Bản tin tổng hợp ngày 1/2: Người trẻ sợ Tết "mang về bao nhiêu tiền"

(PLVN) -  Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người đón Việt kiều về ăn Tết; Khách vào 'thế kẹt' khi chuyến bay Tết liên tục đổi giờ; Mệt mỏi vì tắc đường dịp cuối năm; Lập tour phượt về quê ăn Tết; Người trẻ sợ Tết 'mang về bao nhiêu tiền'

BẢN TIN TỔNG HỢP - Người trẻ sợ Tết 'mang về bao nhiêu tiền'

Phát sóng: ngày 01/02/2024

Thời lượng: 15 phút

Người thực hiện: Tâm Anh, Gia Long

Headlines:

  • Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người đón Việt kiều về ăn Tết

  • Khách vào 'thế kẹt' khi chuyến bay Tết liên tục đổi giờ

  • Dự báo mới nhất thời tiết Tết Nguyên đán 2024 ở cả ba miền

  • Mệt mỏi vì tắc đường dịp cuối năm

  • Lập tour phượt về quê ăn Tết

  • Người trẻ sợ Tết 'mang về bao nhiêu tiền'

Gia Long: Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợp trên Radio PL - Báo PLVN.

Tôi là Gia Long

Còn tôi là Tâm Anb

Quý vị thân mến, bản tin hôm nay của chúng tôi sẽ thông tin cho quý vị những sự kiện nổi bật trong tuần qua. Không để quý vị chờ đợi lâu hơn nữa, phần đầu của bản tin sẽ gồm những nội dung sau:

  • Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người đón Việt kiều về ăn Tết

  • Khách vào 'thế kẹt' khi chuyến bay Tết liên tục đổi giờ

  1. Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người đón Việt kiều về ăn Tết

Gia Long: Thưa quý vị, mở đầu cho bản tin ngày hôm nay sẽ là một số tin tức xoay quanh kì nghỉ Tết Giáp Thìn. Những ngày cận Tết, ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đông người đến chờ người thân từ nước ngoài về quê. Nhiều người đến sớm, thấp thỏm trông chờ khoảnh khắc đoàn tụ sau khoảng thời gian dài xa cách.

Thưa quý vị, theo thông tin mới nhất, Sáng 29.1 (19 tháng chạp), ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đông người chờ người thân về quê ăn tết. Các hàng ghế chờ kín người, không còn chỗ trống. Những người đến muộn không đủ ghế phải đứng chờ. Ai nấy đều chờ đợi với tâm trạng hồi hộp, họ thường xuyên đưa mắt lên bảng điện tử xem tình hình các chuyến bay của người thân đã hạ cánh hay chưa.

Trong cao điểm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (ngày 26/1 đến 24/2/2024), dự kiến mỗi ngày có khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 hành khách/ngày.

Theo số liệu từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trong 3 ngày gần nhất (từ ngày 22 đến 24/1), sân bay đón hơn 400 chuyến bay quốc tế với gần 68.000 hành khách.

Vâng, có thể thấy là năm nay lượng khách cao hẳn hơn so với những năm trước. Cũng dễ hiểu bởi 2-3 năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch covid - 19, nên nhiều người dù có đủ điều kiện nhưng cũng không thể về quê ăn Tết, đoàn tụ cùng gia đình đúng không Tâm Anh?

Tâm Anh: Đúng vậy. Và bản thân tôi sau khi thấy được khung cảnh mà những người thân chờ đợi và đoàn tụ cùng gia đình ở sân bay thì thấy rất xúc động. Dù không phải là các bạn du học sinh hay những người lao động ở nước ngoài, nhưng Tâm Anh cũng có thể hiểu được phần nào nỗi nhớ nhung người thân gia đình, nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ. Chắc hẳn là họ đã chờ đợi khá lâu để được đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết năm nay.

  1. Khách vào 'thế kẹt' khi chuyến bay Tết liên tục đổi giờ

Vâng, thưa quý vị. Có thể thấy là nhu cầu đi lại của hành khách mỗi dịp cận Tết tăng cao. Việc đặt được vé máy bay đã khó rồi, nhưng bao giờ bay được cũng là một vấn đề mà nhiều hành khách lo lắng. Nhiều chuyến bay liên tục điều chỉnh giờ khởi hành khiến nhiều khách đau đầu vì thay đổi kế hoạch công việc, tâm lý thấp thỏm cho lịch trình về đón Tết. Thậm chí lên máy bay đúng giờ nhưng vẫn chờ hàng tiếng đồng hồ mới được cất cánh; hạ cánh... còn hành lý hơn cả giờ sau vẫn chưa biết đang nơi nào… mặc dù thời điểm này sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa tới cao điểm.

