1. Chủ tịch Quốc hội lên đường tham dự AIPA-44, thăm Indonesia và Iran
Sáng 4/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4-10/8.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và hai nước trên tất cả các lĩnh vực, các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân, tăng cường tin cậy với các nước đối tác, bạn bè truyền thống; xây dựng và củng cố quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với lãnh đạo cấp cao hai nước.
Chuyến thăm khẳng định sự coi trọng của Việt Nam ưu tiên phát triển và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, Trung Đông, nhằm mở ra các cơ hội mới về hợp tác kinh tế-thương mại, đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn quốc tế
2. Khai mạc Lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh
Sáng 4/8, tại Cột cờ Thủ Ngữ, Quận 1, Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP Hồ Chí Minh.
Lễ hội do UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức. Lễ hội gồm các chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật - thể thao đặc sắc diễn ra bên dòng sông, kết hợp với những hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu du lịch, hàng không, thương mại...
Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4 - 6/8 tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, Công viên bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông, khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Dịp này, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh công bố sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch có gói kích cầu quy mô lớn nhất với sự hợp tác, phối hợp của 4 đơn vị chủ lực. Trong đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh công bố 150 chương trình tour, gói, sản phẩm khuyến mãi của hơn 100 doanh nghiệp với nhiều quà tặng và các dịch vụ đi kèm ưu đãi cho khách du lịch khi đến trải nghiệm, tham quan du lịch trong dịp tổ chức Lễ hội Sông nước lần thứ nhất; Sở Công Thương công bố hàng trăm sản phẩm kích cầu mua sắm với giá ưu đãi nhất từ trước đến nay tại các trung tâm thương mại; Sở Văn hóa Thể thao công bố gần 50 chương trình nghệ thuật giảm giá vé và tặng các dịch vụ đi kèm; các hãng hàng không lớn tung các gói siêu khuyến mãi đến TP Hồ Chí Minh.
3. Xử lý nghiêm hành vi ngăn cản cắm mốc giới quản lý khoáng sản
Liên quan đến một số người dân tụ tập sử dụng cuốc, xẻng, phản đối, ngăn cản cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cắm mốc giới để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ mới đây đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố Việt Trì xác minh, làm rõ dấu hiệu gây mất an ninh trật tự có tổ chức trong sự việc này; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/8.
Trước đó, khoảng 40 người dân ở khu Đoàn Kết, khu Thành Công, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, đã tập trung mang cuốc, xẻng, khẩu hiệu kéo ra vây xung quanh đoàn làm việc của các cơ quan chức năng liên quan, ngăn cản không cho đoàn thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác mỏ cát lòng sông Hồng, thuộc địa bàn xã Minh Nông, thành phố Việt Trì
Tỉnh Phú Thọ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì, Công an thành phố Việt Trì, Ủy ban Nhân dân phường Minh Nông tiếp tục triển khai thực hiện cắm mốc giới để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác mỏ cát lòng sông Hồng hoàn thành trước ngày 30/8.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phú Thọ cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường Minh Nông và các đoàn thể tại địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân không được ngăn cản việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cắm mốc giới để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật.
4. Đảm bảo dự phòng nhiệt điện dầu, sẵn sàng huy động khi cần thiết
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong tháng 8/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 825,8 triệu kWh/ngày, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022, song tình hình cung cấp điện trong tháng 8 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.
Về vận hành hệ thống điện, theo EVN, đối với thủy điện, đã bước vào mùa lũ chính vụ nên cần dự báo, theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về các hồ thủy điện để có chiến lược khai thác linh hoạt theo ngày.
Đối với nhiệt điện than, tuabin khí, tập đoàn sẽ huy động phù hợp với tình hình nước về các hồ thủy điện trong mùa lũ chính vụ, tránh xả thừa, nhưng sẵn sàng các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí để huy động cao trong trường hợp cần thiết để tích nước sớm. Đảm bảo dự phòng nhiệt điện dầu để sẵn sàng huy động trong trường hợp cần thiết.
Nhằm đảm bảo cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các Tổng Công ty, Công ty Điện lực tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.
5. Lâm Đồng: Hiểm họa sạt lở vẫn rình rập trong mùa cao điểm mưa lũ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; 94 hộ đã được di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, 150 hộ cần tiếp tục di dời khi có mưa lớn xảy ra.
Trong số đó, riêng thành phố Đà Lạt có 60 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở, huyện Đam Rông có 33 vị trí, huyện Đạ Huoai có 22 vị trí, Di Linh có 21 vị trí. Các địa phương đang tiếp tục tổ chức rà soát các vị trí đã bị sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết di dời người dân ở những vị trí có nguy cơ cao trong cao điểm mùa mưa lũ.
Thống kê 7 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở đất gây hậu quả nặng nề, làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương.
Thiên tai cũng khiến hơn 200 căn nhà bị hư hỏng, gần 200 ha cây trồng bị thiệt hại, nhiều cầu dân sinh, công trình thủy lợi, đường giao thông bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý là liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, bờ taluy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản như các vụ sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong tháng 6, sạt lở tại đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20) vào ngày 30/7 mới đây.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất trong mùa mưa bão; kiểm tra, di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức đánh giá mức độ nghiêm trọng và triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả nhanh chóng khi sự cố xảy ra