Ý thức kém, không tuân thủ pháp luật
Cách đây không lâu, một cuộc khẩu chiến dai dẳng đã nổ ra giữa một “hot Facebooker” và một cư dân trong một khu dân cư cao cấp tại TP HCM. Nữ hot Facebooker tên M. đã lên mạng tố cáo sự việc đang dẫn chú chó, là thú cưng của mình đi dạo trong khu dân cư sau đó bị hai nam thanh niên đến chửi mắng, hành hung khiến chị bị thương. Tuy nhiên, nam thanh niên, nhân vật chính trong câu chuyện cũng đăng đàn chia sẻ sự việc, cho thấy cô gái tên M. đã dẫn chó lớn đi dạo trong khu dân cư, ở khu vực cấm đem vật nuôi vào, đồng thời không rọ mõm vật nuôi. Chó của cô gái này cũng có dấu hiệu tấn công người nên anh này mới tự vệ.
Chưa biết sự thật đằng sau câu chuyện là gì, bởi bên nào cũng trưng ra rất nhiều bằng chứng chứng minh mình đúng, tuy nhiên, dư luận cho rằng, mâu thuẫn đều xuất phát từ việc người nuôi chó dắt chó đi dạo mà không rọ mõm, không tuân thủ quy định của pháp luật.
Cũng cách đây ít lâu, một clip xuất hiện trên mạng xã hội cũng gây ra cuộc tranh luận về đúng sai. Một nam thanh niên đang ngồi trên băng ghế đá công viên thì chú chó của người ngồi băng ghế đá bên cạnh liên tục chạy sang hít ngửi, cào vào chân người thanh niên. Thanh niên nói trên đã xua đuổi, sau đó hất chú chó ra xa. Hành vi này khiến chủ chó tức giận, sang gây gổ với người thanh niên nói trên, buông lời xúc phạm, cho rằng thanh niên này không biết yêu quý động vật, có hành vi hành hung chó cưng của người khác.
Ảnh cắt ra từ clip quay cảnh người đàn ông hành hung người khác chỉ vì chó của mình bị xua đuổi. (Ảnh cắt từ clip) |
Một câu chuyện đáng phẫn nộ hơn mới diễn ra, được biết đến thông qua một clip lan truyền trên mạng. Trong clip, một người đàn ông đưa chó đi trong hành lang chung cư, chú chó không rọ mõm liên tục xông đến gần một cậu bé khoảng 6 tuổi khiến bé trai hoảng sợ bỏ chạy. Thấy thế, cha cậu bé đã dùng chân đá chú chó ra xa. Người đàn ông chủ chó đã xông đến đấm gục cha cậu bé trước sự hoảng sợ của bé trai.
Hành động này đã gây nên sự phẫn nộ của đông đảo người dân. Đó không chỉ là sự bức xúc trước hành vi bạo lực, hành hung người khác trước mắt trẻ con mà câu chuyện còn có xuất phát điểm từ việc nuôi thú thiếu ý thức, đưa thú nuôi đi dạo trong hành lang chung cư (nơi công cộng) mà không rọ mõm, không tuân thủ quy định của pháp luật.
Có thể thấy, không ít người nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác bày tỏ tình yêu thương rất nhiều đối với vật nuôi của mình. Họ đem đến cho vật nuôi sự chăm sóc tốt, cung cấp cho vật nuôi những dịch vụ cao cấp, gọi chúng bằng những cái tên mỹ miều hay bằng xưng hô “cha mẹ - con cái”. Thế nhưng, một bộ phận trong số họ, trong khi yêu thương thú cưng của mình lại cũng rất thiếu ý thức, thiếu đi sự tôn trọng đối với những người chung quanh. Nhiều người nuôi chó mèo không rọ mõm, thả rông người đường, đi khắp xóm nhưng khi bị phản ứng thì giải thích thản nhiên “nó dễ thương lắm, không cắn đâu”. Nhan nhản những trường hợp vật nuôi đi lang thang trong khu dân cư, phóng uế bừa bãi, cào bới rác, kêu gào gây mất vệ sinh, ồn ào, giảm sút chất lượng sống của những người chung quanh nhưng chủ nuôi vẫn “phớt lờ” những bức xúc của cư dân.
Không ít bạn trẻ, mặc dù nhiều nhà xe, đơn vị lưu trú có quy định cấm không cho mang vật nuôi đến nhưng vẫn lén lút vi phạm quy định, còn đăng tải lên mạng một cách thích thú vì đã “vượt rào” thành công. Nhiều trường hợp, chung cư có quy định cấm nuôi chó mèo, nhưng cư dân lét lút nuôi trong nhà, gây phiền hà cho những người chung quanh.
