Bản tin trưa 3/11: Hai phương án quy định quyền, nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

(PLVN) - Phê duyệt gần 3.900 tỷ đồng xóa điểm nghẽn đường thủy phía Nam; Bộ GTVT kiến nghị cho phép mở rộng thu phí không dừng tại sân bay; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Hai phương án quy định quyền, nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Hôm nay, 3/11, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.

Phương án 1 tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Phương án 2 giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến QH về nội dung này.

2. Phê duyệt gần 3.900 tỷ đồng xóa điểm nghẽn đường thủy phía Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông-Tây kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Thời gian thực hiện 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027).

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy (chủ đầu tư dự án) có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ cự án theo đúng quy định; khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn cho dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án./.

3. Bộ GTVT kiến nghị cho phép mở rộng thu phí không dừng tại sân bay

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí cảng hàng không, sân bay.

Đánh giá dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông khi có hơn 90% số phương tiện đã dán thẻ, mở tài khoản, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ thu phí, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã thử nghiệm thành công và sẵn sàng đưa hệ thống thu phí không dừng tại sân bay đi vào hoạt động.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí sân bay trên nền tảng hệ thống thu phí đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện ngay theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị cho phép bộ rà soát Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc thay thế, tiến tới mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới như thu phí cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm.

4. Khó di dời dân, cải tạo chung cư cũ chuyển động chậm

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thời gian qua đã được quan tâm đặc biệt nhằm bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tiến độ kiểm định, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang rất chậm, chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương, cả nước có 366 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại; trong đó, mới chỉ có khoảng 42 chung cư đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại, chiếm 11% và 69 chung cư đang thực hiện cải tạo, xây dựng lại, tương đương 19%. Đặc biệt, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh chưa đạt kết quả đề ra.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, dẫn đến các địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này nên việc đưa danh mục các nhà chung cư thuộc diện phá dỡ, xây dựng lại giai đoạn 2015 - 2020 chưa đáp ứng yêu cầu.

Sau 2 năm triển khai, Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư cũ trên địa bàn. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ vốn rất chậm chạp thời gian vừa qua. Có những nơi đã hoàn thành di dời các hộ dân, nhưng có những nơi vẫn còn một số hộ dân vẫn bám trụ ở lại, bất chấp nguy hiểm.

Từ thực tế này, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn và lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đưa vào kế hoạch thực hiện của địa phương, làm cơ sở để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Cùng đó, các địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án

Đọc thêm