Bản tin trưa 14/11: UBND Hà Nội lên tiếng về việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ gần 160 tỷ đồng

(PLVN) - Bản tin trưa 14/11 gồm những thông tin đáng chú ý: Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi); Lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết Các hãng hàng không chưa được phép xác thực thẻ định danh điện tử;... và những thông tin khác.

- Sáng nay, 14/11, với 472 đại biểu tán thành, bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi).

- UBND Hà Nội lên tiếng về việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ gần 160 tỷ đồng

- Lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết Các hãng hàng không chưa được phép xác thực thẻ định danh điện tử

Đó là những nội dung đáng chú ý có trong Bản tin Pháp luật, quý vị đang nghe Radio Pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam

1. Thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Quý vị và các bạn thân mến, Tại phiên họp sáng nay, 14/11, với 472 đại biểu tán thành, bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Luật quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu (Theo Điều 55 dự thảo Luật). Một số ý kiến nhất trí chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam; đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết nội dung này như dự thảo Luật đã giao tại khoản 2 Điều 55, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

2. Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cũng trong sáng nay, một nội dung quan trọng trong tuần làm việc này của QH là thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Cùng với đó, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đồng thời thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. Trong tuần làm việc này, QH cũng thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

3. UBND Hà Nội lên tiếng về việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ gần 160 tỷ đồng

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến việc Cty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) lỗ lũy kế 160 tỷ đồng.

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, để đủ nguồn lực khi vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội vẫn phải chi trả lương cho người lao động. Việc này còn để đảm bảo đời sống và giữ chân người lao động, mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công việc và chi phí đào tạo với số tiền 139 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân hoạt động 2 tháng cuối năm 2021 thua lỗ có thể kể đến như số lượng khách di chuyển bằng đường sắt 2 tháng năm 2021 là 874.000 lượt, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến khoảng 4,9 triệu lượt hành khách.

Ngoài ra, do hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn để thu hút được đông đảo người dân tham gia. Mặc dù lượng hành khách đi chưa cao, song chi phí vận hành (như điện, nhân công…) không thể cắt giảm.

Về giải pháp khắc phục, theo UBND thành phố, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt số 2A, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga, mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chung nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị. Qua đó tăng số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội sẽ không phát sinh thêm lỗ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ luỹ kế.

4. Lãnh đạo Bộ Giao thông: Các hãng hàng không chưa được phép xác thực thẻ định danh điện tử

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay các hãng hàng không là tổ chức thương mại chưa được phép tiến hành việc xác thực thẻ định danh điện tử. Do đó hành khách là Công dân Việt Nam hay người nước ngoài, mặc dù đã có tài khoản định đanh điện tử mức độ 2 vẫn phải mang theo Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, “Việc áp dụng định danh điện tử để đi tàu bay Theo quy định của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, “Tài khoản định danh điện tử” hiển thị bằng ứng dụng VNeID của Bộ Công an, nếu tài khoản định đanh điện tử ở mức độ 2, sẽ được coi là thẻ Căn cước công dân cho Công dân Việt Nam.

Đối với người nước ngoài, tài khoản định đanh điện tử mức độ 2 sẽ được coi là hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế. Việc xác thực tài khoản định đanh điện tử ở mức độ 2 yêu cầu các cơ quan có giao dịch với công dân và người nước ngoài tiến hành bằng xác thực điện tử.

Việc xác thực được thực hiện thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin của chủ thể danh tính điện tử đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, cơ sở dữ liệu khác và hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử.

5. Ronaldo: 'MU phản bội tôi'

Mới đây, siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo tuyên bố không tôn trọng HLV Manchester United Erik ten Hag sau khi bị gắn mác kẻ nổi loạn trong phòng thay đồ đội chủ sân Old Trafford.

"Manchester United phản bội tôi. Tôi bị biến thành cừu đen (trong đội - PV)", cầu thủ người Bồ Đào Nha nói trong bài phỏng vấn với nhà báo thân thiết, Piers Morgan, trên Talk TV.

Đây là lần đầu tiên Ronaldo công khai trả lời phỏng vấn truyền thông về mối quan hệ giữa anh và Ten Hag, cũng như tương lai của cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2023. Sau sự cố bỏ về sớm ở trận gặp Tottenham Hotspur hồi tháng 10, Ronaldo chỉ đăng lên trang cá nhân phân trần với người hâm mộ. CR7 cũng không có bất kỳ động thái công khai xin lỗi HLV Ten Hag nào. Chân sút 37 tuổi khẳng định kể từ khi Sir Alex Ferguson rời MU, đội bóng đã sa sút và không có sự tiến bộ nào.

Truyền thông Anh tin rằng ban lãnh đạo "Quỷ đỏ" và HLV Ten Hag sẵn sàng để CR7 rời đi theo dạng chuyển nhượng tự do trong thời gian tới. Hợp đồng hiện tại của Ronaldo với MU sẽ hết hạn vào tháng 6/2023.

Đọc thêm