nước ngoài, người bán - người mua ít khi chạm mặt nhau, "đơn đặt hàng" là số lượng vỏ chai đặt ngoài cửa cuối ngày hôm trước.

Người Hà Nội gọi đây là hình thức "đổi chai lấy sữa", có truyền thống hơn 30 năm, phổ biến nhất ở khu phố cổ và lân cận thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Tất cả các hộ trong ngõ nhà chị Mai đều đặt sữa kiểu này. Giá mỗi chai 750 ml là 10.000 đồng, trả vỏ sẽ được trả lại một phần tiền.

Tâm Anh: Gần 30 năm nay, ngày nào chị Nguyễn Thanh ở phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm cũng uống sữa đậu nành đựng trong chai thủy tinh nút bằng lõi bấc. Nếu ở nhà, chị sẽ nhận trực tiếp và đổi vỏ chai, còn không người bán chỉ cần đặt sữa ngoài cửa.

Không đặt mua hàng ngày như các hộ khác, bà Nguyễn Hạnh, 70 tuổi, ở phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm chọn cách gọi điện thoại đặt sữa đậu nành, tuần vài lần.

Người bán sữa đậu nành đóng chai thủy tinh cho nhà chị Thanh, bà Hạnh là ông Phạm Văn Tiến, 60 tuổi, nhà ở quận Hai Bà Trưng. Ông cho biết gia đình làm nghề nấu và bán sữa đậu nành từ năm 1992. Thời đó sữa thường đựng trong vỏ chai bia màu xanh, dung tích 650 ml, nút bằng lõi cây bấc và giao tận nhà.

Hơn chục năm trở lại đây, sữa đậu nành đựng trong túi nilon, chai nhựa phổ biến, không phải trả vỏ chai khiến lượng khách của ông giảm dần. Giờ trên phố cổ, ông Tiến là một trong những người hiếm hoi còn giữ cách buôn bán này. Khách của ông chủ yếu là nhà hàng, quán ăn và các gia đình đã đặt mua 20-30 năm.

Thục Khuê: Đúng là hiện nay thì đã có thêm rất nhiều những hình thức buôn bán kinh doanh mới mẻ hơn hiện đại hơn nên mặt hàng sữa đậu nành cũng bị công nghiệp hóa hơn như đóng hộp, chai nhựa, hay chế biến công nghiệp, ko còn giữ được vị thơm ngậy của sữa đậu nành được đóng bằng những vỏ chai tái chế, nút bấc như ngày trước. Chính vì thế mà Thục Khuê cũng thấy hiện tại các bạn trẻ đang có “xu hướng” tìm lại những nét xưa cũ, nét truyền thống. Lướt một vòng các trang MXH, không ít người trẻ Hà Nội gần đây bắt đầu tìm hiểu và tỏ ra thích thú với nét văn hóa này của Thủ đô. Tuy nhiên thì những bạn trẻ này không đặt cố định mà đi tìm chiếc xe chở hàng trăm chai thủy tinh để mua. Như vậy thì có thể thấy từ cách đây 30 năm, người dân Việt Nam chúng ta đã biết tái chế, tái sử dụng những vỏ chai thủy tinh để giữ gìn, bảo vệ môi trường, quả là một hành động đẹp phải không Tâm Anh?

Tâm Anh: Đúng là như vậy và theo Tâm Anh thì những thói quen nhỏ từ lâu đời của người Hà Nội cũng đang góp phần tạo nên nét đẹp của Thủ đô đặc biệt là khơi dậy bên trong các bạn trẻ niềm yêu thích đặc biệt với văn hoá truyền thống. Chỉ từ những sinh hoạt hàng ngày thôi nhưng cũng chính là thứ tạo nên nét đẹp của người dân Hà Nội rồi và chắc chắn rằng giới trẻ với sự phát triển mạnh mẽ của các trang MXH thì có thể đưa những nét đẹp này lan rộng và được biết đến nhiều hơn nữa.

Vâng, thưa quý vị, ngoài những thông tin trên thì thời gian qua còn rất nhiều những tin tức mới được cập nhật. Vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:

Headlines phụ:

  • Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

  • Cảnh báo sốt xuất huyết sau mưa lũ ở Quảng Ninh

  • Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Ngày 21/9, UBND tỉnh Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất, đá tại 2 khu vực xóm Rài (xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn) và xóm Rằng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc).

Theo chính quyền địa phương, tại xóm Rài, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 10/2017 đã xảy ra hiện tượng sụt lún hư hỏng một số nhà cửa. Sau hoàn lưu cơn bão Yagi vừa qua với nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún kéo dài khoảng 1-3m, sâu 2-3m.

