BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Bưu điện Việt Nam hoạt động xuyên dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Phát sóng: ngày 23/4/2025
Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê
Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.
Tôi là Tâm Anh
Còn tôi là Thục Khuê
Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:
Headlines:
Hà Nội lo ngại nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc
Trung tâm y tế đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh có trạm cấp cứu vệ tinh 115
Nguy hiểm từ súng đồ chơi: Bé trai 5 tuổi vị viên bi bắn xuyên má, gãy xương mặt
Hà Nội lo ngại nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc
Tâm Anh: Mở đầu bản tin ngày hôm nay Chúng tôi sẽ cùng quý vị điểm qua những thông tin đáng chú ý trong lĩnh vực y tế.
Thưa quý vị, tại Hà Nội, ngành y tế đang đứng trước nguy cơ đối mặt với tình trạng "dịch chồng dịch", khi mà cùng lúc ba loại bệnh gồm sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết đều có dấu hiệu gia tăng.
Thục Khuê: Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ trong tuần từ 11 đến 18/4, thành phố đã ghi nhận 211 ca mắc sởi tại toàn bộ 30 quận, huyện và thị xã. Đây là tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc vượt mốc 200 ca. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 1.876 trường hợp mắc sởi, trong đó có một ca tử vong.
Tâm Anh: Và đáng lo ngại hơn nữa, dịch đang có xu hướng lan rộng sang nhóm người trên 10 tuổi – vốn không phải là đối tượng tiêm chủng đầy đủ trong các chiến dịch vaccine trước đây. Thành phố đã phải lên kế hoạch mở rộng tiêm chủng cho cả nhóm 11-15 tuổi và người lớn trên 15 tuổi.
Thục Khuê: Không chỉ có sởi, bệnh tay chân miệng cũng đang hoành hành tại Hà Nội. Tuần qua ghi nhận tới 240 ca, tăng gần 50 trường hợp so với tuần trước. Đáng chú ý, 94,7% ca mắc là trẻ dưới 3 tuổi, và đã xuất hiện một số ổ dịch tại các trường mầm non.
Tâm Anh: Nhắc đến đây mới thấy áp lực đang đè nặng lên ngành y tế và cả ngành giáo dục nữa. Khi các ổ dịch lan vào trường học thì việc phòng chống không còn chỉ là trách nhiệm của ngành y, mà phải là sự phối hợp toàn diện.
Thục Khuê: Đúng vậy, Tâm Anh. Sở Y tế Hà Nội cũng đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục – từ theo dõi sức khỏe học sinh, kiểm soát lý do nghỉ học, cho đến tăng cường khử khuẩn lớp học và tiêm bù vaccine cho trẻ.
Tâm Anh: Ngoài ra, sốt xuất huyết – loại dịch đặc trưng mùa hè – cũng bắt đầu “rục rịch”. Dù Hà Nội chưa ghi nhận ổ dịch rõ ràng, nhưng những ca bệnh rải rác đã xuất hiện tại các quận, huyện như Thường Tín, Ba Đình, Hà Đông, Long Biên...
Thục Khuê: Các cơ sở y tế tuyến đầu như Bệnh viện Nhi Hà Nội hiện đã lên phương án dự phòng mở rộng khu điều trị riêng biệt cho bệnh nhân sởi, đồng thời thực hiện phân luồng, trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, và đặc biệt là có cả thang máy riêng cho bệnh nhân để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Tâm Anh: Có thể thấy, công tác phòng dịch đang được thực hiện quyết liệt. Nhưng quý vị phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng: chủ động theo dõi sức khỏe con em, tiêm vaccine đầy đủ và cho trẻ nghỉ học ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh lây lan.
Trung tâm y tế đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh có trạm cấp cứu vệ tinh 115
Thục Khuê: Và chuyển sang TP Hồ Chí Minh, chúng ta vừa đón nhận một tin vui trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện. Chiều 22/4, trạm cấp cứu vệ tinh 115 đầu tiên đặt tại một trung tâm y tế tuyến quận – cụ thể là Trung tâm Y tế Quận 8 – đã chính thức đi vào hoạt động.
Tâm Anh: Đây là bước đột phá trong mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trước đây, các trạm vệ tinh chủ yếu được đặt tại bệnh viện tuyến cuối, nhưng nay mô hình này đã bắt đầu lan tỏa về các quận, huyện – nơi có nhu cầu cấp cứu cao nhưng hạ tầng còn hạn chế.
Thục Khuê: Theo thống kê, năm qua, Quận 8 có tới gần 1.500 ca cấp cứu ngoại viện, nhưng phải mất đến 45% số ca điều xe từ trung tâm cấp cứu ở Quận 10, khiến thời gian tiếp cận trung bình kéo dài trên 15 phút – một con số có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả cứu chữa.
Tâm Anh: Thế nhưng chỉ sau 2 tháng vận hành thí điểm, trạm vệ tinh mới tại Quận 8 đã đảm nhiệm hơn một nửa số ca cấp cứu trong khu vực, giúp giảm thời gian tiếp cận xuống còn 12-13 phút.
Thục Khuê: Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Quận 8 được triển khai theo mô hình loại 3 – tức là trung tâm y tế địa phương lo hậu cần, còn Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chịu trách nhiệm toàn bộ về chuyên môn, thiết bị và nhân lực.
Tâm Anh: Đây là trạm thứ 45 trong hệ thống cấp cứu 115 thành phố, nhưng là trạm đầu tiên được triển khai ngay tại một trung tâm y tế tuyến cơ sở. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, đặc biệt là tại các khu dân cư đông đúc.
Thục Khuê: Một lần nữa, chúng ta thấy rõ vai trò then chốt của y tế cơ sở – không chỉ trong phòng chống dịch bệnh như ở Hà Nội, mà còn trong nâng cao năng lực cấp cứu như tại TP.HCM.
Nguy hiểm từ súng đồ chơi: Bé trai 5 tuổi vị viên bi bắn xuyên má, gãy xương mặt
Thục Khuê: Chuyển sang thông tin kế tiếp, thưa quý vị, vừa qua là một vụ tai nạn hy hữu nhưng cũng rất đáng báo động, liên quan đến sử dụng đồ chơi an toàn cho trẻ.
Tâm Anh: Vâng, sự việc xảy ra tại tỉnh Tây Ninh. Một bé trai 5 tuổi trong lúc chơi súng đồ chơi với anh trai đã bị viên bi sắt bắn xuyên má, khiến gãy xương mặt và suýt gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Thục Khuê: Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, chiều 22/4, bé được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, má trái sưng phồng và chảy máu không ngừng. Hình ảnh CT scan cho thấy viên bi đã xuyên thủng phía sau xoang hàm trái, nằm sát hốc mắt, xoang mũi và những mạch máu lớn trên mặt.
Tâm Anh:Chỉ cần trượt nhẹ vài milimet thôi là có thể tổn thương đến mắt, thậm chí gây nhiễm trùng và đe dọa tính mạng.
Thục Khuê: Chính xác. Ngay sau khi xác định mức độ nghiêm trọng, các bác sĩ đã nhanh chóng phối hợp thực hiện phẫu thuật nội soi để lấy dị vật. Nhờ hệ thống nội soi hiện đại và tay nghề cao, ekip đã lấy ra viên bi sắt an toàn, xử lý tổn thương và bảo toàn các cấu trúc quan trọng vùng mặt.
Tâm Anh: Sau ca phẫu thuật, bé được chuyển về khu hồi sức trong tình trạng tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt và đã được xuất viện sau ba ngày điều trị. Một cái kết có hậu nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.
Thục Khuê: Bác sĩ Nguyễn Tất Đông – người trực tiếp tham gia ca mổ – chia sẻ, bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự do trẻ chơi với dị vật như bi sắt, nam châm, thậm chí là pin cúc áo.
Tâm Anh: Khuê nhỉ, những món đồ chơi nhỏ bé nhưng lại tiềm ẩn rủi ro khôn lường. Trẻ nhỏ chưa phân biệt được đâu là trò chơi an toàn, nên mọi sự bất cẩn của người lớn đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thục Khuê: Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi chọn đồ chơi cho trẻ. Hãy đảm bảo đó là sản phẩm phù hợp độ tuổi, không có chi tiết nhỏ dễ nuốt, dễ bắn… và luôn luôn giám sát trẻ trong quá trình chơi đùa.
Tâm Anh: Không gian vui chơi an toàn không chỉ nằm ở những trò chơi có vẻ “vui nhộn”, mà phải thực sự đảm bảo yếu tố sức khỏe và tính mạng cho các em nhỏ.
