Bản tin tổng hợp 25/02: “Xe ôm” tranh giành khách tại chùa nghìn tuổi ở Hà Nam

(PLVN) -  Đò vào chùa Hương hết cảnh chèo kéo khách;  Loạn giá gửi xe tại các Di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội;  Sau 4 năm bỏ hoang, Công viên Thiên văn học đón hàng nghìn người đến trải nghiệm;... và một số thông tin khác.
Người dân, du khách đổ về chùa Địa Tạng Phi Lai du xuân

BẢN TIN TỔNG HỢP - “Xe ôm” tranh giành khách tại chùa nghìn tuổi ở Hà Nam

Phát sóng: ngày 25/02/2024

Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê

Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Radio PL - Báo PLVN.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Quý vị thân mến, bản tin hôm nay của chúng tôi sẽ thông tin cho quý vị những sự kiện nổi bật trong thời gian vừa qua. Không để quý vị chờ đợi lâu hơn nữa, phần đầu của bản tin sẽ gồm những nội dung sau:

Headlines:

  • “Xe ôm” tranh giành khách tại chùa nghìn tuổi ở Hà Nam

  • Đò vào chùa Hương hết cảnh chèo kéo khách

  • Ngăn chặn loạn giá gửi xe tại các Di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội

  1. “Xe ôm” tranh giành khách tại chùa nghìn tuổi ở Hà Nam (tin bình)

Tâm Anh: Thưa quý vị, khoảng thời gian gần đây cùng với không khí của những ngày đầu năm mới thì có thể nói những chuyến đi tham quan những khu di tích lịch sử hay là đi đền chùa cầu may mắn đang thu hút rất nhiều người dân đến tham gia. Từ xưa đến nay, việc đi lễ chùa ngày đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Người dân đến chùa không chỉ để cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên. Thế nên cứ vào khoảng thời gian những ngày sau Tết thì đền chùa hay là các khu di tích tâm linh có lượng khách cao hơn hẳn. Thục Khuê này, không biết là năm nay thì Thục Khuê và gia đình đã có dịp đi lễ chùa đầu năm chưa nhỉ?

Thục Khuê: Năm nay thì tôi và gia đình đã đến tham quan Chùa Chèm vì cũng may mắn là nhân dịp về quê luôn. Và hầu như năm nào thì gia đình tôi cũng đi lễ chùa đầu năm hết. Tâm Anh thì sao nhỉ?

Tâm Anh: Đi lễ chùa đầu năm thì Tâm Anh nghĩ đó là một nét đẹp văn hoá của người Việt rồi nên chắc hẳn là gia đình nào cũng sẽ muốn dành thời gian cho những chuyến tham quan hay đi lễ chùa thôi. Có điều mà Tâm Anh muốn nói đến là những điều xấu xí còn tồn tại ở trong nét đẹp văn hoá này. Theo như Tâm Anh được từng trải nghiệm thì còn có nhiều điểm đến du lịch tâm linh có những tình trạng như loạn giá dịch vụ, tranh giành khách đi tàu thuyền hay đi xe ôm. Và mới đây thì do lượng khách đến chùa Địa Tạng Phi Lai du xuân, cúng lễ, cầu may mắn đầu năm quá đông nên hàng trăm tài xế 'xe ôm' đã có mặt để chở khách, kiếm thêm thu nhập nên đã xảy ra tình trạng tranh giành khách với nhau. Làm ảnh hưởng đến mĩ quan của chùa.

Thưa quý vị, những ngày vừa rồi, hàng nghìn người dân, du khách đã đổ về ngôi chùa này để du xuân, cúng lễ, cầu may mắn. Do lượng khách quá đông trong khi những con đường vào chùa quá nhỏ nên lực lượng chức năng đã lập 2 lớp hàng rào barie để đảm bảo an toàn.

Lớp hàng rào barie đầu tiên cách chùa khoảng 2,5 km để cấm ô tô đi vào bên trong. Du khách được gửi xe miễn phí và đi 'xe ôm' với giá 10.000 - 15.000 đồng/người/lượt vào chùa. Lớp hàng rào barie thứ 2 cách chùa khoảng 500 m, cấm tất cả các loại phương tiện và có lực lượng công an đứng trực.

