- Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng AIPA-43
- Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề trong năm 2023
- Hỏa tốc xử lý loạt vấn đề của doanh nghiệp xăng dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Đó là những nội dung đáng chú ý có trong Bản tin tổng hợp trưa 21/11, quý vị thính giả đang nghe Radio Pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam.
1. Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng AIPA-43
Quý vị thính giả thân mến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa tham dự Phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á AIPA-43, diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
Tại phiên họp, Ban Chấp hành AIPA đã thảo luận và thông qua các nội dung như: Chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA-43; thành phần Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, Nghị sỹ trẻ, các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Đối thoại với Quan sát viên, Thông cáo chung; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA-44...
Trong ngày 21/11, Đại hội đồng AIPA-43 với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” chính thức khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh. Đây là Đại hội đồng đầu tiên của AIPA được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Đại hội đồng AIPA-43 tập trung thảo luận các vấn đề về: Hòa bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực ở Đông Nam Á; thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị.
2. Năm 2023, Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề
Sáng 21-11, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 10, xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của thành phố.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dù tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả khá quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực song dự báo khó khăn, thách thức sắp tới là rất lớn. Do đó, cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2022 của thành phố. Đặc biệt, cần đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục một cách căn cơ.
Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Bí thư Thành uỷ cho biết đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy và là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Thành phố. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội gồm 3 cuộc kiểm tra. Trong đó, 1 cuộc kiểm tra liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, quy định về công tác cán bộ; 2 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện các Chương trình, Nghị quyết về phát triển văn hóa và việc thực hiện sau kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể về số lượng, về nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy Hà Nội.
3. Hỏa tốc xử lý loạt vấn đề của doanh nghiệp xăng dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày 21/11, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ban ngành xử lý đơn kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình để chủ động có phương án bảo đảm duy trì nguồn cung nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nguồn cung bị đứt gãy gây tâm lý hoang mang cho người dân và doanh nghiệp.
Sở Công Thương được giao Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành kinh doanh xăng dầu, tăng cường thanh tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
UBND tỉnh yêu cầu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời, giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị thu hồi giấy phép.
Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về nguồn cung, giá cả cũng như công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, doanh nghiệp.
4. Đề nghị ưu tiên giá điện thấp hơn cho xe điện
Góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng, về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, VCCI đề nghị dành riêng giá điện cho xe điện. Theo VCCI, phương tiện giao thông chạy bằng điện, đang được Nhà nước khuyến khích, nhờ giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, các chủ phương tiện vẫn phải trả giá điện tương đối cao để có thể sạc pin.
VCCI cũng cho biết, qua tìm hiểu tại các quốc gia phát triển cho thấy, một số công ty điện lực đã bắt đầu cung cấp các gói giá dành riêng cho việc sạc ô tô điện. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án, đưa riêng một nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông, cụ thể như sau: Ưu tiên mức giá điện thấp hơn cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông, nhằm khuyến khích loại phương tiện này. Giá điện của nhóm khách hàng này, sẽ được chia theo giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình. Biện pháp này nhằm khuyến khích người dân điều chỉnh giờ sạc pin vào những giờ thấp điểm.
Áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) cho nhóm khách hàng này. Biện pháp này vừa giúp hạn chế những khách hàng yêu cầu mắc đường dây cho xe điện nhưng không sử dụng, đồng thời có tác dụng tuyên truyền, phổ biến để người dân làm quen với hình thức giá điện hai thành phần.
5. Chủ nhà Qatar gây thất vọng trong trận đấu khai màn World cup 2022
Sau khi chi hơn 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022, chủ nhà Qatar lại không thể có một màn ra mắt thành công ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Lễ khai mạc hoành tráng tại World Cup 2022 đã đúc kết giấc mơ trở thành sự thật của Qatar, đó là đăng cai giải đấu lớn nhất hành tinh. Nước chủ nhà chờ đợi World Cup sẽ là cú hích đưa bóng đá Qatar bật lên trên bình diện thế giới
Tuy nhiên, giữa đăng cai World Cup và thực sự thuộc về đẳng cấp World Cup là 2 khái niệm khác biệt. Tiền bạc đang giúp Qatar tổ chức một kỳ World Cup tốn kém và xa xỉ, với nhiều sân vận động, cơ ngơi hoành tráng, tiến bộ công nghệ cùng hạ tầng hiện đại được cần mẫn xây dựng trong 12 năm.
Nhưng trên sân bóng, 90 phút trước Ecuador giúp đội chủ nhà "tỉnh mộng". Đội tuyển Qatar lộ rõ sự bỡ ngỡ ở lần đầu đặt chân ra biển lớn với thất bại toàn diện. Các cổ động viên bỏ về sớm trong khi HLV trưởng Felix Sanchez bên ngoài sân lại thể hiện bộ mặt thất thần, khiến người hâm mộ nhớ lại thời điểm ông dẫn dắt U23 Qatar để thua trước U23 Việt Nam tại Thường Châu.