Bản tin trưa 9/11: Bộ Y tế cảnh báo mầm bệnh Đậu mùa Khỉ đã xâm nhập trong cộng đồng

(PLVN) - Lần đầu tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Tây Nguyên; Công an khuyến cáo bẫy lừa tích hợp thông tin sổ đỏ vào VNeID; và một số thông tin đáng chú ý khác. 

1. Bộ Y tế cảnh báo mầm bệnh Đậu mùa Khỉ đã xâm nhập trong cộng đồng

Bộ Y tế cho biết từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các ca nhiễm Đậu mùa Khỉ (Mpox), trong đó có khoảng 63% là những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV. Tuổi trung bình của các bệnh nhân là 32 (18-49), hầu hết là nam (92,9%); khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Bộ Y tế nhận định đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động giám sát dịch bệnh Đậu mùa Khỉ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, nguồn lây bệnh Đậu mùa Khỉ.

2. Lần đầu tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Tây Nguyên

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Với chủ đề "Đại ngàn Tây Nguyên-Tinh hoa hội tụ," Ngày hội có sự tham gia của 5 địa phương gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai.

Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, qua đó khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Ban Tổ chức Ngày hội cũng sẽ tổ chức các tour, tuyến du lịch tham quan nhằm quảng bá, giới thiệu về các hoạt động của Ngày hội và vẻ đẹp, tiềm năng của vùng đất, con người vùng Tây Nguyên nói chung và vùng đất Kon Tum nói riêng.

Theo Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm

3. Công an khuyến cáo bẫy lừa tích hợp thông tin sổ đỏ vào VNeID

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội ghi nhận nhiều công dân mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn cước công dân… đến trụ sở để làm thủ tục khai báo, tích hợp thông tin vào ứng dụng VNelD sau khi nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu từ số máy lạ.

Theo đó, các đối tượng đã mạo danh cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua điện thoại và mạng xã hội để liên hệ với công dân yêu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản của công dân.

Trước tình hình trên trên, cơ quan chức năng khẳng định các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung yêu cầu công dân thực hiện các thủ tục để cập nhật thông tin căn cước công dân, chuyển đổi số, tích hợp thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ứng dụng VNelD là không chính xác. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội chưa có chủ trương yêu cầu công dân thực hiện việc tích hợp thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ứng dụng VNelD.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đề nghị người dân, tổ chức cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở Tài nguyên và Môi trường để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, đóng các khoản phí, lệ phí không xác định phục vụ Chuyển đổi Số và cấp Giấy chứng nhận. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

4. Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu

Lưu vực sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam với tiềm năng nông nghiệp lớn.

Hiện nay, lưu vực sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mekong…

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký Quyết định số 2729/QĐ-BTNMT Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định có nội dung yêu cầu rà soát, đánh giá việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành trong quá trình triển khai thực hiện trên lưu vực sông Cửu Long để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ nguồn nước.

Kế hoạch cũng đề ra danh mục 17 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

5. Bắt nhiều đối tượng trong đường dây làm giấy tờ giả xuyên quốc gia

Ngày 9/11, Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố 23 bị can về tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong đường dây sản xuất giấy tờ giả với thủ đoạn tinh vi, hoạt động một thời gian dài trên không gian mạng.

Trong 23 bị can, có một bị can có vai trò chạy quảng cáo; hai bị can có vai trò cung cấp máy in, phôi giấy tờ giả; 8 bị can có vai trò trực tiếp sản xuất; 11 bị can vai trò môi giới sản xuất; một bị can sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Quá trình đấu tranh Chuyên án Cơ quan điều tra đã tạm giữ 23 xe ô tô, 40 điện thoại di động, 10 máy tính, 10 máy in các loại, ba máy in thẻ nhựa, ba máy ép nhiệt plastic, ba máy dập dấu, một máy photo, 239 triệu đồng và hàng trăm con dấu giả, phôi, bằng lái xe, căn cước công dân, giấy đăng ký xe đã làm giả… cùng nhiều nguyên liệu để phục vụ làm giả giấy tờ khác…

Sử dụng tài liệu, con dấu giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, công bằng xã hội, để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Đọc thêm