Có những vụ trọng án giết người mà hàng chục năm qua, các cán bộ Công an TP. Đà Nẵng vẫn nhắc lại để cảnh giác về sự hung ác của lòng người, để rút kinh nghiệm trong quá trình tấn công với tội phạm. Vụ án giết người, đem bỏ vào bao bố rồi dìm dưới chân cầu Đò Xu (còn gọi cầu Lại Thị Sự, gần siêu thị Metro, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là 1 vụ như thế.
Để phá vụ án tình vốn không chút manh mối này, ngoài sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng điều tra, còn có cả những “ngón nghề” vô tiền khoáng hậu, góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ vụ án của đội kỹ thuật hình sự.
Câu cá câu phải xác chết
Chiều muộn một ngày hè năm 1987, những người dân đánh bắt cá trên dòng sông Cổ Cò (quận Cẩm Lệ) cảm nhận được 1 mùi hôi thối xông lên mũi nồng nặc. Xung quanh khu vực này khi đó vốn ken đặt ruộng vườn, ao muống nên mọi người chắc mẩm có ai đó thiếu ý thức vứt xác con vật chết.
Tuy nhiên, khi thả lưới dưới chân cầu Đò Xu (bắc qua sông Cổ Cò), người dân vớt được một bao bố đang nổi dập dềnh. Nhận định mùi khác lạ, mọi người chột dạ phỏng đoán có xác người bên trong. Run rẩy lần mở miệng bao, ai nấy đều khiếp đảm khi nhìn thấy một thi thể đang thối rữa.
Sự việc được cấp báo cho cơ quan chức năng Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời điểm trên chưa tách tỉnh như hiện nay). Tiếp cận hiện trường, nạn nhân được xác định là nữ, khoảng trên 50 tuổi, bị giết bỏ vào bao bố, rồi cột một khối đá to cùng bê-tông dìm xác xuống đáy sâu. Thi thể đang ở giai đoạn phân hủy mạnh, một số phần mềm đã mủn ra, trên người không có giấy tờ tùy thân…
Thông tin có xác người chết bị dìm dưới chân cầu nhanh chóng lan truyền, người hiếu kỳ kéo đi xem chật cứng cả một khu vực. Bên cạnh sự bất bình về tính chất dã man của vụ án, người dân còn tự “lý giải” về hiện tượng xác chết “có sức mạnh kỳ lạ đã tự kéo khối bê tông nặng cả tạ nổi lên mặt nước”. Phải chăng chiếc bao bố biết níu vào chân cầu báo án?
Qua đánh giá của lực lượng phá án, đây là một vụ “án mờ” bởi cả Đội kỹ thuật Hình sự (tiền thân của Phòng Kỹ thuật Hình sự- PC 54 ngày nay) vào cuộc nhưng không khám phá được chi tiết nào. Trong khi đó, mỗi ngày trôi qua, những thông tin đậm chất liêu trai lan rộng đi khắp nơi khiến tình hình an ninh trật tự địa phương rất phức tạp.
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng (nguyên Đội trưởng Đội săn bắt cướp thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự thành phố, nay đã nghỉ hưu), người trực tiếp tham gia phá án kể lại, khi đó, nhiều đơn vị liên quan quyết tâm phải đưa cho được vụ án ra trước ánh sáng trong thời gian sớm.
Đặc biệt, Đội Kỹ thuật Hình sự không có sự hỗ trợ từ kỹ thuật công nghệ cao, nhưng bằng “ngón nghề” “vô tiền khoáng hậu” đua với thời gian, “soi” từng thớ thịt với hy vọng tìm cho bằng được một “manh mối”, một chi tiết dù là nhỏ nhất trên thi thể đang rửa nát để tìm ra chìa khóa phá án.
Quả thực, trời không phụ lòng người, một chi tiết vô cùng đắt giá phát hiện được đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc xác định nạn nhân cũng như thủ phạm: phía trong bao bố có một hạt lúa đã lên mầm.
Từ chi tiết này, đôi phá án phác họa sơ bộ, nạn nhân có thể là người buôn bán lúa gạo hoặc chí ít cũng liên quan đến những người buôn bán lúa gạo. Các trinh sát theo hướng điều tra trên đã phát hiện, có một bà tên Lại Thị Sự (53 tuổi, ngụ quận Hải Châu), người buôn bán lúa gạo rất giàu có đã đi đâu nhiều ngày nay không rõ.
Có cơ sở, sau khi tìm hiểu, phân tích thêm các đặc điểm, Cơ quan điều tra đã đi đến kết luận nạn nhân chính là bà Lại Thị Sự.
