Bản tin trưa 08/12: CSGT toàn quốc xử lý gần 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

(PLVN) - CSGT toàn quốc xử lý gần 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 40 học sinh ở Mộc Châu nhập viện sau buổi ngoại khóa;... và các thông tin khác.

Đây là bản tin tổng hợp trên pháp luật radio, báo pháp luật Việt Nam trưa 8-12, bản tin có những nội dung chính sau:

CSGT toàn quốc xử lý gần 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

40 học sinh ở Mộc Châu nhập viện sau buổi ngoại khóa

TP Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách đãi ngộ cho giáo viên môn đặc thù

Ngô Diệc Phàm có khả năng bị thiến hóa học?

Trong 2 tuần cuối tháng 11 vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 130.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 240 tỉ đồng. Trong đó có tới gần 20.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 2 tuần (từ 15 – 30/11) thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp tết Nguyên đán 2023, toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 130.000trường hợp vi phạm an toàn trật tự giao thông và phạt tiền hơn 240 tỉ đồng.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tước giấy phép lái xe 22.672 trường hợp; tạm giữ 1.891 ôtô, 33.411 môtô, 6 phương tiện thủy. So với 2 tuần liền kề trước đó, xử phạt tăng 11.000 trường hợp (9,24%). Cảnh sát giao thông đã xử lý 126.789 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 236 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 22.672 trường hợp; tạm giữ 1.891 ôtô, 33.411 môtô.

Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm, có 19.888 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; tăng 2.468 trường hợp (14,2%) so với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm. Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục đã xử lý 36 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Về công tác đấu tranh chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện 95 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy, bắt giữ 111 đối tượng; 57 vụ, 25 đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại; 8 vụ, 5 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ; 12 vụ, 17 đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép; 14 vụ, 14 đối tượng khai thác, vận chuyển cát, khoáng sản trái phép.

Trước đó, Cục CSGT đã phát động ra quân trấn áp tội phạm cao điểm tết Nguyên đán 2023 trên toàn bộ các lĩnh vực

Sau buổi đi ngoại khóa và ăn tối tại 1 cơ sở ăn uống trên địa bàn, 40 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn.

vào chiều tối 7/12, sau buổi đi ngoại khóa và ăn tối tại 1 cơ sở ăn uống trên địa bàn thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La), 40 em là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, đau bụng, buồn nôn và nôn, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa Khoa Mộc Châu cấp cứu.

Các trường hợp được chẩn đoán cần theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc do ăn uống. Bệnh viện đã truyền dịch chống độc. Đến nay, sức khoẻ toàn bộ 40 học sinh đã ổn định; 37 trường hợp đã xuất viện về nhà trong đêm. Các trường hợp còn lại tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Bệnh viện đã huy động lực lượng bác sỹ và điều dưỡng tăng cường cho Khoa cấp cứu. Khi vào viện, 40 cháu có triệu chứng đau bụng và nôn. Sau 3 tiếng đồng hồ, tình trạng sức khỏe các cháu đã ổn định và các bác sỹ cho xuất viện".

Tình trạng thiếu giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học... đã kéo dài nhiều năm nay ở TP Hồ Chí Minh do thiếu nguồn, chế độ đãi ngộ thấp.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 78.486 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Đầu năm học, thành phố đã tuyển được 3.244 giáo viên mới nhưng hiện vẫn thiếu 5.939 giáo viên theo biên chế.

Trong đó, chỉ riêng bậc trung học phổ thông thiếu số ít giáo viên còn lại khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thiếu cả ngàn giáo viên ở mỗi bậc. Các vị trí giáo viên thiếu nhiều nhất là Công nghệ, Tin học, các môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).

Tình trạng thiếu giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm nay, bên cạnh nguyên nhân thiếu nguồn tuyển, chế độ đãi ngộ thấp trong khi đó yêu cầu công việc khá cao là nguyên nhân chính khiến việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, nhất là những bộ môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học.

Đơn cử, với sinh viên mới tốt nghiệp cùng trình độ ở các ngành Tin học, tiếng Anh, nếu tuyển dụng vào cơ quan khác thì có mức lương cơ bản cao hơn (thấp nhất là 4.680.000 đồng, bằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi trúng tuyển vào viên chức giáo dục nhận mức lương tập sự là 3.853.000 đồng).

Mặt khác, hiện yêu cầu về trình độ chuyên môn với giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều từ cử nhân trở lên.

Theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy của giáo viên các môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tin học và Công nghệ, tiếng Anh đang có sự chênh lệch giữa các bậc học, cụ thể giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trong khi giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/tuần.

Giải quyết các vướng mắc nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển dụng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng đề án "Xây dựng chế độ chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018."

Sở cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh định mức số tiết dạy của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đối với

giáo viên các bộ môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tin học và Công nghệ, tiếng Anh như định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông.

Trước mắt, nhằm đảm bảo hoạt động dạy học trong điều kiện thiếu giáo viên, các trường chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết với các Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo giáo viên.

Với việc bị trục xuất về Canada, Ngô Diệc Phàm hoàn toàn có khả năng đối mặt với bản án thiến hóa học.

Ngô Diệc Phàm đã chính thức bị tuyên án 13 năm tù giam và sau đó bị trục suất khỏi Trung Quốc với tội danh cưỡng dâm và tụ tập dâm ô. Sau khi bản án được đưa ra, các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về việc liệu cựu ngôi sao này có bị thiến hóa học khi trở về Canada hay không, bởi đây là luật dành cho tội phạm tình dục ở đất nước này.

Thiến hóa học là việc cưỡng chế ham muốn tình dục bằng cách tiêm thuốc hoặc hormone vào người của tội phạm tình dục. Ở thời điểm hiện tại, Canada là một quốc gia tích cực thực hiện việc thiến hóa học đối với những tội phạm tình dục bị kết án lâu năm.

Với án 13 năm tù của Ngô Diệc Phàm, việc anh phải đối mặt với việc thiến hóa học là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như vậy, sau khi thụ án 13 năm tại Trung Quốc, cựu thần tượng sẽ phải trở lại Canada và đợi lệnh từ tòa án tại đây.

Ngay sau khi truyền thông đưa tin, công chúng đã tỏ ra vô cùng ủng hộ. Họ cho rằng việc thiến hóa học là điều cần làm sau những hành vi, tội ác mà Ngô Diệc Phàm đã thực hiện trong nhiều năm qua

Trong quá trình điều tra, từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020, bị cáo Ngô Diệc Phàm đã lợi dụng 3 người phụ nữ say xỉn không có khả năng phản kháng tại nơi

ở của mình và cưỡng bức họ quan hệ tình dục. Vào ngày 1/7/2018, Ngô Diệc Phàm cùng đồng bọn của mình đã tổ chức tụ tập dâm ô với 2 người phụ nữ khác tại nơi ở của mình. Các quan chức của Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc cũng đã tham dự buổi tuyên án.

Thông tin vừa rồi đã kết thúc bản tin tổng hợp trên radio pháp luật, báo pháp luật Việt Nam. Xin cám ơn quý vị thính giả đã lắng nghe. Bản tin được thực hiện bởi Việt Tùng

Đọc thêm