1. Hà Nội Tiến hành 'xén' đường tại nút giao Ngã Tư Sở để giảm ùn tắc giờ cao điểm
Theo dữ liệu quan trắc của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Nút giao Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện một giờ nhưng hiện lên đến 8.000 nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm . Theo đó Sở GTVT Hà Nội bắt đầu kế hoạch cải tạo mở đường để giảm áp lực tại nút giao này.
Cụ thể, phương án “xén” đường mở rộng mặt bằng lưu thông cho các phương tiện gồm phần đảo trồng cây các góc ngã tư Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, một phần vỉa hè dưới gầm cầu vượt và 4 phần đảo hướng nhằm tăng khả năng lưu thông cho phương tiện.
Theo kế hoạch, 4 đảo giao thông được dỡ bỏ để làm mặt bằng cho đường xe chạy. Tăng cường làn đỗ dừng chờ cho các phương tiện trước đèn tín hiệu từ 3 làn lên 7 - 8 làn (đường Láng từ 16m lên 38m, đường Trường Chinh từ 16m lên 27m).
Hiện nhà thầu đang tiến hành thi công, việc thi công được tiến hành vào ban đêm từ 22h tối đến 5h sáng hôm sau để không làm ảnh hưởng giao thông đến khu vực này. Dự án sẽ sử dụng 5.5 tỷ nguồn chi phí thường xuyên từ ngân sách TP Hà Nội. Dự kiến đến ngày 20/12, việc cải tạo mở rộng nút giao sẽ hoàn thành giúp giảm thiểu ùn tắc tại khu vực này.
2. Tập huấn toàn quốc cho giáo viên về dạy và học tích hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp vào sáng mai, ngày 10/12. Buổi tập huấn được thực hiện theo hình thức kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tất cả các điểm cầu địa phương trên nền tảng tập huấn “Lớp học ảo”.
Buổi tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo các sở và phòng giáo dục và đào tạo, lãnh đạo và chuyên viên các phòng giáo dục trung học, lãnh đạo các trường trung học cơ sở và giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…
Đây là những môn học mới xuất hiện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở, bắt đầu từ năm học 2021-2022. Tuy đã triển khai được 3 năm học nhưng việc dạy và học các môn học mới vẫn gây lúng túng cho các nhà trường và giáo viên khi nhiều giáo viên chưa được đào tạo bồi dưỡng dạy môn học mới, hoặc chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn.
3. Tăng cơ hội cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tiếp cận, thụ hưởng các tiện ích thông minh
Tiếp tục tập trung, vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai 6 chương trình bảo trợ trọng tâm; phấn đấu vận động nguồn lực đạt 550 tỷ đồng, trợ giúp khoảng 3 triệu lượt người; chuyển mạnh sang bảo trợ toàn diện, bền vững, coi trợ giúp học nghề, việc làm, hỗ trợ sinh kế là trọng tâm; dạy nghề cho 1.200 người khuyết tật, tập huấn, nâng cao năng lực cho 2.000 lượt đối tượng…
Đây là những trọng tâm nhiệm vụ được Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 9/12, tại Hà Nội.
Cùng đó, trong năm 2024, Hội tập trung nghiên cứu, quán triệt, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ, hội viên các cấp; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa, thể dục thể thao, chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về người khuyết tật và quyền của họ.
Năm 2023, tổng nguồn lực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì, vận động đạt 711 tỷ đồng. Trung ương Hội và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động bảo trợ trọng tâm, trợ giúp trên 4 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế với tổng chi gần 640 tỷ đồng. Đồng thời, Hội thực hiện hỗ trợ y tế, giáo dục, cải thiện sinh hoạt, sinh kế, giảm nghèo và nhiều hoạt động trợ giúp đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như cung cấp suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tổ chức bếp cơm tình thương, xây trường học, xây cầu, tặng góc học tập, nuôi dưỡng, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, dạy chữ, dạy văn hóa..
4. Đã bắt được 2 phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam ở Hà Tĩnh
Lúc 1 giờ 45 phút ngày 9/12, lực lượng chức năng đã bắt được 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng khi cả 2 đang lẩn trốn ở vùng rừng núi thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau nhiều ngày nỗ lực truy tìm.
Khoảng 15 giờ ngày 6/12, hai phạm nhân: Phan Công Thành (36 tuổi, quê xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, đang thụ án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản") và Nguyễn Đắc Hoàng (39 tuổi, quê xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đang thụ án về tội "Mua bán trái phép chất ma túy") bỏ trốn khỏi Trại giam Xuân Hà cơ sở 2, đóng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Ngay sau khi phát hiện hai phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam, Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà thông tin cho lực lượng chức năng, người dân biết để đề phòng, phối hợp truy bắt. Đồng thời, Trại tổ chức lực lượng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ với mục tiêu sớm truy bắt các phạm nhân trốn trại.
Công an Hà Tĩnh huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ gồm các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Công an các địa phương và lực lượng Công an xã, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm. Sau 4 ngày nỗ lực tìm kiếm, truy bắt, lực lượng chức năng đã bắt được 2 đối tượng trốn trại, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.