Do nhu cầu đi lại của du khách rất lớn nên hàng trăm người dân địa phương đã dùng xe máy cá nhân làm 'xe ôm' chở khách vào chùa. Tuy nhiên, do không được quản lý nên những tài xế này bất chấp nguy hiểm để kiếm tiền, nhiều tài xế chở 3 - 4 khách, không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên đi qua khu vực có lực lượng công an đứng trực.

Thậm chí, nhiều tài xế tranh giành, chèo kéo khách gây hỗn loạn ngay trước cổng chùa, Theo tôi thấy thì tình trạng này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan, sự thanh tịnh của chùa. Không biết là Thục Khuê nghĩ sao về vấn đề này nhỉ?

Thục Khuê: Nghe Tâm Anh nhắc đến câu chuyện này thì tôi cũng cảm thấy được phần nào đó khung cảnh trái ngược chính là sự hỗn loạn ở nơi yên tĩnh như đền chùa rồi. Tôi cũng khá ngạc nhiên là những tài xế này lại ngang nhiên vi phạm an toàn giao thông trước lực lượng công an. Thực tế thì tôi hiểu được phần nào rằng họ cũng muốn kiếm thêm thu nhập nhân dịp lễ tết nhưng mà với những nơi như là đền chùa hay những khu du lịch tâm linh thì hơn hết là vẫn phải giữ được mĩ quan đúng không Tâm Anh?

Tâm Anh: Vâng, quả đúng là như vậy. Và nhắc đến những dịch vụ hoạt động ở các khu du lịch tâm linh thì tôi lại nhớ đến câu chuyện của không chỉ riêng tôi mà chắc là những quý vị thính giả mà từng tham quan chùa Hương đều đã trải qua rồi. Đó chính là câu chuyện "cò đò" đi xe máy, bám theo từng đoàn khách chèo kéo mời đò. Khi mà chỉ 1,2 năm trước đây thôi thì rất nhiều người dân đã bị lừa đi đò với cái giá cắt cổ. Chỉ cần bước lên đò chuẩn bị di chuyển thì "cò đò" báo thêm đủ các mức phí khác nhau. Sau khi "cò đò" giải thích một hồi thì giá đã bị đẩy lên đến 500.000 đồng. Nhưng hầu như nhiều du khách đành phải ngậm ngùi chấp nhận mức giá đó.

  1. Đò vào chùa Hương hết cảnh chèo kéo khách

Và đó là câu chuyện của 1,2 năm trước còn thưa quý vị, năm nay đã gần như không còn tình trạng này xảy ra.

Trong ngày khai hội chùa Hương 2024, theo như những lái đò chùa Hương chia sẻ thì việc phân chia chở đò đã công bằng, không còn cạnh tranh như trước. Vì đăng ký trực tiếp với hợp tác xã và phân chia lợi nhuận rõ ràng, thu nhập cũng cao hơn.

Không chỉ lái đò có công ăn việc làm ổn định, người dân địa phương cũng có thêm thu nhập khi tham gia công tác điều phối, quản lý.

Một trong những người dân xã Hương Sơn, tham gia công tác hướng dẫn điều hành thuyền đò cho du khách cho biết, năm nay có sự khác biệt so với mọi năm là không còn tình trạng chèo kéo khách. Hợp tác xã đã triển khai quy củ, xếp số tại 10 cổng kiểm soát vé. Bà con có hộ khẩu trong xã Hương Sơn có nhu cầu chở khách được đăng ký vào hợp tác xã. Vì vậy, người dân lao động cảm thấy rất hài lòng. Còn du khách cũng cảm nhận đây là một lễ hội văn minh, sạch đẹp.

Như vậy, không còn những “cò mồi” săn đón, dụ dỗ suốt quãng đường dẫn vào chùa, du khách cũng có được trải nghiệm du lịch tâm linh văn minh, thân thiện hơn.

  1. Ngăn chặn loạn giá gửi xe tại các Di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội

Và thưa quý vị, câu chuyện giá dịch vụ ở những khu di tích tâm linh như đền chùa hay những khu di tích lịch sử luôn là vấn đề mà được rất nhiều người quan tâm. Bởi trong những dịp lễ hội thì những địa điểm du lịch tâm linh hay khu di tích lịch sử luôn là lựa chọn hàng đầu. Cũng giống như việc bản thân Tâm Anh khi mà nhắc đến Hà Nội thôi là sẽ liệt kê ra một số địa điểm vui chơi tham quan như là Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tây Hồ, Phố đi bộ,… mà trước khi đến tham quan thì chắc hẳn là ai cũng sẽ tham khảo trước về giá cả ở những địa điểm du lịch này đúng không Thục Khuê?