Theo thông tin mới đây, một đại lý bán vé ở Hà Nội cho biết gần đây nhận phản ánh nhiều chuyến bay thay đổi lịch trình, chậm giờ, phải thường xuyên cập nhật cho khách theo dõi, nắm thông tin từ hãng. Khách liên tục "trách móc" nhưng đại lý cũng chỉ là nơi điều chỉnh theo lịch trình của các hãng bay mà thôi.

Trong khi đó, đại diện một hãng hàng không cho biết các hãng sẽ không bán vé những chuyến bay chưa được cấp slot (lượt cất, hạ cánh) nên chắc chắn không có hiện tượng hủy chuyến đột ngột.

Tuy vậy, vào cao điểm dịp Tết sau khi tăng cường lượt bay, một số chuyến có thể phải điều chỉnh theo slot mới nên thời gian bị thay đổi. Khi có điều chỉnh, hãng sẽ thông báo cho khách, mong được thông cảm do cường độ khai thác cao.

Gia Long: Ngoài ra một nguyên nhân khác dẫn đến chuyến bay thay đổi lịch trình là hãng phụ thuộc vào lịch thu hồi, kiểm tra động cơ tàu bay. Lịch kiểm tra này được bên sản xuất động cơ đưa ra, hãng phải thực hiện theo dẫn đến bị động và cần sắp xếp lại lịch trình.

Đặc biệt, cao điểm đi lại dịp Tết với các chuyến bay rất dày, khi một tàu bay cho kiểm tra động cơ hãng sẽ sắp xếp, bổ sung máy bay khác thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại. Nhưng việc này vẫn ảnh hưởng dây chuyền đến khai thác.

Theo đại diện Cục Hàng không, các hãng bay thường bán vé sớm trước ngày khởi hành 3-4 tháng và phải sắp xếp lại lịch do tăng cường tàu bay nên có tình trạng thay đổi lịch khởi hành.

Không chỉ dịp Tết, ngày thường vẫn c ó tình trạng sắp xếp lại lịch bay trong quá trình khai thác của các hãng. Theo quy định, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo sớm cho khách về việc thay đổi giờ bay.

Dù là như vậy nhưng tôi có thể phần nào hiểu được cảm giác delay của những hành khách này. Vì có thể nói là để đặt được một tấm vé máy bay dịp cận Tết phù hợp với giá tiền, với giờ giấc là rất khó. Nên tôi nghĩ chắc chắn là các hàng khách di chuyển bằng máy bay trong dịp Tết này cũng sẽ có cảm giác khó chịu khi không thể bay đúng giờ như đã đặt. Nhưng mà phần nào thì tôi cũng có thể thông cảm được cho những hãng hàng không vì lượt khách tăng đột biến nên họ cũng có thể là không kịp xử lí tất cả những tình huống như vậy.

Tâm Anh: Vâng, quả đúng là như Gia Long nói. Có thể là do lượt khách hàng tăng cao đột ngột nên dù cho là cũng đã có những phương án như tăng chuyến bay để phục vụ cho khách hàng nhưng mà cũng có những tình huống mà họ không quản lí được như là chuyến bay bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết chẳng hạn, đúng không Gia Long?

Gia Long: Vâng, đúng vậy. Và nhắc đến tình hình thời tiết thì mới đây, theo thông tin đến từ Đại diện cơ quan khí tượng thì không khí lạnh sẽ tác động đến thời tiết Tết Nguyên đán 2024 ở cả khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Thưa quý vị, chỉ còn 10 ngày nữa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ Quý Mão 2023 sang năm mới Giáp Thìn 2024 gõ cửa. Theo lịch nghỉ Tết chính thức, năm nay công chức và người lao động có kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài 7 ngày, từ ngày 8 - 14.2 (thứ năm ngày 29 tháng chạp năm Quý Mão đến thứ tư mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn).

Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thì ở miền bắc Đợt không khí lạnh hiện tại có xu hướng suy yếu dần. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì tình trạng rét đậm rét hại diện rộng hết ngày 29.1. Từ ngày 30.1 trở đi Bắc Bộ và Trung Bộ hửng nắng.

Dự báo mức nhiệt trong những ngày cuối tháng 1 đầu tháng 2 có thể lên mức 24 - 25 độ C.

Giai đoạn từ 31.1 - 5.2.2024 (tức từ 21 - 26 tháng chạp), nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, chưa có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại.

