Bản tin tổng hợp 24/10: WHO tuyên bố Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

(PLVN) - Cảnh báo gia tăng bệnh chốc lở ở trẻ em tại Sóc Trăng; Hà Nội ghi nhận 403 ca mắc số xuất huyết trong tuần qua; Bão Trà Mi tăng lên cấp 9, cường độ tiếp tục mạnh thêm;...và một số thông tin khác.
WHO tuyên bố Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - WHO tuyên bố Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

Phát sóng: ngày 25/10/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:

Headlines:

  • WHO tuyên bố Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

  • Cảnh báo gia tăng bệnh chốc lở ở trẻ em tại Sóc Trăng

  • Hà Nội ghi nhận 403 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua

WHO tuyên bố Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

Tâm Anh: Thưa quý vị, tin tức đầu tiên mà chúng tôi mang đến cho quý vị trong bản tin ngày hôm nay là một thông tin vô cùng đáng mừng vào ngày 21/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Việt Nam đã loại trừ thành công bệnh đau mắt hột, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sức khỏe toàn cầu.

Trong phiên họp thứ 75 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO đã xác nhận những nỗ lực của Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và điều trị cho hàng trăm nghìn người trong 7 thập kỷ qua.

Thục Khuê: Và theo WHO, đau mắt hột từng là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại 4 tỉnh của Việt Nam. Khoảng 30 năm trước, 1,7% người dân sống tại các tỉnh có nguy cơ cao này cần phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do đau mắt hột. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành mắc dạng bệnh gây mù lòa này đã giảm xuống dưới 0,2% - ngưỡng để WHO xác nhận đau mắt hột không còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

WHO cho biết thêm việc Việt Nam áp dụng chiến lược SAFE của WHO, tập trung vào phẫu thuật, thuốc kháng sinh, vệ sinh mặt và cải thiện môi trường, đã thúc đẩy việc loại trừ đau mắt hột.

Đau mắt hột là một bệnh về mắt do nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis, là một nguyên nhân truyền nhiễm chính gây mù lòa trên toàn thế giới. Bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua dịch tiết mắt và mũi của người nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Các dịch tiết này cũng có thể lây lan qua một số loài ruồi.

Như vậy, thì có thể thấy với những tiến bộ cao của ngành y tế thì các bác sĩ Việt Nam đang ngày càng cho thấy được năng lực của mình phải không Tâm Anh?

Cảnh báo gia tăng bệnh chốc lở ở trẻ em tại Sóc Trăng

Tâm Anh: Đúng là như vậy. Và chuyển sang tin tức tiếp theo, bên cạnh tin mừng vừa rồi thì ngành y tế cũng đang phải đối mặt với việc hàng loạt các căn bệnh đang đến mùa.

Cụ thể, Chiều tối 22/10, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng Chung Tấn Định thông tin, thời gian gần đây, Phòng khám Da liễu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám do bị chốc lở.

Nhiều trẻ đến viện với tình trạng chốc lan rộng khắp nơi, thậm chí là bị bội nhiễm, do phụ huynh chủ quan hoặc tự điều trị bằng các phương pháp, bài thuốc dân gian.

Điển hình là bé H. N. G (10 tuổi, ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên) được đưa đến Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi trong tình trạng một vùng lớn trên cánh tay phải bị bội nhiễm. Cánh tay bé xuất hiện mụn nước trước đó nhưng người nhà nhầm tưởng là bệnh giời leo nên nghe lời khuyên bôi thuốc và đắp thuốc nam dẫn đến vùng da bị lở loét ngày càng lan rộng, rỉ dịch, đóng mày dày, tổn thương ngày càng nặng hơn. Khi nhận thấy mức độ nghiêm trọng, người nhà mới đưa bé vào bệnh viện.

Thục Khuê: Ngoài ra Còn trường hợp bé N. M. T (11 tuổi, phường 4, thành phố Sóc Trăng) được mẹ đưa đi khám vì 2 bàn tay và chân bé bị sẩn mụn mủ, rỉ dịch vàng, trợt da, ngứa cào gãi, khó chịu. Mẹ bé cho biết, cách đó khoảng một tuần, tay bé thường bị ngứa và nổi một số mụn nước. Tự tìm hiểu các bài thuốc dân gian trên mạng, mẹ cho bé tắm nước lá me, lá khế nhưng không thuyên giảm; nhiều mụn nước vỡ, lan dần ra vùng cánh tay và xuất hiện thêm ở chân. Sau vài ngày, mẹ bé ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và bôi, nhưng tình trạng bé vẫn không cải thiện nên quyết định đưa bé đến Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Yến Thi, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi chia sẻ, phụ huynh thường nhầm lẫn bệnh chốc lở với một số bệnh ngoài da khác và tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian hay dùng thuốc không theo chỉ định. Việc này có thể làm bệnh lan nhanh và nặng hơn. Do đó, khi thấy trẻ bị chốc hoặc có bất thường trên da cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời, phòng ngừa lây lan và biến chứng có thể xảy ra.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Yến Thi thông tin thêm, chốc lở là bệnh nhiễm trùng ngoài da, do vi khuẩn gây ra. Bệnh dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và lây sang người khác khi có tiếp xúc với chất dịch rỉ ra từ các vết trợt da, rỉ dịch. Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn với độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo do môi trường đông đúc, sinh hoạt và dùng chung các vật dụng.

