Bản tin trưa 3/10/2022 Xin kính chào quý vị thính giả, Quý vị đang nghe bản tin tổng hợp trên radio pháp luật, báo pháp luật Việt Nam. Sau đây là những nội dung chính: Khởi tố 8 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh ở Bình Dương
Khởi tố vụ án mất số điện thoại, bị chiếm đoạt 5,3 tỷ đồng
Đắk Lắk: Phát hiện một trường hợp trở về từ Nam Phi nghi mắc đậu mùa khỉ
Mỗi tuần Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết
Công an tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em quy mô đặc biệt lớn tại tỉnh này.
8 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi "Mua, bán người dưới 16 tuổi" và "Làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức".
"Các đối tượng này kết nối để tìm người không muốn nuôi con thoả thuận cho tiền và tìm người muốn mua con nuôi để nhận 1 khoảng tiền trao đổi", Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương cho biết.
Cũng theo cơ quan điều tra, các đối tượng mua mỗi bé với giá từ 20 - 30 triệu đồng rồi bán lại với giá từ 40 - 50 triệu đồng. Sau đó làm cả giấy chứng sinh giả và các giấy tờ giả khác để hợp thức hoá hành vi mua bán.
Theo đại diện công an tỉnh Bình Dương, những người bị bắt khai nhận đã thực hiện trót lọt 31 vụ mua bán trẻ sơ sinh. Nhưng do vụ việc diễn ra trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, người mua bán đều giấu danh tính nên công an mới xác định được thông tin cụ thể của 7 bé. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra.
Kẻ xấu sử dụng số điện thoại của chị T(Tên nạn nhân đã được viết tắt). để đăng nhập vào 3 tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Ngày 2/11, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quá trình giải quyết đơn tố giác tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để điều tra vụ việc một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng.
Nạn nhân của vụ án là chị T. (39 tuổi, ngụ Đồng Nai) gửi đơn tố cáo người không rõ lai lịch làm giả Chứng minh nhân dân của chị, sau đó giả danh, đổi sim điện thoại chị T. đang sử dụng nhằm đăng ký nhận mã OTP khi thực hiện giao dịch internet banking tại các ngân hàng.
Đối tượng đã sử dụng số điện thoại của chị này đăng nhập vào 3 tài khoản ngân hàng có chi nhánh ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Đồng Nai của chị rồi chiếm đoạt số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Cũng theo đơn tố giác, khi chị phát hiện điện thoại của mình bị mất sóng, chị đã gọi lên Tổng đài Viettel, được nhân viên cho biết sim trong máy của chị đã bị khóa do sim đã được cấp lại. Nạn nhân cho biết chị không phải là người yêu cầu cấp lại sim. Lúc đó, chị T. vẫn giữ Chứng minh nhân dân gốc.
Sau đó, chị đến Viettel yêu cầu trích xuất camera ngày cấp lại sim, yêu cầu gặp nhân viên cấp sim nhưng không được giải quyết và nói rằng camera không lưu, vì lý do bảo mật. Trong đơn tố cáo chị nêu, chị không hiểu lý do tại sao nhà mạng lại cấp sim mới cho người khác mà không cần Chứng minh nhân dân, không nhận dạng có đúng người hay không.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung điều tra, truy tìm các nghi can trong vụ Chiếm đoạt sim điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân nói trên.
Ngày 2/11, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, vừa ghi nhận một trường hợp người dân có biểu hiện nổi mụn đỏ ở người sau khi đi du lịch Nam Phi về.
Bệnh nhân là N.V.P, nam, sinh năm 1963, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Theo lời khai của bệnh nhân, ngày 19/10, bệnh nhân đi máy bay từ Việt Nam sang Nam Phi để du lịch. Trong thời gian du lịch, bệnh nhân đi nhiều nơi và tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay với nhiều người.
Ngày 26/10, bệnh nhân đi máy bay về lại Việt Nam (sân bay Nội Bài) có quá cảnh tại sân bay Singapore, sau đó đi máy bay về tỉnh Đắk Lắk.
Từ ngày 26/10 đến ngày 1/11, bệnh nhân có tiếp xúc với mọi người trong gia đình và người xung quanh.
Đến ngày 1/11, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều mụn đỏ nổi ở bụng và lưng, bệnh nhân đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.
Hiện tại, bệnh nhân khỏe mạnh, không sốt nhưng đau mỏi các khớp toàn thân, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng. Những trường hợp tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường khác.
Nhận được thông tin, ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà thực hiện việc cách ly phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉvà truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho gia đình, cộng đồng xung quanh.
Đồng thời, lấy mẫu dịch từ vết tổn thương mụn đỏ trên da và ngoáy họng của bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.
Chỉ trong 2 tuần gần đây, tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Mỗi tuần đều ghi nhận hơn 1.000 ca mắc.
Như vậy, từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca mắc, với 12 trường hợp tử vong. Số ca mắc phân bổ ở cả 30 quận, huyện, nhưng phần lớn nằm ở khu vực ngoại thành như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thạch Thất… Trước nguy cơ bùng phát dịch, các địa phương đã quyết liệt ra quân, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết tại khu vực cộng đồng.
Tính từ đầu năm đến nay,riêng huyện Thanh Oai ghi nhận gần 1.000 ca mắc với 90 ổ dịch. Theo các chuyên gia, hiện các ca mắc mắc sốt xuất huyết năm nay đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Nhất là tại các khu vực ngoại thành Hà Nội, dự báo số ca sẽ tăng nhanh trong đầu tháng 11.
"Với điều kiện như hiện nay, tốc độ gia tăng bệnh nhân sẽ rất nhanh và mạnh nếu như chúng ta không quyết liệt ngay từ thời điểm này", Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội nhận định.
Tại nhiều khu vực của Hà Nội, hiện đã thành lập các tổ giám sát, xung kích quyết xử lý dập dịch, không để sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.
Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của radio Pháp luật, xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe