Bản tin trưa 28/11: Việt Nam đứng đầu chỉ số tăng trưởng thị trường công nghệ

(PLVN) - Bản tin trưa 28/11 có những thông tin đáng chú ý: Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027; Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam; Nhiều bất ngờ thú vị sau nửa chặng đường của vòng đấu bảng World Cup 2022;... và những thông tin khác.

- Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027

- Việt Nam đứng đầu chỉ số tăng trưởng thị trường công nghệ

- Nhiều bất ngờ thú vị sau nửa chặng đường của vòng đấu bảng World Cup 2022

Đó là những nội dung đáng chú ý có trong Bản tin tổng hợp trưa 28/11, quý vị thính giả đang nghe Radio Pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam.

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khả năng tổ chức kỳ họp bất thường

Quý vị thính giả thân mến, sáng 28/11, Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ diễn ra trong một ngày, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những nội dung này Chính phủ mới có tờ trình, chưa có điều kiện để thẩm tra theo quy trình quy định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát cho ý kiến về nội những nội dung này và xem xét khả năng tổ chức kỳ họp bất thường.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương…

2. Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1477/QĐ-TTg ngày 25/11/2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình tập trung vào nhóm đối tượng thanh thiếu nhi Việt Nam từ 6 đến 30 tuổi, trong đó đặc biệt chú trọng vào các nhóm đối tượng mà các chương trình, đề án khác chưa phủ tới như trẻ em, thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên làm kinh tế, thanh niên lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu chung nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi Việt Nam về tầm quan trọng, sự cần thiết, lợi ích của việc học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ và rèn luyện các kỹ năng hội nhập quốc tế; trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường thuận lợi, sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; phát huy tính xung kích, tiên phong, bản lĩnh của thanh thiếu nhi trong việc tự trang bị kỹ năng cần thiết hoàn thiện bản thân, đáp ứng nhu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

3. Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027

Trong hai ngày 28-29/11, phiên chính thức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô.

Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ 7 - cơ sở pháp lý cao nhất cho mọi hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mục đích để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay.

4. Việt Nam đứng đầu chỉ số tăng trưởng thị trường công nghệ

Nền kinh tế số của Việt Nam được dự đoán đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 8,9% từ nay đến năm 2026, nhanh nhất trong số 51 quốc gia được khảo sát. Đây là kết quả được công bố trong khảo sát Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số do tạp chí Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia vừa thực hiện.

Các nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng này là nhờ cơ cấu dân số trẻ, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bài viết của tạp chí này cũng nhận định, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng và dịch vụ tài sản đến chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm trong những năm gần đây.

Omdia–nhóm nghiên cứu và cố vấn hàng đầu tập trung vào ngành công nghệ cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng nhất của Đông Nam Á đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đối với ngành sản xuất. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh việc sử dụng dữ liệu 5G, khi các doanh nghiệp đang phát triển bắt đầu dựa vào các kết nối 5G để cải thiện hoạt động của các dịch vụ công nghệ thông tin trên đám mây và tự động hóa trong các nhà máy.

5. Nhiều bất ngờ thú vị sau nửa chặng đường của vòng đấu bảng World Cup 2022

Tính đến sáng 28/11, 28/48 trận của vòng đấu bảng Giải Vô địch Bóng đá thế giới (World Cup 2022) đã diễn ra. Sau hơn nửa chặng đường của vòng đầu, trên sân cỏ, nhiều điều bất ngờ thú vị đã xảy ra, nằm ngoài dự đoán.

Ngày 21/11, trong trận đấu mở màn ngay sau Lễ khai mạc World Cup, chủ nhà Qatar thua Ecuador 0-2, khiến nhiều cho cổ động viên thất vọng. Thất bại này được coi là "kỳ tích ngược" khi Qatar trở thành đội chủ nhà đầu tiên thua trong trận ra quân của các kỳ World Cup.

Ngược lại với những thất vọng về đội bóng nước chủ nhà Qatar, những đội bóng châu Á khác lại mang đến những chiến thắng thú vị.

Nhật Bản tạo nên bất ngờ lớn khi "phá tan" cỗ xe tăng Đức với tỷ số 2-0 đã mang lại kết quả hoàn toàn khác biệt với mọi dự đoán trước trận đấu.

Chiến thắng bất ngờ của Đội bóng châu Á Ả rập xê út với tỷ số 2-1 trước Argentina được ví như "cơn địa chấn" tại World Cup 2022. Người hâm mộ bóng đá thật sự "sốc" khi đội bóng Nam Mỹ từng 2 lần vô địch World Cup đã để Ả rập xê út - đội bóng đứng thứ 51 trên bảng xếp hạng của FIFA lội ngược dòng chiến thắng, ghi hai bàn thắng vào lưới trong vòng 5 phút. Thất bại này còn đặt dấu chấm dứt cho chuỗi 36 trận bất bại của Đội tuyển Argentina.

Bất ngờ thứ 3 với các đội bóng đến từ châu Á là chiến thắng 2-0 của các cầu thủ Iran trước đội bóng Xứ Wales. Hai bàn thắng đều được ghi ở hiệp 2, vào những phút bù giờ. Một chiến thắng được coi là "không tưởng" của "những chú sư tử Iran".

Bên cạnh đó, tại World Cup 2022, nhiều trận đấu được bù giờ với số phút "khủng", khác với mức 5-7 phút như trước đây. Trong trận Anh gặp Iran, hiệp 1 được bù hơn 14 phút và hiệp 2 là hơn 13 phút. Điều đó khiến cho trận đấu kéo dài tổng cộng 117 phút. Đồng thời, quả đá phạt của cầu thủ Iran Mehdi Taremi ở phút 102 là bàn thắng muộn nhất được ghi tại một kỳ World Cup kể từ năm 1966.

Đọc thêm