Bản tin trưa 30/07: Rà soát, đề xuất sửa đổi những vướng mắc trong các luật hiện hành

(PLVN) - Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn kéo dài tại Bình Thuận; và một số thông tin đáng chú ý khác 

1. Rà soát, đề xuất sửa đổi những vướng mắc trong các luật hiện hành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản yêu cầu bộ ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền khẩn trương chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, nêu rõ các điều, khoản, luật, nghị định, thông tư, quy định liên quan.

Từ đó, kịp thời đề xuất phương án hiệu quả, khả thi để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, điều khoản cụ thể trong các luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, văn bản pháp luật có liên quan nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Việc này sẽ góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước khó khăn hiện nay.

2. Bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 898/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính nơi có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, với diện tích khoảng 283.826,76 ha.

Quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 308 ha, bao gồm: Diện tích khu vực bảo vệ của 45 điểm di tích thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 và Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt).

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành điểm thăm quan về nguồn, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam; phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống...

3. Bình Thuận: Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn kéo dài

Những ngày gần đây, nhất là từ tối 27- 29/7, trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận xảy ra mưa lớn kéo dài, lốc xoáy, gây ngập lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng nặng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, mưa lớn đã làm ngập cục bộ khoảng 20 hộ dân (mực nước ngập trên 0,5-1,0m) đối với khu vực dân cư thôn 1, 2 và thôn 3 xã Suối Kiết; làm sụp đổ khoảng 160m tường rào các loại của nhà dân.

Mưa lớn, lũ quét đã cuốn trôi, làm hư hại 14 ha bắp, lúa, điều tại xã La Ngâu; gây ngập úng khoảng 40 ha lúa tại xã Huy Khiêm. Bên cạnh đó, 15 lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân dọc sông La Ngà (xã Đồng Kho) bị trôi, bể và thất thu hoàn toàn với khối lượng khoảng 50 tấn cá các loại và 30.000 con cá trong giai đoạn mới thả giống. Ngoài ra mưa lũ còn gây thiệt hại đến các công trình giao thông với tổng ước tính khoảng 5 tỷ đồng.

UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp, chỉ đạo các xã huy động toàn bộ lực lượng xung kích, khắc phục sơ bộ tình hình thiệt hại, đảm bảo giao thông, giúp đỡ người dân trong quá việc phòng tránh thiên tai và ổn định cuộc sống.

4. Kết quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2023

Thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ Luật hình sự. Xác định có 224 nạn nhân trong các vụ án, tăng 55 vụ/154 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 (mua bán người: 43 vụ/86 đối tượng, mua bán người dưới 16 tuổi: 45 vụ/143 đối tượng).

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và giải quyết 117 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người, đưa ra xét xử 43 vụ với 107 bị cáo, 59 vụ với 153 bị cáo đã được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm, xác định và hỗ trợ 82 trường hợp nạn nhân bị mua bán.

5. Nghệ An: Cháy 5 tàu cá tại cảng Lạch Quèn

Thông tin về vụ cháy tàu cá trong đêm 28/7 tại Nghệ An, Ngày 30/7, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, cơ quan công an đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân vụ hỏa hoạn xuất phát từ sự cố chập điện tại tàu cá mang số hiệu NA-99699.TS gây cháy, sau đó lửa cháy lan sang nhiều tàu cá khác.

Hậu quả của vụ hỏa hoạn là 5 chiếc tàu cá bị thiêu rụi, không thể sửa chữa được; ước tính thiệt hại trên 45 tỷ đồng và nhiều chiếc khác bị hư hại nhẹ.

Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo cơ quan chức năng xã Sơn Hải và xã Quỳnh Long kêu gọi vận động, ủng hộ giúp đỡ các chủ tàu cá bị cháy.

Bước đầu, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã hỗ trợ mỗi tàu bị cháy số tiền 20 triệu đồng.

Đọc thêm