BẢN TIN TỔNG HỢP Radio Pháp Luật - Đặc sản miền Trung vào vụ tết
Phát sóng: ngày 2/12/2024
Người thực hiện: Tâm Anh, Thục Khuê
Tâm Anh: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Báo PLVN.
Tôi là Tâm Anh
Còn tôi là Thục Khuê
Thưa quý vị, bản tin tổng hợp ngày hôm nay sẽ có những nội dung sau:
Headlines:
Đặc sản miền Trung vào vụ tết
Người dân tất bật 'thay áo mới' cho đào nở hoa đúng dịp Tết
Đặc sản miền Trung vào vụ tết
Tâm Anh: Thưa quý vị, chúng ta đang ở giai đoạn sắp bước sang năm mới 2025, để chuẩn bị cho dịp Tết năm nay thì nhiều làng nghề truyền thống ở miền Trung đang tất bật vào mùa sản xuất, chuẩn bị những đặc sản tươi ngon, mới lạ phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food, tết năm nay, công ty chuẩn bị 2 dòng sản phẩm mới gồm bánh dừa nướng Topcoco phối hợp các loại hạt giàu dinh dưỡng và phiên bản bánh dừa Cocool vị trái cây. Những sản phẩm mang đến người thưởng thức một hành trình khám phá hương vị đa dạng, từ vị béo ngọt của dừa tươi, thơm bùi của hạt đến sự tươi mát của trái cây nhiệt đới. Từ sản phẩm đến bao bì tái hiện hình ảnh mộc mạc, thôn quê với biểu tượng hoa mai, chim hạc thể hiện đậm nét văn hóa Tết Việt. Dự kiến, tết năm nay, sản lượng của công ty tăng 30%-50% so với những tháng trong năm.
Thục Khuê: Vâng năm nay, cơ sở Mộc Truly Huế ở TP Huế (Thừa Thiên Huế) lần đầu tiên trình làng sản phẩm mứt gừng phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ được thực hiện từ công nghệ sấy lạnh. Bà Phạm Thị Diệu Huyền, chủ cơ sở Mộc Truly Huế, chia sẻ, ngày tết, người Huế vẫn có thói quen tiếp đãi nhau bằng dĩa mứt gừng với tách trà nóng.Theo bà Trương Thị Thu Hường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi, năm nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, cuối năm và tết là thời điểm các doanh nghiệp “bung sức”. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đang đẩy mạnh nhập nguyên liệu mới, thay đổi mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiềm năng để tiếp cận người tiêu dùng. Các đơn vị cũng chú trọng quảng bá sản phẩm trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Người dân tất bật 'thay áo mới' cho đào nở hoa đúng dịp Tết
Tâm Anh: Vâng thưa quý vị, vào thời điểm này khi rét đậm về, hàng trăm hộ dân đã tiến hành tuốt lá, chăm sóc cho những cành đào để cây kịp ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Thục Khuê: Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Đồng Bản là hộ dân có số lượng gốc đào lớn nhất xã Kim Thành, huyện Yên Thành với 3.000 gốc đào phai và đào bích. Thời điểm này, gia đình anh đang tất bật tuốt lá, nuôi mắt, cho đào ra nụ.Tâm Anh này, có thể thấy thì năm nay, thời tiết thuận lợi hơn nên cây đào sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho ra hoa đúng thời điểm. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều vùng trồng đào trên cả nước bị hư hỏng và chết nhiều, vì vậy anh Sơn dự đoán giá cây đào Tết năm nay sẽ đắt hơn 10 - 15%. Dự kiến, Tết năm nay gia đình anh bán ra thị trường 150 gốc cây đào, sẽ cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Hiện vườn đào nhà anh Sơn đã có khách đến đặt hàng tại vườn. Để có cây đào gối vụ cho năm tới, thời điểm này anh Sơn cũng đã đi thu mua, săn tìm các gốc cây đào độc, đẹp ở các địa phương khác để về trồng, chăm sóc hoặc ghép lai giống với loại đào khác để cho ra loại đào lai đẹp.
Tâm Anh: Cũng trong địa phương thì còn có vườn đào nhà anh Chu Văn Huấn có 800 gốc đào. Ngoài bán cả cây, cành thì gia đình anh Huấn còn cho thuê cây đào. Từ 24 tháng Chạp âm lịch, khách sẽ tới đào cây để mang về chơi Tết, ra Giêng lại trả đào về vườn. Tùy theo thế của mỗi cây đào sẽ có nhiều giá cho thuê khác nhau, trung bình mỗi cây đào cho thuê có giá từ 3 - 10 triệu đồng/cây. Thời điểm này vườn đào nhà anh Huấn đã có 30 gốc đào cho khách thuê.
Từ giữa tháng 11 âm lịch, người dân các vùng trồng đào trong tỉnh như Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), Kim Thành, Hùng Thành (Yên Thành), Nghi Ân, Nghi Liên (thành phố Vinh), Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu)… lại tất bật xuống lá cho đào.
Người dân cho biết, tuốt lá đào là một trong những khâu quan trọng nhất, phải được thực hiện đúng thời gian để đào ra được mắt và cho ra những nụ hoa to, đẹp và đều. Thời gian tuốt lá tùy thuộc vào từng giống đào, loại bán cành thì tuốt muộn hơn loại bán cả cây. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên việc “thay áo mới” cho đào được tiến hành sớm hơn các năm trước từ 7-10 ngày.