Ngoài những tin tức trên thì trong bản tin ngày hôm nay, Thục Khuê và Tâm Anh sẽ mang đến cho quý vị những thông tin đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Vậy nên xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe phần thứ hai trong bản tin ngày hôm nay:
Headlines phụ:
Từ ngày 25/4, nắng nóng sẽ giảm dần ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Bưu điện Việt Nam hoạt động xuyên dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Từ ngày 25/4, nắng nóng sẽ giảm dần ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Thục Khuê: Thưa quý vị, Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng sẽ bắt đầu giảm dần tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 25/4. Vâng, cụ thể, từ ngày 23 đến 24/4, Bắc Bộ vẫn có nắng nóng cục bộ, còn khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng diện rộng. Nhiệt độ nhiều nơi vượt ngưỡng 36 độ C, thậm chí trên 38 độ ở Trung Bộ.
Tâm Anh: Tuy nhiên, từ ngày 25/4, nắng nóng ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ giảm dần. Trong khi đó, từ chiều tối 23 đến 25/4 và 27 đến 29/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa rào, dông, kèm theo hiện tượng cực đoan như lốc, mưa đá, sét và gió giật mạnh.
Thục Khuê: Một tín hiệu tích cực, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan, nhất là trong thời điểm chuyển mùa. Những cơn dông bất chợt vào chiều tối có thể ảnh hưởng đến các sự kiện ngoài trời, kế hoạch du lịch hay các hoạt động tổ chức lễ hội.
Tâm Anh: Đúng vậy, các chuyên gia khí tượng cũng cảnh báo nắng nóng trên 35 độ C có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt, say nắng. Do đó, người dân nên chủ động mang theo nước, áo chống nắng, dù hoặc áo mưa, đặc biệt là khi tham gia các sự kiện đông người hay di chuyển xa.
Thục Khuê: Còn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, thời tiết trên cả nước dự báo có sự phân hóa rõ rệt. Bắc Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông. Trung Bộ trời ít mưa nhưng vẫn có thể xảy ra nắng nóng cục bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, chiều tối và tối có mưa dông.
Tâm Anh: Nếu quý vị dự định đến Sa Pa, thì xin chúc mừng – thời tiết nơi đây khá dễ chịu với nhiệt độ dao động từ 17 đến 22 độ C, gió nhẹ, xác suất mưa chỉ khoảng 20-40%. Rất lý tưởng để nghỉ dưỡng và chụp ảnh sống ảo, phải không Thục Khuê?
Thục Khuê: Chính xác, còn Hà Nội cũng sẽ đón kỳ nghỉ trong tiết trời mát mẻ, không mưa, nhiệt độ từ 23-28 độ C. Tuy nhiên, ở phía Nam, TP.HCM và Đà Lạt có thể có mưa dông vào buổi chiều tối – một đặc sản thời tiết mùa chuyển mùa mà ai cũng nên đề phòng.
Tâm Anh: Để đảm bảo an toàn và sự thuận tiện trong dịp nghỉ lễ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tăng cường tần suất phát bản tin, theo dõi sát các hiện tượng nguy hiểm và cập nhật thường xuyên đến các địa phương, đặc biệt tại các điểm tổ chức sự kiện lớn.
Bưu điện Việt Nam hoạt động xuyên dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thục Khuê: Chuyển sang thông tin kế tiếp thì trong dịp nghỉ lễ – Bưu điện Việt Nam cho biết toàn hệ thống sẽ duy trì hoạt động bình thường xuyên suốt kỳ nghỉ 30/4 – 1/5.
Tâm Anh: Vâng, từ khâu giao dịch, khai thác, vận chuyển đến phát bưu gửi đều được tổ chức khoa học, linh hoạt theo lưu lượng hàng hóa thực tế tại từng địa bàn. Các tuyến thư cấp 1, 2 và 3 sẽ hoạt động ổn định để không làm gián đoạn luồng lưu thông.
Thục Khuê: Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm của ngành bưu chính, nhất là khi nhu cầu thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa trong dịp nghỉ đang tăng cao. Ai cũng muốn món quà của mình đến đúng người, đúng lúc – và Bưu điện đang nỗ lực vì điều đó.
Tâm Anh: Còn với những đơn vị tổ chức sự kiện, lưu ý quan trọng là cần chủ động các phương án ứng phó thời tiết như dựng rạp, che chắn thiết bị, chuẩn bị ô dù, nước uống… Và đừng quên thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch kịp thời.
Thục Khuê: Đúng vậy, thời tiết đẹp có thể nâng tầm kỳ nghỉ, còn một cơn mưa bất ngờ thì có thể làm đảo lộn mọi kế hoạch. Hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo từ cơ quan chức năng và người dân, kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay sẽ thật an toàn và trọn vẹn.
(Chào kết)
Thục Khuê: Và thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp ngày hôm nay. Cảm ơn quý thính giả đã theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bản tin tiếp theo.