Bản tin trưa 18/10: Dự đoán mưa lũ dồn dập tại miền Trung sau bão số 6

(PLVN) - Bản tin trưa ngày 18/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau: Thủ tướng Chính phủ: Giúp đỡ người nghèo bằng tấm lòng và trái tim Năm 2023; Dự kiến thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư lớn... và một số tin tức khác.

Quý vị đang nghe Bản tin tổng hợp trên Radio Pháp Luật, báo Pháp luật Việt Nam. Bản tin trưa ngày 18/10 có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thủ tướng Chính phủ: Giúp đỡ người nghèo bằng tấm lòng và trái tim

Năm 2023: Dự kiến thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư lớn

Dự đoán mưa lũ dồn dập tại miền Trung sau bão số 6

Giám đốc trung tâm đăng kiểm Đồng Tháp nhận hối lộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam 'lên tiếng'

Truy tố cựu cán bộ công an hứa hẹn xin học vào các trường trong ngành công an

1. Tối 17/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì lễ phát động "Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022”.

Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022", là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022 (17/10/2022 - 18/11/2022).

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc gồm giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/01/1946, Người nói: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".

Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng và cảm thông.

2. Trong 9 tháng đầu năm 2022, KTNN đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.

Ngoài ra, KTNN đã chuyển hồ sơ 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Báo cáo Quốc hội, KTNN cho biết: Dự kiến KTNN sẽ hoàn thành 100% KHKT năm 2022, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương, báo cáo quyết toán NSĐP cấp tỉnh năm 2021 phục vụ HĐND phê chuẩn quyết toán, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2023.

Theo kế hoạch, về lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án: Dự kiến thực hiện 26 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam,…

3. Sau đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5 (có tên quốc tế là Sơn Ca) gây ra đợt ngập lụt lịch sử ở thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung hiện đang tiếp tục đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 6 (bão Nesat).

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những ngày tới, diễn biến về bão số 6 trên Biển Đông dự báo sẽ còn phức tạp. Từ nay đến cuối năm 2022, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập vẫn có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực miền Trung.

Đặc biệt, ven biển các tỉnh Trung Bộ cần lưu ý đề phòng nước dâng do bão trong khoảng từ tháng 10-12 với xác xuất khoảng 70%. Khu vực ven biển Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên trở vào phía Nam) và ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trong tháng 11-12.

Từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường. Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11, 12/2022 và tháng 1/2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,0m.

4. Liên quan đến sự việc Giám đốc Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới tư nhân 6602D tỉnh Đồng Tháp và 3 đăng kiểm viên bị tạm giữ hình sự vì bắt quả tang nhận hối lộ, ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết Cục đã nắm được thông tin qua báo chí.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, sẽ không bao che và xử lý nghiêm theo quy định, theo thẩm quyền đối với các sai phạm, không loại trừ biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm và giấy chứng nhận đăng kiểm viên của các đăng kiểm viên vi phạm pháp luật.

Hiện nay việc giám sát hoạt động của các TTĐK của Cục được thực hiện qua: Giám sát trực tiếp; Giám sát qua hệ thống camera trực tuyến; Phúc tra kết quả kiểm định và Phản ánh của báo chí, cơ quan truyền thông.

Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phát hiện một số vi phạm qua việc giám sát từ hệ thống camera trực tuyến nhưng không nhiều vì hình thức này chỉ đưa ra những dấu hiệu của hành vi vi phạm, không rõ ràng chi tiết. Biện pháp quan trọng nhất vẫn là qua phúc tra kết quả kiểm định và đánh giá rà soát cơ sở dữ liệu kiểm định. Các xử lý kỷ luật của Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với các TTĐK và đăng kiểm viên hiện nay chủ yếu qua hình thức này.

5. VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đặng Ngọc Hải (SN 1982, cựu Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, Đặng Ngọc Hải là cán bộ Công an huyện Phúc Thọ. Hải không có chức năng, không có khả năng xin học vào các trường trong ngành công an, xin chuyển đổi công tác. Tuy nhiên, Hải vẫn đưa ra thông tin gian dối là bản thân có nhiều quan hệ, có khả năng xin học vào các trường trong ngành công an, xin chuyển công tác để nhiều người tin tưởng, đưa tiền cho Hải, nhờ giúp đỡ.

Thế nhưng sau khi nhận tiền, Hải không thực hiện như cam kết, không trả lại tiền mà bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền đã nhận để chi tiêu cá nhân. Trong số các bị hại của Hải có anh Nguyễn Trung P (SN 1971, ở Hà Nội), bị Hải chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Tháng 7/2015, Hải tiếp tục lừa anh Tạ Quang P (công tác tại một cơ quan nhà nước ở tỉnh Phú Thọ) với 650 triệu đồng hứa giúp sẽ chuyển công tác từ Phú Thọ ra Hà Nội. Đến tháng 11, Hải trả anh P tổng cộng 430 triệu đồng và bỏ trốn với số nợ 220 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định Hải đã lừa đảo, chiếm đoạt của 7 người tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Với hành vi nêu trên, Hải bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 174 – Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.

Đọc thêm