Thục Khuê: Hiện nay thì nhiều thương lái đã đến thăm vườn, khảo sát giá để chuẩn bị cung ứng thị trường Tết. Nhiều cành đào gốc to, thế đẹp đã có khách đặt mua, đánh dấu và cọc tiền trước.
Ngoài giống đào phai, đào bích bản địa, các hộ dân trồng đào ở nhiều địa phương đã du nhập các giống đào khác như: đào Nhật Tân, Bạch đào; đào thế… về thuần giống, lai ghép mang lại thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình cũng đã chuẩn bị giống đào để trồng gối lứa kế tiếp sau khi bán lứa đào Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Và đó cũng là những thông tin mới nhất mà chúng tôi mang đến cho quý vị thính giả ở phần đầu của bản tin và ngoài những tin tức trên thì còn có rất nhiều những thông tin nổi bật trong thời gian qua, vậy nên xin mời quý thính giả tiếp tục lắng nghe bản tin tổng hợp ngày hôm nay:
Headlines phụ:
Nhà ga T3 đạt 83% khối lượng, quyết hoàn thành dịp 30/4
Bộ Y tế đề xuất mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá
Cứu sống 10 ngư dân trên tàu cá bị sóng lớn đánh chìm
Nhà ga T3 đạt 83% khối lượng, quyết hoàn thành dịp 30/4
Tâm Anh: Thưa quý vị, Chiều 27/12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) cùng các nhà thầu đã ký kết giao ước và phát động thi đua 120 ngày đêm về đích hoàn thành công trình đưa vào khai thác dịp 30/4/2025.
Dự án Nhà ga T3 gồm 4 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay. Tổng mức đầu tư dự án 10.990 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và vốn vay thương mại.
Thục Khuê: Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay code C và code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bộ Y tế đề xuất mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá
Tâm Anh: Thưa quý vị, chuyển sang tin tức kế tiếp thì Ngày 27-12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá và tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Nghị định 77/2013/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sau hơn một thập kỷ triển khai đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại bất cập. Bộ Y tế đề xuất mở rộng diện tích cấm hút thuốc tại quán bar, karaoke, nhà hàng, bến tàu, nhà ga và tiến tới cấm hoàn toàn trong nhà ở các địa điểm công cộng.
Thục Khuê: Ngoài ra, Bộ Y tế kiến nghị tăng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá từ 50% lên 75%, thay đổi mẫu cảnh báo định kỳ để nâng cao nhận thức người dân.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Kinh, nơi áp dụng chính sách không khói thuốc 100% và bảo vệ hàng trăm triệu người dân khỏi tác hại của khói thuốc.
Bộ Y tế nhấn mạnh mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm và nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá.
Cứu sống 10 ngư dân trên tàu cá bị sóng lớn đánh chìm
Tâm Anh: Thưa quý vị, tin tức cuối cùng mà chúng tôi mang đến cho quý vị trong bản tin ngày hôm nay đó là thông tin về ngư dân trên tau cá bị sóng đánh chìm.
Chiều 27/12, lãnh đạo UBND xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, một tàu cá của ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trong quá trình khai thác hải sản trên biển thì bị sóng lớn đánh chìm khiến 11 ngư dân rơi xuống biển. Đã có 10 người được cứu, 1 người tử vong sau đó.
Thục Khuê: Theo báo cáo từ UBND xã Thanh Hải, khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 26/12, trong quá trình khai thác hải sản cách Hòn Đỏ, thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải khoảng 4 hải lý về hướng Đông thì tàu cá mang số hiệu NT-90960-TS, công suất 120 CV do ông Trần Minh Cầm (sinh năm 1984, ngụ thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải) làm thuyền trưởng bị sóng lớn đánh chìm, trên tàu lúc này có 11 thành viên.
Ngay sau khi nhận được tin báo cứu khẩn cấp, UBND xã Thanh Hải đã phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hải liên lạc với các phương tiện hoạt động gần tàu bị nạn hỗ trợ cứu vớt người và tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Tại hiện trường, 2 tàu cá của ngư dân địa phương đã nhanh chóng phối hợp ứng cứu được 11 người.
Tâm Anh: Đến hơn 9 giờ cùng ngày, hai tàu cá trên đã đưa 11 thuyền viên bị nạn về cập cảng cá Mỹ Tân để kiểm tra sức khỏe. Riêng T.P.M.V (sinh năm 2012, con trai của chủ tàu cá) sức khỏe yếu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên do sức khỏe quá yếu nên T.P.M.V đã tử vong vào lúc 3 giờ sáng 27/12 và được gia đình đưa về nhà mai táng.
Vụ chìm tàu cá gây thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng. Ngay sau vụ việc, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Thanh Hải đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình chủ phương tiện gặp nạn.
(Chào kết)
Tâm Anh: Và thông tin vừa rồi cũng là thông tin cuối cùng mà Tân Anh và Thục Khuê mang đến cho quý thính giả trong số phát sóng lần này.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại