1. Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7
Sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội.
Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương.
Trong tháng 7 tháng của năm, chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát của năm 2023 với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Trong tháng 8, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới; từ đó đưa ra các giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong thời gian tới; đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Phiên họp để hoàn thiện, tổ chức thực hiện.
2. Tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất khu vực Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.
Công điện gửi: Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 và số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 và văn bản số 302/TB-VPCP ngày 2/8/2023, trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành khác có liên quan tiếp tục theo dõi, chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Cảnh báo người dân không tự ý thả rông động vật hoang dã đang nuôi nhốt
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh Trần Thị Ngân Hà: Hiện nay, ở địa phương có tình trạng người dân tự ý thả các loài động vật hoang dã vào môi trường tự nhiên, nhiều nhất là khỉ. Do không phù hợp với điều kiện, môi trường sống, rất nhiều con khỉ đã tràn ra khu dân cư quậy phá, thậm chí tấn công nhiều người dân gây thương tích.
Trước đó, nhiều hộ dân tại khu vực thị xã Hòa Thành bức xúc, phản ánh nhiều khỉ tràn ra khu dân cư tìm thức ăn, quậy phá, tấn công khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Nhận được phản ánh, lực lượng kiểm lâm đã xác định đó là khỉ mà người dân tự ý thả vào rừng tự nhiên ở trong và ngoài khu vực Nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Do số lượng ngày đông đúc, khỉ không tái hòa nhập được môi trường, hung dữ, nên chúng đã tấn công người dân. Lực lượng kiểm lâm đã bắn súng có mũi tiêm thuốc mê và bắt được 15 con khỉ hung dữ. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thị xã Trảng Bàng cũng cử 8 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường bắt 1 con trăn gấm, nặng 50 kg, dài khoảng 3m thuộc thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; bàn giao cho lực lượng kiểm lâm chăm sóc, xử lý theo quy định.
Tất cả động vật hoang dã sau khi được Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh tiếp nhận, bắt về sẽ được chăm sóc tại Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đến khi đảm bảo sức khỏe sẽ được hoàn tất thủ tục, liên hệ các chủ rừng để thả trở lại về môi trường tự nhiên phù hợp với đặc tính, phân bố của từng loài, cũng như điều kiện sống của động vật hoang dã.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh Trần Thị Ngân Hà khuyến cáo người dân khi có nhu cầu gây nuôi động vật hoang dã phải báo cáo với cơ quan kiểm lâm gần nhất hoặc chính quyền địa phương theo đúng quy định. Đặc biệt muốn thả động vật hoang dã đang nuôi thì cần bàn giao lại cho cơ quan chức năng để thả về môi trường tự nhiên một cách khoa học, bài bản, đúng với môi trường sống của từng loài cụ thể.
4. Bắc Giang kêu gọi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, từ nay đến năm 2025 tỉnh tiếp tục kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn. Trong đó tập trung vào hệ thống logistics, các khu dịch vụ thương mại tổng hợp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Bắc Giang và trung tâm các huyện.
Ngoài ra, Bắc Giang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như chợ đầu mối, nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản một cách bền vững.
Thời gian tới, Bắc Giang khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), các tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hóa và dịch vụ có lợi thế của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã về nghiên cứu thị trường; phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản; tham gia hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền, các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh trên các phương tiện truyền thông…
Dự kiến đến năm 2025, thành phố Bắc Giang thu hút đầu tư xây dựng từ 5 đến 8 dự án trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm văn hóa, hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, chợ đầu mối.
5. Vĩnh Long tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, trong 7 tháng năm 2023, tỉnh phát triển mới được 249 doanh nghiệp, đạt 55% kế hoạch năm, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.222 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.089 tỷ đồng và 13,5 triệu USD; 2 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm 133,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tổng số dự án được cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 2 dự án, số vốn đăng ký tăng tương đương hơn 2.355 tỷ đồng và 13,5 triệu USD.
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, khoản vay đối với doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.