Bản tin trưa 12/10: Đồng loạt triển khai thủ tục bay sử dụng sinh trắc học từ tháng 11

(PLVN) - Bộ Y tế công bố gia hạn số đăng ký thêm hơn 1.000 loại thuốc; TP.HCM tiếp tục thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng... và một số thông tin khác.

1. Đồng loạt triển khai thủ tục bay sử dụng sinh trắc học từ tháng 11

Dự kiến thời gian tới, các cảng hàng không sẽ triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc học toàn trình và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử với khách khi làm thủ tục đi máy bay.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến nay, việc thí điểm triển khai làm thủ tục đi máy bay sử dụng sinh trắc học đã kết thúc thí điểm. Theo kế hoạch, nếu thuận lợi, việc ứng dụng này sẽ được triển khai đồng loạt các cảng hàng không từ tháng 11/2023.

Trước đó, được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 2/8, Cục Hàng không Việt Nam chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) đối với hành khách đi máy bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước.

Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi máy bay trên các chuyến bay nội địa (đối với công dân Việt Nam, VNeID có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân; đối với người nước ngoài, VNeID có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế).

Với tư cách nhà khai thác cảng, đại diện Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho hay việc thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VneID giúp tạo thuận lợi cho công tác quản lý tại sân bay, giảm thiểu rủi ro an ninh và tiết kiệm thời gian thủ tục, nâng cao hiệu quả hoạt động khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động cảng hàng không

Về phía các hãng hàng không, khẳng định ứng dụng VNeID được chấp nhận như một loại giấy tờ cho khách làm thủ tục đi máy bay, đại diện Vietnam Airlines cho biết triển khai này giúp bổ sung thêm một loại giấy tờ thuận tiện cho khách đi máy bay, giảm thiểu bất tiện đối với các trường hợp khách quên, mất giấy tờ tuỳ thân, mang lại yên tâm cho hành khách trong bối cảnh đi lại bằng đường hàng không

2. Bộ Y tế công bố gia hạn số đăng ký thêm hơn 1.000 loại thuốc

Ngày 12/10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin, Bộ Y tế đã ký quyết định công bố gia hạn hơn 1.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước.

Trong số 1.017 thuốc được gia hạn số đăng ký lần này có 918 sản phẩm gia hạn 5 năm, 99 sản phẩm còn lại gia hạn trong thời gian 3 năm. Đây là thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại...

Các sản phẩm thuốc được gia hạn số đăng ký lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều để phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Để thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về gia hạn sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ Y tế đã nhiều lần công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80.

3. TP.HCM tiếp tục thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, nguồn vaccine phục vụ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trên địa bàn đang cạn dần. Đáng chú ý, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng đã diễn ra từ giữa năm 2022 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo Sở Y tế Thành phố, nhiều năm qua, việc cung ứng vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng Mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đảm trách. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, việc cung ứng bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm vaccine sau khi kết thúc Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số, trong đó thiếu nhiều nhất là vaccine sởi, bạch hầu-ho gà-uốn ván và vaccine 5 trong 1.

Trong bối cảnh đó, ngày 15/8/2023, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận được 12.400 liều vaccine 5 trong 1 do Bộ Y tế phân bổ từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Sau thời gian triển khai tiêm chủng cho trẻ em theo đúng quy định, đến nay, số vaccine này chỉ còn gần 3.000 liều, dự kiến sẽ hết trong vòng 2 tuần tới.

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dự kiến nhanh nhất phải đến cuối tháng 12/2023 mới có nguồn cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, trong đó có vaccine 5 trong 1. Trước tình hình trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng Mở rộng.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các địa phương trên địa bàn và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vaccine được cung ứng trở lại

4. Tỉnh Thanh Hóa duyệt chi hơn 104 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành sư phạm

UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là hơn 104 tỷ đồng, trong đó, Trường Đại học Hồng Đức được hỗ trợ gần 90 tỷ đồng; Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch hơn 14 tỷ đồng. Kinh phí này được trích từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023.

Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các thủ tục nghiệp vụ cấp kinh phí cho các trường đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo quy định. Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa có quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022, sinh viên theo học ngành Sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong suốt quá trình theo học tại trường.

Điều này sẽ giúp sinh viên có thêm sự hỗ trợ thiết thực; các cơ sở đào tạo sư phạm có thêm cơ hội thu hút nhiều sinh viên giỏi. Tuy nhiên, học kỳ 2 năm học 2022 - 2023, hàng nghìn sinh viên Sư phạm của Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chưa được nhận tiền hỗ trợ học tập do ngân sách của tỉnh chưa chuyển về trường.

Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, việc các sinh viên Sư phạm chưa nhận đủ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 116 là do đến thời điểm này, nhà trường chưa được tỉnh cấp tiền hỗ trợ học kỳ 2 (năm học 2022 - 2023).

Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, kinh phí để chi trả cho sinh viên Sư phạm theo Nghị định 116 đang gặp nhiều vướng mắc do nguồn kinh phí rất lớn. Hiện, tỉnh chưa cân đối được nguồn đảm bảo để thực hiện. Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị hỗ trợ phần kinh phí này

5. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành trở lại

Ngày 12/10, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động trở lại đã xuất bán sản phẩm xăng dầu ra thị trường sau một thời gian tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần đầu.

Ông So Hasegawa, Tổng giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết: "Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành kỳ bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất an toàn và sớm hơn tiến độ đã đề ra 7 ngày. Hiện nhà máy đã khởi động lại tất cả phân xưởng công nghệ chính và sẵn sàng cung cấp lại sản phẩm cho thị trường từ ngày 12/10. Đây là cột mốc đánh dấu bước tiến đầu tư quan trọng vào tương lai sản xuất và cung ứng năng lượng của Việt Nam

Việc hoàn thành đúng tiến độ đợt bảo dưỡng tổng thể lần này là tiền đề giúp nhà máy tái khởi động, vận hành và sản xuất trở lại, đồng thời tiếp tục tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại không chỉ giúp tiếp tục đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thị trường trong nước, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đọc thêm