Ngoài ra còn nhiều vết nứt nhỏ, phạm vi ảnh hưởng khoảng 7ha.

Thục Khuê: Vâng, Sụt lún đã làm ảnh hưởng 111 hộ với 539 nhân khẩu. Trong đó, chính quyền địa phương đã phải sơ tán khẩn cấp 60 hộ dân với 278 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều hộ đã bị nứt nhà, sụt lún móng nhà, hư hỏng nhà. Ước tính lượng đất đá nếu sạt xuống khoảng 7-8 triệum3.

Đến nay, các điểm nứt, sụt lún vẫn đang tiếp tục phát triển rộng thêm và có nguy cơ sạt trượt trên diện rộng, đặc biệt khi có mưa, đất bão hòa. Ngoài ra, nhiều điểm đất nhão thành bùn, lún và tạo thành hốc sâu khoảng 1-3m, nhiều diện tích rừng trồng và cây cối của nhân dân gãy đổ do mất kết dính.

Tại xóm Rằng, do ảnh hưởng mưa lớn có xuất hiện vết nứt và tiếng nổ lớn tại đồi Ao Ếch phía sau xóm, có nguy cơ rất cao sạt trượt xuống khu vực cụm dân cư.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã vận động 14 hộ dân với 61 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao di dời đến nơi an toàn.

Hôm 13/9, khu vực xóm Rằng xuất hiện các vết nứt và sụt lún dạng bậc thang, tại điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200m và xuất hiện cung trượt dài khoảng 500m với khối lượng đất, đá sạt trượt rất lớn. Chính quyền địa phương đã di dời 30 hộ với 126 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Trước tình hình trên, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo trường tiểu học và THCS bố trí cho học sinh cấp tiểu học xóm Rằng học tại điểm trường Sơn Phú; cấp mầm non học tại điểm trường xóm Sèo.

Tâm Anh: Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn, Đà Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện kịp thời ứng phó khi có tình huống phát sinh xảy ra.

Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở hỗ trợ người dân đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu tại nơi di dời.

Cảnh báo sốt xuất huyết sau mưa lũ ở Quảng Ninh

Thưa quý vị, cũng liên quan đến những thiệt hại sau bão lũ thì Thời tiết diễn biến khó lường cùng với lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và lây lan bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm hàng năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 127 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó địa bàn có số mắc cao nhất là Hạ Long (56 ca), Cẩm Phả (19 ca), Uông Bí (14 ca).

Đa số các ca bệnh ghi nhận lẻ tẻ. Tuy nhiên, ngành y tế tinh có ghi nhận một số chùm ca bệnh tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long); phường Yên Thanh, Thanh Sơn (TP Uông Bí); phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả).

Thục Khuê: Ngoài ra, Kết quả giám sát véc tơ tại các đơn vị cho thấy, nhiều điểm có chỉ số cao vượt ngưỡng gây dịch như: Phường Hồng Hà, Cao Xanh (TP Hạ Long); phường Cẩm Sơn, Quang Hanh (TP Cẩm Phả); thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà); phường Trần Phú, Ninh Dương (TP Móng Cái); thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu); phường Trưng Vương (TP Uông Bí); xã Đông Xá (huyện Vân Đồn).

Tất cả các ca bệnh mắc sốt xuất huyết đều được giám sát và triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch lây lan.

Tại thị xã Quảng Yên, từ ngày 13 đến 17/9, Trung tâm Y tế thị xã đã tiếp nhận điều trị 5 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó 1 ca có biến chứng xuất huyết niêm mạc và giảm tiểu cầu, được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Được biết, 5 ca mắc sốt xuất huyết tại TX Quảng Yên đều là những ổ dịch mới, tại xã Tiền An và phường Quảng Yên, Yên Giang.

Cùng với Quảng Yên, các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn cũng có các ổ dịch sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm hàng năm, thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11.

Thời tiết trong giai đoạn này diễn biến khó lường, cùng với lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và lây lan bệnh.

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn muỗi truyền bệnh và giảm thiểu môi trường sống của chúng. Do đó, người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên vệ sinh thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn phòng muỗi đốt…

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên

Tâm Anh: Thưa quý vị, thông tin cuối cùng chúng tôi mang đến ngày hôm nay chính là thông tin về tình hình thời tiết. Theo TTDBKTTVQG, Phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Ngày 22-23/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh.

Cụ thể, ngày 22-23/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 20-23 độ, vùng núi có nơi dưới 19 độ.

Trên biển từ gần sáng 22/9, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh; sóng biển cao 1,5-2,5m.

Từ sáng sớm 22/9 đến 23/9, ở khu vực trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Thục Khuê: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

(Chào kết)

Tâm Anh: Và thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tâm Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm