Bản tin trưa 15/11: Việt Nam, Bồ Đào Nha sẽ mở cơ quan đại diện ngoại giao tại mỗi nước

(PLVN) - Chỉ có 26/39 bệnh viện tuyến Trung ương liên thông đơn thuốc; Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;... và những thông tin khác.

Quý vị và các bạn đang nghe bản tin tổng hợptrưa của báo pháp luật VN. Bản tin ngày hôm nay sẽ có những nội dung đáng chú ý sau:

Việt Nam, Bồ Đào Nha sẽ mở cơ quan đại diện ngoại giao tại mỗi nước

Chỉ có 26/39 bệnh viện tuyến Trung ương liên thông đơn thuốc

Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hà Nội: Doanh nghiệp vận tải vi phạm quy định nhưng cố tình không nộp phù hiệu

tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Bồ Đào Nha, ngày 14/11, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Augusto Santos Silva cho biết, tuy là đất nước nhỏ với 10 triệu dân, song Bồ Đào Nha là cửa ngõ thông thương ra thế giới, nằm ở trung tâm "tam giác" châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh. Việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Bồ Đào Nha không chỉ hướng tới thị trường nước này mà nhìn rộng ra còn là cả thị trường châu Âu và châu Phi.Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, Chủ tịch Quốc hội Augusto Santos Silva đề nghị, hai bên tăng cường thúc đẩy giao lưu nhân dân, trong đó ưu tiên mở cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội Augusto Santos Silva nhấn mối quan hệ nghị viện là kênh hoạt động quan trọng.Để thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện giữa Quốc hội hai nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của Quốc hội, cấp Ủy ban, xem xét thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị để làm cầu nối trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và hai nước Việt Nam - Bồ Đào Nha. Hai bên tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có 78 triệu đơn thuốc điện tử được liên thông trên hệ thống từ hơn 15.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, trong đó chủ yếu là khối công lập (1.300 bệnh viện, hơn 12.000 trạm y tế xã, phường).Riêng khối khám, chữa bệnh tư nhân với gần 30.000 cơ sở y tế gần như chưa liên thông đơn thuốc điện tử. Đặc biệt, đến nay chỉ có 26/39 bệnh viện tuyến trung ương liên thông đơn thuốc. Rất nhiều sở y tế trên toàn quốc và các lãnh đạo cơ sở khám, chữa bệnh lớn chưa quan tâm tới vấn đề này dù thời hạn Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc đã qua.Theo Bộ Y tế, hiện có 45% thuốc phải kê đơn, 55% không kê đơn, trên tổng đầu số hơn 24.000 thuốc được cấp phép đang kinh doanh trên thị trường.Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, Việt Nam trong tốp những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao và mua thuốc không đơn rất cao.Nếu việc kê đơn thuốc điện tử được liên thông đầy đủ, Bộ Y tế không chỉ quản lý thuốc theo đơn mà cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lợi trong việc khống chế về mặt bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của bác sĩ; tránh việc mượn đơn thuốc, hoặc sử dụng đơn thuốc cũ hay mua thuốc không đơn.

Việt Võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Sau này môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo).Vovinam - Việt Võ Đạo là nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian. Bộ môn đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đặc biệt là khi Vovinam sẽ tổ chức Giải vô địch Vovinam thế giới lần 7-2023.Đến thời điểm này, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển.Các giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á cũng được tổ chức thường niên trong thời gian qua.Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với vovinam Việt Võ Đạo.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa công bố hàng loạt đơn vị vận tải vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ nhưng chưa chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu theo quy định...Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa ban hành văn bản số 6167/SGTVT-QLVT về việc phối hợp, thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thông qua hệ thống giám sát hành trình gửi cơ quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết thời gian qua đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về khai thác, sử dụng dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, trong đó khai thác và xử lý các vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội đã ban hành 10 văn bản để chấn chỉnh, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định.Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe đã bị xử lý vi phạm về Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Những thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp trưacủa báo pháp luật Việt Nam. Cảm ơn quý thính giả đã dành thời gian lắng nghe, bản tin được thực hiện bởi Quỳnh Trang.

Đọc thêm