Nút thắt quan trọng đầu tiên đã được mở, nhưng không vì thế mà việc xác định hung thủ dễ dàng bởi quan hệ của bà Sự rất rộng, rất nhiều mối quan hệ làm ăn, hàng ngày có hàng trăm người đến mua hàng hóa... Song, từ việc giàu có của bà Sự, Cơ quan điều tra đưa nghi vấn, đây có thể là vụ án giết người cướp của, hung thủ vì bị nạn nhân phát hiện mà giết chết để phi tang, che giấu tội ác…
Những nghi vấn liên tục thất bại
Thời điểm lúc bấy giờ, vụ án giết người có tính chất man rợ như trên có thể nói còn rất ít nên rất được dư luận chú ý. Mỗi ngày trôi qua như cả một gánh nặng đối với các điều tra viên. Hàng trăm đối tượng Hình sự nổi thuộc tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng lần được được triệu tập trong một thời gian dài để sàng lọc nhưng vẫn chưa có một chút manh mối.
Tiếp tục xác minh, cuối cùng nổi lên một điểm nghi vấn. Bà Sự có một người lái xe tên Nguyễn Văn Chương (47 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) thường hay giúp bà Sự chở hàng cho những đối tác khi có nhu cầu.
Ngay lập tức, ông Chương được mời lên Cơ quan điều tra để đấu tranh. Sau nhiều lần làm việc, kết quả cho thấy, ông Chương có chứng cứ ngoại phạm, không liên can đến cái chết của bà Sự. Quay ngược xem xét lại tài sản của bà Sự, được biết bà chủ này không mất mát gì tài sản gì. Hướng điều tra đầu tiên giết người cướp tài sản bị loại trừ.
Sự việc càng diễn biến phức tạp buộc cơ quan điều tra xác lập Chuyên án truy xét (không tên) với sự phối hợp của 4 đội gồm Đội Trọng án, đội Cảnh sát Hình sự, Đội kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và đội Hình sự Công an địa phương.
Lúc này, Trung úy Nguyễn Đức Hòa (nay trung tá, làm việc tại phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP. Đà Nẵng) cùng Trung úy Đặng Ngọc Tiến (nay Thượng tá, Phó phòng Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam) được chỉ đạo lên kế hoạch sàng lọc các mối quan hệ, những hiềm nghi khác xung quanh bà Sự. Tuy nhiên, ròng rã một tháng lao tâm khổ tứ, vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Giữa lúc rơi vào ngõ cụt, một trinh sát trong Ban chuyên án tình cờ tiếp nhận thông tin về nhóm đối tượng trong “băng Cột Cờ” chuyên trộm cắp có sử dụng súng K59. Đây là nhóm tập trung phần lớn những “cậu ấm cô chiêu” con nhà giàu có, cán bộ… nổi đình nổi đám thời bấy giờ với thói ăn chơi, quậy phá, đánh người không ghê tay do Huỳnh Ngọc Tâm (ngụ Hải Châu, Đà Nẵng) cầm đầu.
Cái tên nhóm xuất phát từ việc thường xuyên lấy Cột cờ Ủy ban thành phố làm nơi tụ tập. Sự gợi mở xuất phát từ việc, ông Chương có đứa con gái tên Nguyễn Thị Hằng (17 tuổi) đang cặp bồ với Lê Văn Nam (17 tuổi). Nam nằm trong “băng Cột Cờ” nên nghiễm nhiên, cô con gái ông Chương cũng kết thân với nhóm cộm cán này.
|
Trung tá Nguyễn Đức Hòa, một điều tra viên tham gia phá vụ án |
Mối tình tay 3 oan nghiệt
Bên cạnh đó, một hướng điều tra cũng được cử đi tìm hiểu về mối quan hệ giữa ông Chương, bà Sự và bà Trương Thị Hoa (45 tuổi, vợ ông Chương). Lần mở đời tư của họ mới thấy, 17 năm trước khi án mạng xảy ra, bà Hoa và ông Chương nên vợ thành chồng.
Cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, ông phải đi làm thuê quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến tận tối khuya, nhưng bù lại luôn có những tiếng cười hạnh phúc. Để có tiền lo cho cuộc sống gia đình, ông Chương bàn với vợ chắc chiu để ông đi học thêm nghề lái xe tải rồi về làm nghề chở hàng cho bà Sự.
Qua 2 năm làm tài xế, bà Hoa bắt đầu nghe chòm xóm đồn ông Chương “thậm thụt” tình cảm với bà chủ. Tuy nhiên, “không bắt tận tay”, mà con cái đã lớn nên bà Hoa cũng chỉ biết bóng gió ghen tuông. Sự “vụng trộm” của chồng được làm rõ khi một lần bà Hoa ngồi tỉ tê, “khuyên” ông Chương nên bỏ chỗ làm, “kẻo mang tiếng xấu khi đi lại với người đàn bà góa, giàu có kia”.
Khi ấy, ông Chương chửi như tát nước vào mặt, còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân bà Hoa, rồi thẳng thừng công khai mối quan hệ “ngoài luồng”. Biết chồng đang sa ngã vào vòng tay của người phụ nữ khác nhưng không làm gì được, bà đau đớn tột cùng…
Một manh mối nữa, các trinh sát nắm được chi tiết tại khoảnh đất ngay dưới máng xối (thường gọi giọt nước) nhà bà Hoa bị hõm xuống in hình khối đá tròn, giống như khối đá dùng để cột xác nạn nhân. Nhận định mấu chốt nằm ở đây nên cơ quan điều tra tập trung xoáy vào người phụ nữ này.
