Bản tin trưa 27/10: Đề xuất hai phương án nâng mức trợ cấp xã hội

(PLVN) -  Triển khai biện pháp phòng chống các cuộc gọi hù dọa lừa đảo; TP.HCM nguy cơ ngập nặng với đợt triều cường mới vào cuối tuần; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Đề xuất hai phương án nâng mức trợ cấp xã hội

Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐTBXH), đơn vị chức năng của Bộ đang đề xuất 2 phương án trong dự thảo về Nghị định nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội. Mức 360.000 đồng như hiện nay là thấp.

Phương án 1, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Với phương án này, số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng.

Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án 1 nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng và thực hiện từ 1/7/2024.

Phương án 2, mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay cả nước có hơn 3,35 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 361.590 người đang hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.

2. Triển khai biện pháp phòng chống các cuộc gọi hù dọa lừa đảo

Kể từ ngày 27/10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gọi đến người dân sẽ đều hiển thị tên định danh "BO TTTT." Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân. Mục đích của các đối tượng là để thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Một số tên định danh được cấp cho các nhà mạng phổ biến như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), ...

3. TP.HCM nguy cơ ngập nặng với đợt triều cường mới vào cuối tuần

Theo Bản tin Dự báo Đặc trưng Thủy triều 5 ngày của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ngày 27/10, dự báo mực nước cao nhất trong những ngày tới tại trạm Phú An-sông Sài Gòn lên cao, vượt mức báo động III.

Ngày 28/10, mực nước đạt 1,63m (lúc 15 giờ 30). Ngày 29/10 mực nước đạt 1,70m (lúc 16 giờ 30). Ngày 30/10 mực nước vẫn là 1,70m (lúc 17 giờ 30). Ngày 31/10 mực nước giảm còn 1,61m (lúc 18 giờ 30).

Để chủ động ứng phó đợt triều cường cuối tháng 10 này, Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự-Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, sở, ngành, đơn vị, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ; phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ huy Phòng Thủ Dân sự-Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu chủ đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi chủ động kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý ngay vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi gói thầu dự án của đơn vị.

Công an thành phố chỉ đạo Cảnh sát Giao thông phối hợp lực lượng thanh niên xung phong thành phố tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường gây ra.

4. Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959; nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II) và Đinh Trường Chinh (sinh năm 1974; nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các Quyết định đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn ngày 26/10.

Theo Cơ quan điều tra, hai bị can trên đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang tập trung điều tra mở rộng vụ án.

Tháng 9 năm 2020, Huỳnh Thế Năng từng bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

Đọc thêm