Thục Khuê: Đúng vậy. Và nhắc đến những địa điểm này thì gần đây, theo thông tin Thục Khuê được biết thì càng vào những ngày nghỉ sau Tết những địa điểm này lại xảy ra tình trạng loạn giá vé gửi xe. Do lượng khách du lịch đổ dồn về các điểm vui chơi, di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội nên nhiều địa điểm trông giữ xe tự phát, thu phí giá cao đang nở rộ quanh khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố gần quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ…

Bình thường khi gửi xe ở các điểm trông coi trong khu vui chơi, di tích lịch sử, văn hóa, mức giá gửi xe ôtô sẽ dao động từ 30.000 đồng/lượt, xe máy từ 5.000-10.000 đồng/lượt. Thế nhưng, việc gửi xe ở các bãi tự phát thì mức giá khoảng từ 70.000-100.000 đồng/lượt đối với xe ôtô, vé gửi xe máy dao động từ 10.000-20.000 đồng/lượt, nhiều xe máy, ôtô của người dân phải để tràn ra vỉa hè, lòng đường. Có thể thấy là mức giá đội lên cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với bình thường đúng không Tâm Anh?

Tâm Anh: Quả đúng là mức giá như Khuê vừa nói thì tôi thấy đang rất cao so với tưởng tượng. Và nhằm hạn chế tình trạng bãi gửi xe tự phát, Ông Nguyễn Danh Thụ - Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) - cho biết, 4 điểm trông giữ xe được cấp phép năm nay tại phủ Tây Hồ sẽ hoạt động bằng hình thức quét mã QR code hoặc thu phí không dừng theo mức giá quy định là 20.000 đồng/xe ôtô. Đối với các điểm trông giữ xe máy có giá là 5.000 đồng/xe máy ban ngày và 8.000 đồng/xe máy vào buổi tối.

Bên cạnh giải pháp trên, UBND phường Quảng An cũng đã sơn kẻ ranh giới vị trí trông giữ xe, kiểm tra trang phục, thẻ nhân viên, nội quy trông xe, niêm yết bảng giá gửi xe tại các điểm để tránh tình trạng thu giá cao so với quy định.

Hi vọng là với những quy định mới được áp dụng thì người dân có thể thoải mái lựa chọn những điểm vui chơi giải trí cuối tuần, giảm stress sau những ngày làm việc căng thẳng đúng không Thục Khuê?

Thục Khuê: Chắc chắn rồi và ngay sau khi những quy định mới này được áp dụng thì chắc chắn là tôi cũng sẽ cùng gia đình trải nghiệm lại các dịch vụ ở những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước.

  1. Tâm Anh này, có thể thấy rằng thời gian vừa qua có rất nhiều tin tức mới về đời sống, xã hội được cập nhật đúng không?

  2. Đúng vậy, và ngoài những thông tin vừa rồi cùng với bầu không khí của những ngày đầu tiên trong năm mới, có rất nhiều những thông tin nóng hổi khác vẫn đang được cập nhật từng ngày, từng giờ, vậy nên không để quý vị thính giả chờ lâu hơn nữa, xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe những tin tức nổi bật trong tuần qua:

Headlines phụ:

  • Sau 4 năm bỏ hoang, Công viên Thiên văn học đón hàng nghìn người đến trải nghiệm

  • Bảo tàng quân sự 2.500 tỷ đồng sắp hoàn thiện

4. Sau 4 năm bỏ hoang, Công viên Thiên văn học đón hàng nghìn người đến trải nghiệm

Tâm Anh: Thưa quý vị, mới đây, Công viên Thiên văn học được tháo hết hàng rào chắn, tạm đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu người dân. Ngay sau khi Công viên mở cửa trở lại đã thu hút rất đông lượng khách tới chơi vào dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Công viên Thiên văn học (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2017 và hoàn thiện vào quý 1/2020. Công viên xây dựng trên diện tích hơn 12 ha, được kỳ vọng là kiến trúc tạo điểm nhấn về cảnh quan tại khu đô thị Dương Nội. Tuy nhiên, sau khi công viên này cơ bản hoàn thành, không được cơ quan chức năng cho mở cửa hoạt động.

