Bản tin trưa 20/10: Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

(PLVN) - Bản tin trưa 20/10 có những nội dung đáng chú ý: Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Hai Chi bộ thuộc Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2022-2025

1.Ngày 20/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khoá XV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh mới cho đất nước.

Dự kiến, tại Kỳ họp này, về công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật, ba dự thảo nghị quyết. Đồng thời, QH sẽ xem xét, cho ý kiến với bảy dự án luật; xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tập trung và trách nhiệm cao của các cơ quan của QH; các cơ quan, tổ chức hữu quan và các đại biểu QH, tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV sẽ tiếp tục thành công như các kỳ họp trước đây, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời để tạo cơ sở, động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

2. Ngày 19/10, Chi bộ Khối Nội dung, Chi bộ Khối Hành chính trực thuộc Đảng bộ Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025.

Tới dự có đồng chí Đỗ Xuân Lân, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể; đồng chí Đào Văn Hội, Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Tư pháp, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; đồng chí Trần Đức Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; đồng chí Trần Ngọc Hà, Đảng ủy viên Đảng bộ, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội 2 Chi bộ, đồng chí Đào Văn Hội, Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Tư pháp, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đánh giá cao kết quả của 2 Chi bộ trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhận diện những khó khăn trước mắt, Tổng biên tập đề nghị mỗi đảng viên cần tăng cường rèn luyện, học tập, sáng tạo không ngừng để “vừa hồng, vừa chuyên”, làm giàu chất người làm báo Pháp luật Việt Nam trong thời đại mới.

Chi bộ cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ trước để khắc phục ngay; xây dựng kế hoạch, cá thể hóa trách nhiệm đối với những vấn đề cần khắc phục theo lộ trình. Khuyến khích quần chúng đóng góp ý kiến đối với công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thực chất, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh Đảng viên.

3. TAND tỉnh Gia Lai vừa có lịch đưa vụ án lập khống 7 biên chế tại Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh ra xét xử vào ngày 2/11.

Trong vụ án này, 3 đối tượng Nguyễn Thế Quang (cựu Chánh Văn phòng), Nguyễn Thị Lựu (cựu Phó Chánh Văn phòng) và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (cựu Kế toán Văn phòng) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của VKSND Gia Lai, thực hiện Văn bản 269 ngày 15/10/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 02 ngày 28/1/2008 về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh. Biên chế của Văn phòng nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do UBND tỉnh phân bổ.

Cuối năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Gia Lai có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng tài chính từ 2013 - 2016. Trong quá trình bị kiểm tra và bị điều tra, các cá nhân mắc sai phạm đã nộp khắc phục hậu quả hơn 11,2 tỷ đồng; trong đó có hơn 3,5 tỷ đồng tiếp khách không đúng quy định; hơn 2,38 tỷ đồng lập khống 7 biên chế Đoàn ĐBQH tỉnh; hơn 1,1 tỷ đồng tiền mua các loại văn phòng phẩm.

Theo cáo trạng, các đối tượng nhận thức được những hành vi phạm pháp luật của bản thân và đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy vậy, các đối tượng còn phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự.

4. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu bão số 6 và nhiễu động trong đới gió Đông nên trong ngày 20/10, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Vùng núi phổ biến từ 13-15 độ C, khu vực trung du, vùng Đồng bằng Bắc Bộ từ 15-18 độ C, Hà Nội trời mưa, rét...

Đến 11 giờ ngày 20/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển Hà Tĩnh-Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh dưới cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ. Vùng nguy hiểm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,0-19,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cấp độ rủi ro cấp 3.

Trên biển, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn), khu vực Vịnh Bắc Bộ có mưa dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,5-4,5m.

Trên đất liền, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu nhanh về cường độ, rất ít khả năng gây gió mạnh trên cấp 6 tại các vùng đất liền ven biển.

5. Chiều và đêm 19/10 do ảnh hưởng của bão số 6, sóng lớn cộng với triều cường đã khiến nước sông Hàn (Đà Nẵng) dâng cao, làm hư hại hạ tầng giao thông tại các tuyến đường ở bờ Tây – đặc biệt là các tuyến giao thông ở khu vực cửa biển thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu.

Triều cường cũng khiến nhà dân ở các tuyến đường Xuân Diệu, Hoàng Tích Trí, Huỳnh Lý, Như Nguyệt ngập cục bộ từ 20 đến 50 cm.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 19/10, tin từ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, ngoài 4 người thiệt mạng, tổng thiệt hại do bão số 5 và mưa ngập đêm 14/10 ở địa phương này là gần 1500 tỷ đồng với gần 70.000 nhà ngập, 2.000 ôtô, 30.000 xe máy hư hỏng.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá việc thống kê thiệt hại của các quận huyện, trường học sau bão lũ còn chậm, kéo theo hỗ trợ cho người dân chưa kịp thời. Nếu Trung ương nắm được thông tin nhanh hơn sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ ngay cho người dân. Việc khắc phục hậu quả cần nhanh chóng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đà Nẵng trải qua trận mưa lũ lớn nhưng đã hạn chế tối đa thiệt hại về người. Về lâu dài, thành phố cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước, làm tốt khâu dự báo và ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Thông tin vừa rồi cũng đã kết thúc bản tin tổng hợp của Radio Pháp Luật. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe. Bản tin được thực hiện bởi Ngô Uyên.

Đọc thêm