Bản tin trưa 07/02: Quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy

(PLVN) - Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực; Phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú- Liên Khương trong năm 2023;... và những tin tức khác.

Quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy

Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực

Trên 95% xe đã dán thẻ ETC, vì sao vẫn chưa cho trả sau, bỏ barie?

Phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú- Liên Khương trong năm 2023

Tai nạn liên hoàn trong đêm khiến nhiều người thương vong tại Điện Biên⁸

1.Với nhiều hoạt động vào rằm tháng Giêng và lễ hội đầu năm 2023, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tăng cường công tác kiểm tra PCCC tại các đình, đền, chùa trên địa ban. Theo phong tục tập quán của người Việt, rằm tháng Giêng được xem như là ngày lễ trọng, việc dâng hương, đốt vàng mã với quan niệm ngày đầu năm may mắn cùng với đó là các Lễ hội được tổ chức sau tết Nguyên đán khiến các cơ sở đình, đền, chùa trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có nhiều cơ sở tôn giáo lớn như: Chùa Quán Sứ, Đền Ngọc Sơn, Chùa Vũ Thạnh… Nhằm chủ động trong công tác PCCC, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Hoàn Kiếm đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC tại các đình, đền, chùa trên địa bàn quản lý. Chú trọng hướng dẫn, kiến nghị, tập trung kiểm tra hệ thống điện; kiểm tra cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm, sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã, tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện PCCC tại chỗ, trách nhiệm ban quản lý di tích trong việc thực hiện công tác PCCC, hướng dẫn, tuyên truyền Luật PCCC, các văn bản, quy định về công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH…

Ngoài công tác kiểm tra, trong dịp rằm tháng Giêng và các Lễ hội sau tết Nguyên đán, Công an quận Hoàn Kiếm cũng tập trung tuyên truyền, dán tờ khuyến nghị đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở đình, đền chùa, các khu dân cư, nơi tập trung đông người, khuyến cáo người dân khi thắp hương, đốt nến, hóa vàng, cần tránh xa các chất dễ cháy nhằm đảm bảo an toàn PCCC sau dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

2.Từ 9 giờ sáng nay (6/2), Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực cho các thí sinh năm 2023. Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cổng đăng ký dự thi mở cho thí sinh đăng ký dự thi 4 đợt đầu tiên trong tháng 3 và tháng 4.

Theo đề án thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có 8 đợt thi từ ngày 10/3 đến hết ngày 4/6. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000 nghìn đến 20.000 thí sinh, hướng tới phục vụ khoảng gần 100.000 thí sinh. Các đợt thi mở cổng đăng ký thi từ ngày hôm nay (6/2) sẽ tổ chức trong tháng 3 và tháng 4, mỗi tháng có 2 đợt thi. Ngày 18/3 sẽ mở cổng đăng ký cho các đợt thi tháng 5 và tháng 6. Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết mức lệ phí dự thi năm 2023 sẽ tăng lên 500.000 đồng 1 lượt thi theo nguyên tắc chi phí tính đúng, tính đủ lấy thu bù chi (năm 2022 thu 300.000 đồng/lượt thi do hỗ trợ thí sính 50% lệ phí vì khó khăn do dịch COVID-19). Với mức thu mới năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn phải bù đắp một phần chi phí. Theo quy chế thi, thí sinh đã nộp lệ phí sẽ không được hoàn trả./.

3.Dù hơn 95% phương tiện ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng, nhưng hiện công nghệ thu phí không dừng vẫn chưa thể chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barie. Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 là vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Giai đoạn 3 là bỏ barie và giai đoạn 4 là bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá long môn để xe qua tự do.

Các chuyên gia cho rằng, trong 4 giai đoạn trên, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Ðây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, chủ phương tiện đi qua trạm không cần dừng lại trả tiền.

Việc áp dụng ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách quản lý phương tiện hiện đại một cách dễ dàng./.

4.Với quyết tâm sớm khởi công cao tốc, ngay đầu năm 2023 Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ thị 02 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được xác định là một trong 16 công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200 km đi qua 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, gồm 3 dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại km216, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Tuyến Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,9 km, vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

5.Vào khoảng 22h30 đêm qua (6/2) tại km 30+700 Quốc Lộ 279 trên địa bàn xã Ẳng Tơ, Mường Ẳng, Điện Biên xảy ra vụ TNGT xe ô tô BKS: 37C-22889 trên xe có 4 người va chạm với xe mô tô không có BKS, trên xe có 2 thiếu niên.

Sau cú va chạm trên, xe ô tô bị lật tiếp tục đè vào 2 xe mô tô khác (trên 2 xe có 3 thiếu niên, đều là người dân tộc Thái trú tại xã Ẳng Tơ).

Hậu quả làm 3 người chết (Lò Văn N17 tuổi, Quàng Văn H 15 tuổi, Lò Văn T 15 tuổi ); 2 thiếu niên khác bị thương nặng; 4 người trên xe ô tô bị thương nhẹ. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Công an, Sở GTVT và chính quyền địa phương đang có mặt chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường và thăm hỏi chia buồn cùng gia đình nạn nhân.

Sau khi nắm thông tin về vụ việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia phân công Phó chủ tịch chuyên trách tổ chức đoàn công tác của Uỷ ban ATGT Quốc gia cùng các cơ quan thành viên liên quan đến hiện trường để phối hợp với lãnh đạo địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân.

Đọc thêm