Bản tin trưa 30/11: Bộ Tư pháp khảo sát thực trạng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại Khánh Hòa

(PLVN) - Bộ Tư pháp khảo sát thực trạng đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Khánh Hòa; Củng cố, phát huy truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam; Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022. Là những thông tin có trong bản tin.

Bộ Tư pháp khảo sát thực trạng đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Khánh Hòa

Củng cố, phát huy truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022

1. Chiều 29/11, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo khảo sát thực trạng đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) chủ trì Hội thảo. Mục đích của Hội thảo là nhằm nắm bắt, đánh giá thực trạng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để có cơ sở đề xuất các giải pháp, cách thức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp và xây dựng khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng việc áp dụng một bộ tiêu chí chung để đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho mọi lĩnh vực, địa bàn và đối tượng là không khả thi, không hiệu quả. Những ý kiến từ Hội thảo sẽ là cơ sở bước đầu để gợi mở cho Bộ Tư pháp triển khai có hiệu quả đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” nói chung và nghiên cứu, xây dựng khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL nói riêng trong thời gian tới.

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc “hộ quốc, an dân”; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Trong những năm qua, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tiếp nối dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Giáo hội đã luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc, hết lòng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các quý vị chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, tập trung chỉ đạo Giáo hội tiếp tục vận động tăng ni, phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tiếp tục là tổ chức tôn giáo đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, qua đó khẳng định tinh thần hội nhập của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam.

3. Từ ngày 01/12, Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới; ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh… là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Việt Nam chính thức có Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (gọi tắt là Danh mục 2022), có hiệu lực từ 1/12/2022.

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh

Theo Thông tư 14/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 thì các hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ nhận 500.000 đồng hoặc được trang bị điện thoại thông minh, nhằm phổ cập smartphone ở Việt Nam.

Viên chức địa chính, thể dục, thể thao được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.

Tương tự, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao, không còn yêu cầu viên chức phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc tương ứng, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Thay vào đó, viên chức ngành thể dục, thể thao phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Đọc thêm