Bản tin trưa 17/11: Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2023

(PLVN) - Công điện hỏa tốc về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ ở Trung Bộ; Hà Nội kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm trên toàn thành phố; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2023

Sáng 17/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 để thảo luận về các đề nghị xây dựng luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Dự Phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt đề nghị xây dựng các Luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng Luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đôn đốc các bộ ngành phân công Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phụ trách công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thành trong tháng 11/2023 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế.

2. Công điện hỏa tốc về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ ở Trung Bộ

Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự, Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của Bộ Công Thương vừa có Công điện hỏa tốc số 8131/CĐ-PCTT về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ ở khu vực Trung Bộ. Công điện gửi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phủ Yên; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các tập đoàn, Tổng công ty trong ngành công thương; các chủ đập thủy điện và công trình công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ.

Thực hiện Công điện số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ tại khu vực Trung Bộ, Ban Chỉ huy Phỏng thủ Dân sự, Phòng Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị ngành công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Cùng đó, tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Công điện cũng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty khác trong ngành điện lực cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu.

Bên cạnh đó, thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp và người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, điều tiết hồ chứa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa.

3. Hà Nội kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm trên toàn thành phố

Trong tám tháng của năm 2023, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn là 71.557 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 9.157 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời, đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, từ nay đến cuối năm 2023, Sở đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố.

Ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… Lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

4. Tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 3775/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, địa phương cùng hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, 9 tháng năm 2023, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 81% dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế Chính phủ giao năm 2023. Điều này dẫn đến nguy cơ chi bảo hiểm y tế vượt dự toán.

BND thành phố Hà Nội yêu cầu các bên liên quan tăng cường kiểm soát chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế phòng, chống hành vi trục lợi, lạm dụng nguồn quỹ.

Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở y tế cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế… Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng chi phí bảo hiểm y tế với số tiền lớn, Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về nội dung này.

Đặc biệt, các cơ sở y tế không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Mọi thông tin, dữ liệu điện tử về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được trích chuyển kịp thời, làm căn cứ cho các bên liên quan đối chiếu, rà soát.

5. Long An đẩy nhanh tiến độ cấp 'Sổ Đỏ' cho người dân tại các dự án tái định cư

Ngành chức năng tỉnh Long An đang rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng Đất cho người dân tại các dự án tái định cư.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, đến nay, tổng số nền bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh là hơn 18.700 nền và đã bàn giao cho người dân trên 17.400 nền. Ngành chức năng cấp giấy cho chủ đầu tư các dự án gần 17.800 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng Đất và cấp lại cho người dân hơn 16.000 giấy, chiếm 92% so với số nền đã giao cho người dân.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức phân loại tập trung giải quyết dứt điểm từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong các dự án tại định cư. Trong số đó, ưu tiên giải quyết cho dự án khu tái định cư, khu dân cư có nhiều ý kiến của cử tri, dư luận phản ánh.

Đồng thời, các địa phương tích cực làm việc với chủ đầu tư các dự án để đôn đốc tiến độ hoàn thành thủ tục đất đai, xây dựng, tài chính... từ đó đẩy nhanh việc giao nền, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Đọc thêm