Nhìn chung dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2024 sẽ khá rét bởi nhận định khoảng ngày 6 - 8.2 (tức từ 27 - 29 tháng chạp) sẽ xuất hiện không khí lạnh. Tuy nhiên khả năng không khí lạnh có cường độ yếu và lệch đông. Tuần giáp Tết và trong Tết từ ngày 6 - 12.2.2024 (tức từ 27 tháng chạp đến mùng 3 Tết), nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm

Tâm Anh:

Vâng, và cũng theo lời của Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm thì Với khả năng xu thế chung như vậy, thời tiết dịp Tết tại Bắc Bộ đến Nghệ An nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn vào đêm và sáng và ở ngưỡng trời rét. Thời gian nghỉ Tết sẽ rét nhưng không quá rét như đợt không khí lạnh đang tác động đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ cao nhất trong ngày giai đoạn 27 tháng chạp đến mùng 3 Tết khoảng 18 - 21 độ C.

Trung Bộ có mưa rải rác tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nhưng mưa không lớn. Các khu vực khác tại Trung Bộ có mưa vài nơi. Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng ráo.

Trong đó Nam Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất khoảng 34 - 35 độ C. Ngoài ra, thời điểm Tết trùng với giai đoạn triều cường cao ở khu vực Nam Bộ.

Khu vực Bắc Bộ sẽ liên tục thay đổi hình thế từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, do vậy cần đề phòng giữ gìn sức khỏe cho người già và trẻ em. Trong dịp Tết nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá nhiều đồng thời khả năng kèm mưa xuân.

Miền Trung có thể mưa nhưng không nhiều khả năng mưa lớn. Miền Nam do tác động của triều cường nên cần đề phòng các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông Nam Bộ.

  1. Gia Long này, có thể thấy rằng thời gian vừa qua có rất nhiều tin tức mới về dịp Tết Nguyên Đán được cập nhật đúng không?

  2. Đúng vậy, và ngoài những thông tin vừa rồi thì có rất nhiều những thông tin nóng hổi khác vẫn đang được cập nhật từng ngày, từng giờ, vậy nên không để quý vị thính giả chờ lâu hơn nữa, xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe những tin tức nổi bật trong tuần qua:

Headlines phụ:

  • Mệt mỏi vì tắc đường dịp cuối năm

  • Lập tour phượt về quê ăn Tết

  • Người trẻ sợ Tết 'mang về bao nhiêu tiền'

4. Mệt mỏi vì tắc đường dịp cuối năm

Gia Long: Thưa quý vị, gần hai tuần trước Tết Giáp Thìn 2024, nhiều đường tại Hà Nội, TP HCM đông đúc xe, thường xuyên ùn tắc dù không phải giờ cao điểm.

Và có thể nói là tuần vừa rồi thì quãng đường đi làm đã trở thành nỗi ám ảnh tắc đường của nhiều người. Ngay như bản thân tôi, bình thường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc mất 30 phút nếu đường thông thoáng. Giờ cao điểm qua nhiều điểm đen giao thông như đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Láng hoặc khi thời tiết thay đổi như trời mưa chẳng hạn thì tốn khoảng 1-1 tiếng rưỡi. Nhưng trong những ngày cận Tết như hiện tại, tôi thường mất hơn 3 tiếng cho một chiều, bởi đường tắc mọi nẻo. Bị kẹt cứng trong dòng người khiến sáng nào tôi hầu như cũng đi làm muộn. Không biết là quãng đường di chuyển của Tâm Anh có gặp khó khăn như tôi không?

Tâm Anh: Không riêng gì Gia Long đâu mà bản thân tôi cũng vậy. Dù là không phải di chuyển quãng đường quá xa. Nhà tôi cách chỗ làm chỉ khoảng 4km thôi, nhưng tôi cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể di chuyển đến nơi làm việc được. Và tôi nghĩ một nguyên nhân dẫn đến vấn đề kẹt xe này đó là việc mà dạo gần đây thì những xe đưa đón hành khách về quê ăn Tết tăng lên rất nhiều. Nhiều người hiện nay thì không lựa chọn việc di chuyển bằng xe khách thông thường nữa mà họ chuyển sang sử dụng những dịch vụ có đón trả khách tận nơi. Nên cũng theo đó thì số lượng xe phục vụ việc di chuyển của khách hàng tăng lên, nhất là trong dịp cận Tết như này. Tôi thì cũng đã lựa chọn sử dụng dịch vụ xe taxi kết hợp được một thời gian rồi. Đương nhiên là giá thành thì cũng đắt hơn so với giá vé xe khách nhưng mà bù lại thì xe đưa đón tận nơi, thêm nữa là không phải chờ đợi quá nhiều. Gia Long này, không biết là bạn đã sử dụng dịch vụ xe đưa đón tận nơi chưa nhỉ?

