Bản tin trưa 28/9: Thủ tướng gửi công điện hỏa tốc, yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục mưa lũ

(PLVN) - Miền Tây ứng phó 'hạn mặn lịch sử' nguy cơ lặp lại; Hà Nội mưa xối xả, khắp các tuyến đường lâm cảnh ngập lụt, ùn tắc; ... và một số thông tin khác.
Một điểm trường ở H.Quỳ Châu (Nghệ An) chìm trong lũ

Bản tin trưa 28/9

  1. Thủ tướng gửi công điện hỏa tốc, yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục mưa lũ

  2. Sắp có quy định mới về giấy phép lái xe

  3. Miền Tây ứng phó 'hạn mặn lịch sử' nguy cơ lặp lại

  4. Hà Nội mưa xối xả, khắp các tuyến đường lâm cảnh ngập lụt, ùn tắc

Đó là những nội dung sẽ có trong bản tin trưa nay.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Ngày 28.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bộ trưởng các bộ NN-PTNT, TN-MT, GTVT, Y tế, Công thương, Quốc phòng, Công an; chủ tịch UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.

Công điện nêu rõ, từ ngày 25.9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500 mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Dự báo trong những ngày tới có thể còn mưa to đến rất to, nguy cơ lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Dự kiến, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an xây dựng) và Luật Đường bộ (do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng) sẽ thay thế cho Luật Giao thông đường bộ 2008. Trong đó có một số quy định mới về cấp giấy phép lái xe.

Bộ Giao thông Vận tải vẫn là cơ quan cấp giấy phép lái xe

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023). Dự thảo Luật này có nhiều điểm mới so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ hiện hành trong việc tăng quyền kiểm tra, kiểm soát đối với cảnh sát giao thông.

Giấy phép lái xe cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang giấy phép lái xe mới

Trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Bộ Công an đã bổ sung quy định: "Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định".

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bộ Công an trình rất nhiều Dự thảo luật lên Quốc hội khóa XV. Có luật đã được Quốc hội thông qua, có luật còn đang cho ý kiến. Những luật được Bộ Công an trình Quốc hội khóa XV đều là những Dự thảo luật vô cùng quan trọng, có tác động rất lớn đến quản lý nhà nước về an ninh trật tự và an toàn xã hội. Có những luật nếu thông qua được sẽ là "cú hích" rất quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Các địa phương miền Tây đang tập trung bảo vệ hàng triệu ha vụ lúa Đông Xuân, cây ăn quả... trước diễn biến hạn mặn đến sớm, diễn biến phức tạp như năm 2016.

Tỉnh Hậu Giang có khoảng 12.000 lúa Đông Xuân khả năng bị hạn mặn từ triều biển Tây xâm nhập, chủ yếu ở huyện Long Mỹ, TP Long Mỹ, TP Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy... Hơn 18.500 ha cây ăn trái khả năng thiệt hại do mặn từ triều biển Đông, tập trung ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy.

Ngoài ra, người dân ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, TX Long Mỹ và TP Vị Thanh khả năng thiếu nước sinh hoạt. Do vậy chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, rút kinh nghiệm từ hai đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 và 2019, hiện 99% số hộ dân đã trang bị các dụng cụ trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt như đào mương, xây hồ, mua túi bạt…

Trước đó các đơn vị quản lý, chuyên gia cho rằng lũ nhỏ, mùa mưa kết thúc sớm, hiện tượng El Nino kéo dài, miền Tây nguy cơ chịu hạn hán gay gắt, tương tự mùa khô năm 2015-2016, ảnh hưởng đời sống người dân. Ở mùa khô cách đây 7 năm, cơn hạn hán kéo dài khiến 600.000 người dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

Trận mưa lớn như trút nước ở Hà Nội sáng nay khiến khắp ngả đường ngập úng, các phương tiện kẹt cứng. Theo ghi nhận, tại nhiều tuyến phố, người, xe ‘chôn chân’ dưới mưa.

Khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cơn mưa lớn vào đầu giờ sáng khiến nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội kẹt cứng. Người tham gia giao thông chật vật di chuyển tới nơi làm việc.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong sáng nay, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 60-80mm, có nơi trên 100mm.

Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 15-30cm; Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-40cm

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo, các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố ngập sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn khi di chuyển có thể gây tắc nghẽn cục bộ.

Đọc thêm