Bản tin trưa 15/11: Việt Nam - New Zealand mở thêm các khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới

(PLVN) - Việt Nam - New Zealand: Mở thêm các khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới; Trao học bổng đặc biệt của Đức cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; ... và các thông tin khác.

Việt Nam - New Zealand: Mở thêm các khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới

Trao học bổng đặc biệt của Đức cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội

Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số: Đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với đặc thù mỗi vùng miền

Hà Nội xử phạt 1.000 trường hợp vi phạm phòng cháy, chữa cháy

1. Chiều 14/11, tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern , Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong các lĩnh vực, những kết quả đạt được đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam; Nhấn mạnh đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Đánh giá cao sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ với New Zealand trong chính sách đối ngoại của mình; đồng thời, cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của New Zealand trong nhiều năm qua, trong đó có việc triển khai “Chương trình hành động Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2021 - 2024” và hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch bệnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới ngày càng thiết thực trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được trong các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn…Thủ tướng New Zealand trân trọng thông báo với Tổng Bí thư về kết quả hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong muốn Đoàn đại biểu New Zealand với thành phần đoàn đa dạng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân.

2.Sáng 14/11, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Lễ trao học bổng đặc biệt của Quốc hội Bang Hessen Cộng hoà Liên bang Đức thông qua tổ chức hỗ trợ Đại học Thế giới (WUS) cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022 – 2023. Phát biểu tại buổi lễ, TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường thông tin, 50 suất học bổng trị giá 300 Euro/1 suất và nhiều sách chuyên ngành luật cho thư viện của Trường là sự động viên, khuyến khích kịp thời dành cho những sinh viên của Trường đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng đã phấn đấu vươn lên giành được những thành tích xuất sắc trong học tập. Qua đó, TS Chu Mạnh Hùng cũng chúc mừng các em sinh viên của Trường nhận được học bổng và mong rằng các em nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nó và tiếp tục phát huy để đạt kết quả học tập tốt nhất. Bên cạnh các học bổng thường niên Bang Hessen trao cho sinh viên Việt Nam thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 3 năm này, Quốc hội Bang Hesen cũng đã dành cho Trường Đại học Luật Hà Nội những phần học bổng đặc biệt thường niên cho những sinh viên của Trường có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đồng thời, Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới CHLB Đức hằng năm đều gửi tặng những đầu sách quý, mới nhất cho Trường để hỗ trợ nguồn tư liệu cho việc giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

3.Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số. Theo dự thảo, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số phải được thực hiện đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng nhiệm vụ được giao; phải được quản lý thống nhất và tuân theo quy định về phân cấp quản lý. Đồng thời, tuân thủ các quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân và các chính sách hiện hành về dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với giảng viên, giáo viên, học viên; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tính đặc thù ở mỗi vùng miền. Theo đó, về điều kiện đảm bảo tổ chức, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên đảm bảo số lượng, trình độ. Cụ thể: trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm; đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có ít nhất 4 giảng viên cơ hữu (đối với mỗi thứ tiếng) đạt chuẩn được đào tạo đúng ngành hoặc thuộc khối ngành xã hội - nhân văn và thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng dân tộc thiểu số. Trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên của trường đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương ứng.

4. Trong đợt cao điểm 60 ngày, đêm tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy chữa cháy (PCCC), TP. Hà Nội đã tổ chức kiểm tra hơn 17.400 lượt cơ sở, xử phạt gần 1.000 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 10 tỷ đồng. Sau 15 ngày triển khai cao điểm tổng rà soát, kiểm tra PCCC (từ 15 đến 29/10/2022), toàn thành phố đã tổ chức kiểm tra 17.402 lượt cơ sở, xử phạt gần 1.000 trường hợp, tổng số tiền phạt 10.865.900.000 đồng, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động gần 200 cơ sở.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Công an TP. Hà Nội tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an. Để có kết quả cao trong công tác tổng rà soát, kiểm tra PCCC, công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở ban hành các văn bản, chỉ đạo quyết liệt và chỉ cho phép các cơ sở hoạt động trở lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC./.

Đọc thêm