Gia Long: Vâng, đúng như Tâm Anh nói thì vì sự tiện lợi của mô hình này nên tôi cũng lựa chọn sử dụng xe taxi đưa đón tận nơi. Vì không chỉ là tiện thôi đâu, suy cho cùng là tôi thấy giá thành tính ra cũng không đắt hơn đâu ạ. Khi mà đặt vé xe khách thì tôi phải bắt taxi hoặc grab để ra đến bến xe, cả lúc về nữa, tính ra thì cũng chỉ bằng giá taxi kết hợp nhưng nếu ngồi xe khách thì kiểu gì cũng sẽ có những tình trạng như là nhồi nhét khách hay là bắt khách dọc đường. Tôi thì ủng hộ hình thức di chuyển mới hơn vì nó hợp lí hơn rất nhiều.

5. Lập tour phượt về quê ăn Tết (tin bình)

Tâm Anh: Quả đúng là như vậy. Suy đi nghĩ lại thì đúng thật là cận Tết, không chỉ là khó trong việc đặt vé mà chính giá vé xe cũng tăng lên nữa cơ. Chính vì thế nên là nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ dù ở cách quê hương 2-300km nhưng cũng đã lựa chọn phương án là đi xe máy về quê ăn Tết.

Trên các nền tảng mạng xã hội có hơn 20 nhóm rủ nhau về quê bằng xe máy, dao động từ 3.000 đến 22.000 thành viên. Họ là đồng hương các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, khởi hành từ TP HCM về quê. Mỗi đoàn thường có 40-120 xe máy, tùy vào thời điểm. Số lượng tăng mạnh nhất vào hai ngày 27 và 28 tháng Chạp.

Trước Tết khoảng 2-3 tuần, thành viên các hội nhóm phượt trên Facebook rục rịch kêu gọi nhau, lập nhóm chạy xe về quê ăn Tết. Theo khảo sát ở khu vực TP HCM, ba cung đường được thảo luận nhiều nhất là từ TP HCM đi miền Trung, qua các địa phương ven biển; TP HCM đi Tây Nguyên có hai hướng, lên Đà Lạt hoặc lên Đắk Nông, Đắk Lắk và từ TP HCM về các tỉnh miền Tây. Năm nay, các nhóm phượt bắt đầu khởi hành từ ngày 24 Âm lịch (3/2). Lộ trình chủ yếu kéo dài trong 2 ngày 1 đêm hoặc một ngày đêm.

Tôi thì thấy là có một tour phượt về quê ăn Tết cũng là 1 lựa chọn đấy chứ. Vì thật sự là có nhiều người không có quá dư giả điều kiện thậm chí là không có điều kiện chi trả tiền xe đi về dịp tết khi mà vé xe Tết về quê đắt hơn ngày thường rất nhiều lần, vé máy bay cũng vậy. Thế nên, chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi xe máy về quê. Đi về quê bằng xe máy một mình thì có thể là sẽ buồn và mệt mỏi, cũng tiềm ẩn một vài nguy hiểm khó lường nữa. Không biết là Gia Long nghĩ sao về vấn đề này nhỉ?

Gia Long: Theo tôi thì xe máy vài trăm km mà lại đi theo đoàn thì khá nguy hiểm, …. Thêm nữa thì tôi cũng thấy là không kinh tế. Chi phí 1,3 triệu đồng cho quãng đường 400 km vào dịp cuối năm bận rộn đông đúc thì đi xe khách sẽ là lựa chọn rẻ hơn rất nhiều, lại an toàn hơn. Nhưng dù sao thì đối với những chuyến đi với quãng đường ngắn, tôi vẫn ủng hộ việc mọi người có thể đi xe máy được. Vì nói đi cũng phải nói lại vé xe là một vấn đề khá đau đầu. Đối với những bạn trẻ, có tay lái tốt mà có thể xử lý được tình huống xảy ra trên đường thì tôi nghĩ là đi xe máy về quê cũng không có quá là khó khăn, nhưng miễn là phải tuân thủ luật an toàn giao thông. Vâng nói về vấn đề luật thì việc đi xe đường dài như vậy cũng yêu cầu người lái xe phải thông thạo về luật giao thông đường bộ, có bằng lái xe hợp lệ, và đặc biệt là không được sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe. Cũng gần Tết rồi, rất nhiều cuộc gặp gỡ, tất niên được tổ chức và chất xúc tác cho các cuộc vui này là chén rượu và ly bia, vậy nên nếu các tài xế đường dài của chúng ta không tuân thủ luật giao thông mà uống rượu rồi lái xe thì quả thật rất nguy hiểm đúng không Tâm Anh

