Bản tin trưa 12/12: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan

(PLVN) - Bản tin trưa 12/12 bao gồm những thông tin đáng chú ý: Hà Nội cấp gần 4 triệu mã định danh điện tử; Yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động;... và những thông tin khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan

Hà Nội cấp gần 4 triệu mã định danh điện tử

Yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động

Xếp hàng từ rạng sáng chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần

1. Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, tối 11/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan.

Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan có hơn 25.000 người đang học tập, sinh sống, công tác, hòa nhập tốt, có cuộc sống ổn định và được chính quyền sở tại đánh giá tích cực. Kiều bào bày tỏ xúc động và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào tại Hà Lan. Bà Ngô Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan - cho rằng Việt Nam và Hà Lan dù cách xa về địa lý nhưng luôn dành tình cảm cho nhau. Hà Lan luôn ủng hộ Việt Nam từ trong kháng chiến cứu quốc đến công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan không ngừng lớn mạnh và luôn tự hào, có tình yêu cội nguồn, hướng về Tổ quốc. Vui mừng vì bà con đã thành lập Hội người Việt tại Hà Lan, Thủ tướng mong muốn thành lập thêm các hội, đoàn khác như hội doanh nhân, khoa học, nghiên cứu... trong cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan. Trên tinh thần "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công", Thủ tướng mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở sở tại, đoàn kết, là cộng đồng mẫu mực và là niềm tự hào của đất nước.

2. Từ ngày 1/10 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã thu nhận 3.680 hồ sơ và nhận 3.997 thẻ từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); tiếp nhận và giải quyết 6.833 hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công.

Tính đến ngày 5/12, toàn thành phố đã thu nhận 85.822 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, đạt tỷ lệ 28,5% chỉ tiêu Bộ Công an giao, đã thu nhận 3.937.644 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 63,3%. Riêng chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 là 13.003 trường hợp, mức 2 là 485.175 trường hợp.

Về cấp mã định danh điện tử, Công an thành phố đã làm được 3.937.644/6.220.864, đạt 63%. Thành đoàn Hà Nội là một trong những đơn vị chủ trì trong việc cử cán bộ đoàn thanh niên tổ chức kích hoạt mã định danh điện tử trong dân cư, các đơn vị như: Hà Đông, Hoàng Mai cũng đã ra quân đạt kết quả cao.

3. Tại Nghị quyết 156/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo... đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 bảo đảm an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên người lao động sau Tết sớm trở lại làm việc, nắm bắt tình hình về nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết

Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết; hạn chế phát sinh tranh chấp lao động và đình công trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là vào dịp năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các địa phương có liên quan rà soát danh sách người lao động bị mất, giảm việc làm trên cơ sở đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung để khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ.

4. Tại một số quận, huyện TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân xếp hàng từ rạng sáng, chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

Rời phòng trọ từ lúc 4h15, khi trời còn tối, chị Bùi Phương Em đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thủ Đức để rút BHXH 1 lần. Đi chung với chị là 2 con nhỏ: Bé gái 4 tuổi, bé trai mới 18 tháng. Chị Phương Em đành đưa 2 con theo cùng vì phải đi sớm xếp hàng do không thể gửi con cho ai.

''Lúc sinh bé thứ hai là em nghỉ luôn. Dịch bệnh nên em về quê giờ vào đây lại rút bảo hiểm. Dịch bệnh khó khăn, rút nuôi con chứ xoay hết nổi rồi'', chị Em cho hay.

Cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết lượng người rút bảo hiểm xã hội 1 lần có tăng nhưng không đáng kể. Tính đến tháng 11 thì tổng lượng hồ sơ trợ cấp 1 lần là hơn 99.000, tăng vài trăm người so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn năm 2020. Tuy nhiên lại đột biến vào khoảng tháng 4 và cuối tháng 11 đầu tháng 12.

Có ngày BHXH Thủ Đức phải giải quyết hơn 1.000 hồ sơ bao gồm trực tiếp và qua bưu điện các nơi gửi về. Cơ quan BHXH cũng khuyến nghị không nhất thiết phải nộp hồ sơ tại địa phương nơi đã làm việc mà có thể nộp tại BHXH nơi cư trú hoặc BHXH địa phương khác ít hồ sơ hơn. Qua đó, tránh được việc chờ đợi bất tiện. Ngoài ra, BHXH hiện nay cũng đã triển khai nhiều chương trình tiện ích như VssID hay đặt lịch làm việc, để người lao động thêm thuận lợi.

Đọc thêm