Bà Hoa lập tức được mời lên làm việc. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ đấu trí, không khó để các trinh sát buộc bà Hoa phải thừa nhận hành vi của mình. Bà Hoa khai, khi thấy chồng cặp bồ với bà Sự nên bà nỗi máu ghen tuông, muốn kéo chồng về lại với mình chỉ còn cách ra tay giết hại tình địch rồi và phi tang.
Động cơ gây án đã rõ, tuy nhiên theo nhận định của cơ quan điều tra, bà Hoa phải có đồng phạm bởi một mình bà không thể ra tay và phi tang xác nạn nhân một cách tàn nhẫn như thế được. Đối tượng đứng sau cùng tham gia với bà phải khá chuyên nghiệp và hết sức liều lĩnh. Lúc này, mối quan hệ của cô con gái bà Hoa cùng những người bạn của mình được lật lại. Sau nhiều ngày điều tra thêm, cơ quan điều tra có có đủ cơ sở để khẳng định Hằng, Nam, Tâm có liên quan đến vụ án.
Khép lại bản án man rợ
Khi biết bà Hoa bị công an triệu tập, Nam và Tâm nhanh chóng lên kế hoạch đối phó. Thấy phương án bỏ trốn khả thi, cả 2 chạy ngược đường để tìm cách né lực lượng truy bắt, quyết thoát cho bằng được khỏi “khu phố” 1 chiều (đường Trần Phú lúc bấy giờ) để ra bến xe, tàu.
Tuy nhiên, lực lượng truy bắt với hàng chục chiến sĩ tinh nhuệ đã nắm trước tình hình, lập tức vào cuộc. Khi Tâm lấy hành lý vừa ra khỏi nhà đã bị cơ quan điều tra chặn lại. Nam vừa đến bến xe để vào Nam lẩn trốn cũng cùng chung số phận…
Đối với con gái bà Hoa, khi đưa vào trại vẫn không chịu hé miệng. Phải bằng các biện pháp nghiệp vụ tâm lý, Hằng mới chịu nhận tội cùng với mẹ. Cô khai, khi biết ba mình chở lúa gạo cho bà Sự rồi có quan hệ tình cảm, Hằng cũng có khuyên nhủ nhưng ông Chương đều bỏ ngoài tai. Thấy mẹ buồn rầu về chuyện của ba, cô thấy thương cho mẹ. Khi ba “đang tâm” công khai tình cảm theo nhân tình, bỏ rơi gia đình, Hằng được mẹ “cầu cứu” phải ngăn chặn bà Sự để ông Chương toàn tâm toàn ý trở về với gia đình.
Một lần cô đem chuyện buồn của gia đình tâm sự với người yêu và nhóm bạn trong băng Cột Cờ, sẵn máu “coi trời bằng vung”, Nam, Tâm liền lên phương án “xử” người đàn bà “lang chạ” tên Sự để giúp bạn.
Chiều tối, lợi dụng chồng đi vắng, bà Hoa gọi bà Sự đến nhà chơi và cũng để trả tiền hàng đã mua (2 người đàn bà này tuy không bằng lòng nhưng vẫn giao dịch hàng hóa với nhau). Bà Sự không mảy may nghi ngờ đã chạy xe máy đến nhà vợ nhân tình.
Trong lúc bà Hoa đang nói chuyện với bà Sự, Nam,Tâm phục ở phía sau lấy tảng đá (sau này xác định là tảng đá buộc vào bao bố cho xác chìm dưới đáy sông) đập lên đầu, rồi lấy dây siết cổ bà Sự.
Người đàn bà trung niên này không kịp phản ứng, đành chấp nhận cái chết đau đớn trước 2 thanh niên lực lưỡng. Sau đó, các đối tượng bà Sự vào bao bố, cột dây vào tảng đá chở ra cầu Đò Xu vứt.
Khoảng cuối năm 1987, vụ án được đưa ra xét xử công khai tại phường Hòa Cường (quận Hải Châu). Những tên thủ ác đều phải trả giá cho tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, do các đối tượng đang ở tuổi vị thành niên nên chỉ nhận mức án 10 đến 15 năm.
Hiện tại, Nam, Tâm, Hằng đều đã ra tù, trở về địa phương làm một công dân chân chính. Riêng đối với phạm nhân Trương Thị Hoa, có lẽ tuổi cao, lại buồn phiền chuyện gia đình mà sinh bệnh tật đã chết khi đang thụ án tại trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế). Về phần ông Chương, người đàn ông gián tiếp gây ra cái chết cho 2 người phụ nữ, có lẽ bản án lương tâm sẽ mãi đeo bám đến ngày hôm nay…