Cạnh đó, không ít người nhân danh yêu động vật nhưng rất hung hăng với con người. Họ tôn sùng thú nuôi, đề cao vai trò cũng như vị trí của vật nuôi, nhưng sẵn sàng công kích, xúc phạm, chửi bới, hành hung những người không thích, không yêu thương vật nuôi, có quan điểm trái chiều với mình.
Yêu thương đúng cách
hiều vật nuôi khi bị bệnh bị chủ nuôi vứt ra đường, gây thêm gánh nặng cho xã hội. (Ảnh: Trạm cứu hộ động vật) |
Không ít người, nuôi thú cưng nhưng không tuân thủ quy định về việc nuôi dưỡng động vật, không đáp ứng các yêu cầu về không gian sống, chăm sóc sức khỏe và an toàn cho thú cũng, gây nguy hiểm cho sức khỏe và phúc lợi của thú nuôi.
Bên cạnh đó, nhiều người nuôi động vật, nhân danh yêu động vật nhưng lại nuôi và yêu thương một cách rất “bản năng”, thiếu kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng động vật. Họ không hiểu rõ về nhu cầu cơ bản của động vật, như dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, và môi trường sống, không biết cách cung cấp cho động vật những điều kiện sống tốt nhất và không nhận ra rằng việc nuôi dưỡng một con vật cần sự cam kết và trách nhiệm dài hạn.
Thêm vào đó, có một số người sử dụng việc nuôi dưỡng động vật làm phương tiện để thu hút sự chú ý hoặc kiếm lợi. Họ có thể mua động vật mà không có ý định chăm sóc lâu dài hoặc không đáp ứng nhu cầu cơ bản của chúng. Khi động vật trở nên khó khăn trong việc chăm sóc hoặc không còn hấp dẫn như mong đợi, họ có thể bỏ rơi hoặc bán bất hợp pháp.
Vì thế, đã xảy ra nhiều trường hợp khi nuôi dưỡng thú cưng thì nâng niu, chăm sóc, chiều chuộng, nhưng đến khi vật nuôi bệnh tật, xấu xí, chủ nuôi sẵn sàng quẳng ra đường, khiến vật nuôi trở thành thú hoang lang lang, gây nguy hiểm trong cư dân.
Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ 1/1/2020) yêu cầu “chủ nuôi chó, mèo phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y”. Tuy nhiên, chuyện người nuôi thú cưng thiếu ý thức, không tuân thủ quy định của pháp luật diễn ra rất phổ biến, khiến nhiều người chung quanh phải “chịu trận” vì tình yêu thương ấy.
Anh Lê Minh Bảo, nhóm trưởng nhóm cứu hộ động vật Phi Nguyên ở TP HCM chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện việc cứu hộ động vật, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện đáng buồn về ý thức của người nuôi thú. Có những người săn sàng chi hàng chục, vài chục triệu để mua về một chú chó, chú mèo, bỏ ra hàng triệu đồng mua sắm quần áo, phụ kiện chó mèo, nhưng không trang bị nổi một chiếc rọ mõm cho chó mèo nhà mình.
Họ chăm chút vẻ ngoài cho thú cưng mình, ăn diện cho chúng không khác gì con người, nhưng lại “bỏ quên” những điều cần thiết như tiêm ngừa dại định kì... Trang bị cho thú cưng thật xinh đẹp, họ cũng thường xuyên đưa chúng đến những nơi công cộng như khi công viên, quán cà phê để “khoe khoang” vật nuôi của mình, thả rông cho chúng chạy lung tung khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người từ người lớn đến trẻ em vì nghĩ vật nuôi của mình là vô hại, và ai cũng phải trầm trồ, phải yêu thương vật nuôi của mình. Nhưng cũng nhiều trong số những người ấy, khi vật nuôi bị tai nạn, thương tật, họ không buồn chữa trị, chăm nom mà tìm cách vứt thẳng ra đường, không thương xót đến số phận vật nuôi, tạo thêm những gánh nặng cho xã hội”.
Nuôi thú cưng là niềm vui, là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, không phải ai cũng có trách nhiệm yêu thương, chiều chuộng vật nuôi như mình. Đôi khi, sở thích, thú vui của người này nhưng một khi không đi kèm với ý thích, lại trở thành sự phiền toái, khổ sở, bức xúc cho những người chung quanh.
Hơn thế nữa, việc nuôi vật nuôi không chỉ đòi hỏi ở người nuôi ý thức trách nhiệm xã hội, mà trên hết là tinh thần tuân thủ pháp luật. Đây là điều kiện cơ bản, tối cần thiết của mỗi một người khi bắt đầu hành trình nuôi vật nuôi của mình. Thiếu đi ý thức và sự tuân thủ pháp luật, mọi yêu thương đều chỉ là hình thức, và mọi điều nhân danh cũng chẳng qua chỉ che lấp sự ích kỉ, thiếu văn minh của bản thân mà thôi.