Tâm Anh: Vâng, quả đúng là như vậy. Tôi cũng nghĩ rằng nếu có tay lái đủ vững thì đi xe máy cũng là một lựa chọn không tồi. Nhưng dù là di chuyển bằng xe máy hay xe ô tô, máy bay, thì tất cả chúng ta đều mong muốn là sẽ trở về quê đoàn tụ cùng gia đình để đón năm mới đúng không Gia Long? Vâng, đúng rồi.

6. Người trẻ sợ Tết 'mang về bao nhiêu tiền' (tin bình)

Và thưa quý vị, ý nghĩa cốt yếu của Tết là về nhà đoàn tụ gia đình, nhưng những câu hỏi tiền bạc, địa vị vô tình làm tổn thương, khiến người trẻ sợ Tết.

Chắc hẳn là Gia Long cũng như quý thính giả đã rất quen với những câu hỏi như là: “Lương tháng bao nhiêu?” Hay là “Bao giờ mới chịu lập gia đình?” Nhiều người có vợ có chồng rồi thì cũng sẽ gặp câu hỏi như là “Bao giờ mới định có con?”. Có thể với những người hỏi, họ thực sự chỉ có ý muốn quan tâm hỏi han nhưng nó lại vô tình là một áp lực đối với những người phải nghe và trả lời những câu hỏi đó. Gia Long có nghĩ như vậy không nhỉ?

Gia Long: Tôi cũng nghĩ như vậy. Dường như là mỗi dịp Tết đến khi mà họ hàng làng xóm tới chúc Tết là tôi lại có một cái áp lực vô hình. Lúc nhỏ thì mở đầu bằng câu hỏi thế cháu học được học sinh giỏi không đến khi lớn lên lại là câu hỏi đi làm chưa được bao nhiêu tiền. Thành ra là tôi có phần ghét phải trả lời những câu hỏi như vậy. Tôi nghĩ là khi mà những câu hỏi riêng tư vẫn còn là lời mở đầu cho những câu chuyện xã giao mỗi lần Tết đến xuân về thì người trẻ càng có tâm lý muốn 'trốn' Tết hơn nữa. Văn hóa này dường như ăn sâu vào tiềm thức của họ hàng ở những vùng quê - nơi họ coi đó là việc hết sức bình thường; nhưng đối với người nghe thường cảm thấy rất khó chịu, trả lời hay không trả lời đều khá là mệt mỏi. Tôi tin chắc chắn rằng đến đây thì Tâm Anh cũng như quý thính giả cũng tìm được những điểm chung với tôi mỗi dịp “Tết đến xuân về” rồi. Và tôi cũng nghĩ rằng mọi người nếu có thể thay đổi thì thay vì những câu hỏi khá “nặng nề” về chuyện tiền nong, gia đình, công việc, chúng ta nên chào hỏi bằng những câu về sức khoẻ đúng không Tâm Anh?

Tâm Anh: Vâng. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng mà có điều rằng đã là phong tục thì cũng khó có thể thay đổi. Thực chất, những câu nói đấy cũng không có ý xấu. Chi bằng thì chúng ta cũng có thể lấy đó làm động lực phấn đấu chẳng hạn, tôi nghĩ là như vậy chúng ta có thể cởi mở hơn với những câu hỏi này. Suy cho cùng thì cũng đúng là nên có sự thay đổi về cả hai phía, họ hàng làng xóm cũng có thể là thay đổi những câu hỏi sao cho dễ chịu hơn còn những người được hỏi, đặc biệt là giới trẻ thì cũng nên có những suy nghĩ tích cực hơn về vấn đề này. Và thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến quý thính giả đó là "Tết là để về nhà chứ không phải Tết về mang theo bao nhiêu tiền".

(Chào kết)

Gia Long: Quý thính giả thân mến, tới đây thì thời lượng của Bản tin cũng đã kết thúc. Tết Giáp Thìn 2024 đã cận kề, chúng tôi mong rằng quý vị sẽ có thật nhiều sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe.

Tôi là Gia Long

Còn tôi là Tâm Anh

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại

Đọc thêm