Trước báo cáo, đề xuất của chủ đầu tư cùng các sở, ngành…, mới đây, UBND TP Hà Nội đã cho phép công viên này được tạm đưa vào hoạt động theo nguyện vọng của cử tri, phục vụ Nhân dân trong dịp Tết.

UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hà Đông phối hợp, tạm thời tiếp nhận bàn giao đối với công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn để đủ điều kiện mở cửa công viên đưa vào sử dụng. Trong thời gian thực hiện các thủ tục cho đến khi đủ điều kiện thực hiện bàn giao chính thức theo quy định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện chất lượng công trình.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi được mở cửa trở lại đã thu hút đông đảo người dân tới vui chơi, tham quan và trải nghiệm tại Công viên Thiên văn học.

Các khu vực trong công viên đông nghịt người dân đến vui chơi sau khi nơi này được mở cửa.

Tâm Anh nghĩ rằng, với thiết kế và không gian đẹp mắt cũng như các hạng mục mang chủ đề thú vị, bổ ích, Công viên Thiên văn học hứa hẹn sẽ là một địa điểm du lịch hấp dẫn được du khách nói chung và đặc biệt là các bạn trẻ có thể đến để tham quan cũng như là checkin sống ảo nữa.

5. Bảo tàng quân sự 2.500 tỷ đồng sắp hoàn thiện

Thục Khuê: Vâng và nhắc đến những địa điểm có thể đến tham quan thì mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng đang hoàn tất các hạng mục trước khi đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào cuối tháng 6.

Theo thông tin Thục Khuê được biết, Dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được khởi công từ năm 2020, trên tổng diện tích 38,66 ha. Công trình nằmtrên đường Đại Lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Tòa nhà chính của dự án có diện tích hơn 23.000 m2, phía trước là hai hồ nước rộng 2.000 m2. Chính giữa quảng trường là Tháp Chiến thắng cao 45 m, tượng trưng cho năm 1945 đất nước giành độc lập. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành giai đoạn một vào tháng 6 gồm các khu vực trưng bày tầng 1 của tòa nhà chính, quảng trường, đài tưởng niệm và các hạng mục phụ trợ như khu vui chơi trẻ em, bãi đỗ xe. Dự kiến cuối năm 2024, công trình sẽ khánh thành, phục vụ công chúng trong nước và quốc tế. Theo Ban quản lý dự án, bảo tàng khi đi vào hoạt động sẽ là trung tâm văn hoá, thông tin về lịch sử quân sự, di sản quân sự của quân đội và quốc gia. Với số lượng hiện vật, thông tin đồ sộ, phong phú, bảo tàng sẽ đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, hưởng thụ văn hoá, du lịch của người dân, lực lượng vũ trang và du khách quốc tế. Dự kiến đây cũng là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao về chuyên ngành bảo tàng.

Như vậy, thì có thể nói sắp tới chúng ta sẽ có thêm kha khá những địa điểm tham quan lí tưởng cho những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần đúng không Tâm Anh?

Tâm Anh: Vâng, Tâm Anh cũng đã hình dung và liệt kê ra trong đầu những địa điểm mà chắc chắn dịp nghỉ cuối tuần tôi sẽ cùng với gia đình trải nghiệm rồi. Tâm Anh cũng hi vọng rằng quý thính giả sẽ lựa chọn cho bản thân cũng như gia đình những địa điểm du lịch lý tưởng, xoá tan đi những buồn phiền lo toan của cuộc sống thường nhật để có những khoảng thời gian thoải mái tinh thần, tràn đầy niềm vui bên gia đình và bạn bè.

(Chào kết)

Tâm Anh: Quý thính giả thân mến, tới đây thì thời lượng của Bản tin cũng đã kết thúc. Chúc quý vị sẽ có một tuần làm việc hiệu quả, thêm vào đó là những khoảng thời gian hạnh phúc bên người thân và gia đình.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Tôi là Tâm Anh

Còn tôi là Thục Khuê

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm