Bản tin trưa 24/11: Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông sửa đổi

(PLVN) - Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh; Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu rau lên 1-1,5 tỷ USD; và một số thông tin đáng chú ý khác  

1. Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông sửa đổi

Sáng nay, 24/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Viễn thông sửa đổi với sự tham gia của 473 đại biểu. Kết quả, 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Có hai đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,4%. Có 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 0,61%.

Trước đó ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 11 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và một đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ngày 23/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 694/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Đến nay, Bộ Luật đã chính thức được thông qua

2. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh

Sáng 24/11, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng và Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Ban tổ chức đã công bố rộng rãi thông tin nhằm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo trong cả nước. Kết quả, Ban tổ chức đã nhận nhiều bài viết có chất lượng tốt, được phản ánh tại Kỷ yếu Hội thảo.

Các bài viết mà Ban tổ chức nhận được là cách tiếp cận của các tác giả, luôn đặt TTCK phái sinh của Việt Nam trong môi trường động, việc nghiên cứu, đánh giá vấn đề pháp lý luôn được xem xét ở góc độ so sánh để đưa ra các kết quả khách quan. Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn lọc được 17 bài viết có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo trọng điểm “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kỳ vọng và thực trạng của chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh; vai trò của công ty chứng khoán trên TTCK phái sinh; Pháp luật về kinh doanh chứng khoán phái sinh tại các Công ty chứng khoán ở Việt Nam; Đánh giá sự tác động của pháp luật tới sự tham gia của nhà đầu tư trên TTCK phái sinh tại Việt Nam…

3. Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu rau lên 1-1,5 tỷ USD

Theo Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 ngày 9/11/2023), Việt Nam phấn đấu phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong nước và một phần xuất khẩu.

Theo đó, Dự kiến diện tích trồng rau trên cả nước sẽ đạt 1,2 - 1,3 triệu ha, trong đó các nhóm rau chủ lực bao gồm các loại rau cải, rau họ đậu, dưa hấu, hành, tỏi, ớt cay, cà chua và dưa chuột. Bên cạnh đó, sản lượng rau cả nước hướng đến đạt 23-24 triệu tấn, mục tiêu mẫu rau được kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn trên 95%. Từ đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu rau lên 1-1.5 tỷ USD vào năm 2030.

Đề án cũng nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng rau; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa phòng chống thuốc lá vào chương trình bậc THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục ở Trung học Phổ thông.

Tài liệu được biên soạn nhằm hỗ trợ giáo viên Trung học Phổ thông cập nhật kiến thức về thuốc lá; tác hại của thuốc lá; cách phòng, chống tác hại của thuốc lá; phương pháp luận tiếp cận và các hình thức thực hiện lồng ghép, tích hợp khối kiến thức này trong việc dạy-học một số môn học, các hoạt động giáo dục ở cấp Trung học Phổ thông.

Tài liệu bao gồm hai nội dung chính. Phần 1 khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá. Phần 2 tập trung hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp Trung học Phổ thông với các nội dung như xác định mục tiêu, nguyên tắc, quy trình lồng ghép cũng như các hướng dẫn lồng ghép về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục.

theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lồng ghép giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung chương trình môn học giúp học sinh nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá và có thái độ, ứng xử đúng đắn đối với phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc lá.

5. Sóc Trăng vận động cơ sở ký cam kết không kinh doanh sản phẩm thuốc lá mới

Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 1477/KH-QLTTST ngày 10/10/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và vận động, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm thuốc lá mới

Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên bàn tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, các hội nghị giúp truyên truyền các kiến thức pháp luật, có ý nghĩa quan trọng giúp người dân hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó góp phần xây dựng nền văn minh trong hoạt động kinh doanh, hạn chế những vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đọc thêm