Bản tin trưa 8/10: Thêm phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ hai ở Thủ đô

(PLVN) - Lộ trình tắt sóng 2G cần phù hợp cho người đang sử dụng; Chuyển đổi số - chìa khóa để nghệ thuật sân khấu tồn tại, phát triển; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Thêm phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ hai ở Thủ đô

Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội bổ sung phương án sân bay thứ hai của thành phố ở phía Bắc trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc 5 xã của hai huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa. Thông tin được nêu tại hội nghị tham vấn định hướng Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cuối tuần qua.

Cụ thể, vị trí đề xuất xây sân bay thứ hai nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa (được gọi là phương án 2A). Khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích khoảng 1.700 ha.

Vị trí theo phương án này đều nằm trên trục không gian phía Nam, giúp kết nối đô thị trung tâm; liên kết đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, nếu xây ở địa điểm trên cần nâng đường trục kinh tế phía Nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối sân bay thứ hai và bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay với đoạn đường khoảng 32 km. Bên cạnh đó, việc làm sân bay có thể gây ảnh hưởng tiếng ồn đến quần thể Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hương Sơn.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn đề nghị trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô cần xác định cụ thể chính xác vị trí xây dựng sân bay thứ hai. Ông Sơn cho rằng chắc chắn sẽ có những ý kiến khác, thậm chí không đồng thuận việc quy hoạch sân bay nhưng phải kiên quyết vì đây là chủ trương đã được Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải nhất trí.

Theo kế hoạch, đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được báo cáo Chính phủ vào tháng 12 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ hợp giữa năm 2024.

2. Lộ trình tắt sóng 2G cần phù hợp cho người đang sử dụng

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G vào tháng 9/2024 khi giấy phép hết hạn. Việc xem xét gia hạn giấy phép này đang được Bộ TTTT tính toán với chủ trương người dân sẽ dùng công nghệ 4G và tiến tới 5G.

Thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người dân vẫn dùng điện thoại công nghệ 2G. Do đó, trước thông tin dừng công nghệ 2G, nhiều người đang có những ý kiến khác nhau. Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2023, Việt Nam có hơn 20,7 triệu thuê bao 2G trên mạng di động. Tuy nhiên trong số này, có khoảng 35% số thuê bao có smartphone.

Như vậy, Việt Nam vẫn có hơn 13,4 triệu thuê bao dùng thuần công nghệ 2G. Số này đa phần là những người già, trẻ em. Tình trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý và nhà mạng có lộ trình cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dùng.

Hiện nay, các doanh nghiệp hiện đang xây dựng Kế hoạch dừng công nghệ của mình và báo cáo Bộ TTTT để theo dõi, giám sát việc thực hiện cũng như điều chỉnh các chính sách phù hợp để đảm bảo lợi ích của người sử dụng, quyền lợi của doanh nghiệp cũng như mục tiêu triển khai công nghệ mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Tại họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, đến tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép cấp cho mạng cộng nghệ 2G nên Bộ TTTT sẽ triển khai quy hoạch lại tần số này. Đồng thời Bộ TTTT sẽ thanh tra, kiểm tra việc mua bán, lưu thông các máy điện thoại công nghệ 2G và hướng đến tháng 9/2024 sẽ không còn máy 2G bán trên thị trường.

Theo các chuyên gia, việc tắt sóng 2G cần có có lộ trình hợp lý, nhất là việc vận động chuyển đổi từ dùng máy di động công nghệ 2G sang máy 4G để không ảnh hưởng tới người dùng.

3. Chuyển đổi số - chìa khóa để nghệ thuật sân khấu tồn tại, phát triển

Cũng liên quan tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thời gian gần đây, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đều tăng cường xây dựng, phát triển các trang fanpage Facebook, Tik Tok hoặc trên các nền tảng công nghệ số khác nhau của nhà hát để thông báo lịch diễn, chương trình cho khán giả đến xem tại rạp. Một số nhà hát còn phát trực tiếp những trích đoạn vở diễn lên mạng xã hội để phục vụ người mộ điệu ở xa.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nhà hát. Công nghệ sẽ giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sỹ với khán giả. Do đó, cần tận dụng công nghệ để nhiều người biết đến sân khấu kịch Việt Nam hơn.

Tương tự, Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên livestream trên trang fanpage của Nhà hát để giới thiệu các vở kịch sắp diễn, các chương trình ưu đãi khi khán giả mua vé; fanpage của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường xuyên đăng tải các thông tin về những chương trình xiếc mới, các tiết mục biểu diễn xiếc đặc sắc của các nghệ sỹ, những chương trình biểu diễn, giao lưu của các nghệ sỹ với khán giả.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn hạn chế, phân bố còn nhỏ lẻ; các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay đưa lên mới chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự hấp dẫn để có thể tạo ra thu nhập. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, trước hết cần có các phương tiện, công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiến thức, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Các nhà hát, nghệ sỹ cần cân nhắc tới việc thay đổi chất lượng chương trình sao cho phù hợp với nền tảng số

4. Sẽ hoàn thành cải tạo 4 ga đường sắt phía Bắc trong tháng Mười

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đường sắt, bốn Ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Lạng Sơn thuộc Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.

Các ga Gia Lâm, ga Cẩm Giàng, ga Hải Dương, ga Lạng Sơn phần lớn đã hoàn thành thi công, còn một số hạng mục đang được hoàn thành, tu sửa. Hai ga còn lại là Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Xuân Giao (Lào Cai) vẫn đang phải chờ mặt bằng để hoàn tất một số hạng mục.

Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2022 tiến hành cải tạo, nâng cấp 3 ga hành khách Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương tuyến Hà Nội-Hải Phòng; 4 ga hàng hóa Ga Vật Cách, Cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm-Hải Phòng); Ga Đồng Đăng và Ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội-Đồng Đăng); Ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên-Lào Cai).

Dự án có tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025./

5. Dồn dập 7 trận động đất ở Afghanistan, hàng trăm người chết

Sau đây là thông tin quốc tế. Liên quan đến các vụ động đất tại Afghanistan, Bản đồ đăng trên website của cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy có 7 trận động đất tại miền tây quốc gia này, trận mạnh nhất có cường độ lên đến 6.3 độ Richter.

The Guardian dẫn lời một quan chức Taliban cho biết, Số người tử nạn đang ở mức khổng lồ và nhiều người vẫn còn bị chôn vùi bên dưới những đống đổ nát.

Nhiều người dân cho biết đã có hàng chục ngôi làng bị san phẳng, hàng trăm người đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát, đường sá bị hư hỏng nặng nề.

Tỉnh trưởng tỉnh Herat Noor Ahmad Islamjar cho biết con số thương vong cao ở huyện Zindah Jan vì hơn 10 ngôi làng chỉ còn lại đống gạch vụn.

Đọc thêm