Biểu hiện bệnh là xuất hiện trên da các mụn nước, bóng nước, nhanh chóng hóa mủ, rồi dập vỡ tạo thành vết trợt, đóng vảy tiết màu vàng mật ong, nhanh chóng lan rộng ra các vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân. Bệnh thường khỏi trong 7 - 10 ngày nếu điều trị đúng cách.

Khi thấy trẻ có những nốt mẩn đỏ, mưng mủ trên da, đặc biệt hay xảy ra trên đầu, mặt, phụ huynh nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất đề phòng lây lan và biến chứng.

Hà Nội ghi nhận 403 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua

Vâng, thưa quý vị, tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang có nhiều trẻ phải đến chữa trị bệnh chốc lở, còn tại địa bàn Hà Nội thì dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát.

Tâm Anh: Cụ thể, Tuần qua, Hà Nội có thêm 403 trường hợp mắc số xuất huyết. Dịch đang ở giai đoạn cao điểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 11 - 17/10), toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 403 trường hợp mắc số xuất huyết, tăng 57 ca so với tuần trước đó.

Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đống Đa (37 ca); Ba Đình (31 ca), Hà Đông (31 ca); Thanh Oai (26 ca); Đan Phượng (23 ca)… Trong tuần thành phố ghi nhận thêm 24 ổ dịch sốt xuất huyết tại 14 quận, huyện.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca sốt xuất huyết của Hà Nội là 4.563 trường hợp, chưa có ca tử vong, giảm 80,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Thục Khuê: Đại diện CDC Hà Nội đánh giá: Dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dự báo số ca mắc có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới. Nguyên nhân là do Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm; hiện thời tiết cũng thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát sinh, phát triển.

Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giám sát công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại một số địa bàn có số nhiều ổ dịch như: Xã Lam Điền (Chương Mỹ), xã Phùng Xá (Thạch Thất), phường Cát Linh (Đống Đa), xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì)... Đồng thời, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân.

Hà Nội cũng tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp, trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT và tại cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng…

Tâm Anh: Vâng có thể thấy rằng hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm của nhiều bệnh dịch, nên quý vị hãy lưu ý những biện pháp để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình. Và ngoài những tin tức ở phần đầu của bản tin thì còn có rất nhiều tin tức nổi bật trong thời gian qua, vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:

Headlines phụ:

  • Bão Trà Mi tăng lên cấp 9, cường độ tiếp tục mạnh thêm

  • Không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ nhiều nơi trở rét

Bão Trà Mi tăng lên cấp 9, cường độ tiếp tục mạnh thêm

Tâm Anh: Thưa quý vị, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 1h ngày 23/10, bão Trami (tên tiếng Việt là Trà Mi) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11.

Bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.

Cơ quan khí tượng dự báo từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục mạnh thêm, có lúc đạt cấp 12 giật cấp 15.

Thục Khuê: Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7.

Từ sáng 24/10, gió mạnh tăng lên cấp 8-9 (62-88km/h), vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão sóng cao 6-8m; biển động dữ dội.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, ngày 24/10, bão Trà Mi sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 6. Sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển theo hướng Tây và cường độ tiếp tục mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của bão, khoảng từ ngày 26 đến 28/10, khả năng các tỉnh Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn diện rộng.

Ông Tuấn cảnh báo diễn biến bão cuối mùa thường rất phức tạp và hay thay đổi. Do vậy, chính quyền và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo mới nhất về bão Trà Mi để chủ động ứng phó.

Không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ nhiều nơi trở rét

Thục Khuê: Thưa quý vị, chuyển sang tin tức tiếp theo, cũng liên quan đến tình hình thời tiết thì Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.

Tâm Anh: Vâng Cơ quan khí tượng cho biết từ tố 22/10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Từ ngày 23/10, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An ngày trời mát, đêm và sáng trời lạnh; riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng trời rét.

Thục Khuê: Dù bị ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh tăng cường nhưng theoAccuWeather dự báo, ngày 23/10 và ngày 24/10 chất lượng không khí Hà Nội vẫn ở mức có hại với chỉ số chất lượng không khí (AQI) khoảng trên 100 (ngưỡng tốt là 0-50).

Với chỉ số chất lượng không khí này, những người nhạy cảm được khuyến cáo tránh hoạt động ngoài trời.

(Chào kết)

Tâm Anh: Thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tân Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm