Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần thể hiện sự tiến bộ về công khai thông tin môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để cộng đồng, xã hội và các chuyên gia có dữ liệu giám sát, phản biện với những dự án tác động lớn về môi trường.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết: Quy định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã có trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng chưa có quy định thời điểm công khai, hình thức công khai, dẫn đến chuyện tránh, né, nên dẫu có 10 năm nữa mới công khai vẫn không sai.
Theo các chuyên gia, cho đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020 trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, các nội dung về cơ quan thẩm định có trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, công khai hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được tiếp thu, bổ sung.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 thể hiện sự tiến bộ, đó là có Điều 131 quy định về công khai thông tin môi trường, trong đó có quy định công khai báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, công khai kết quả thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi luật lần này lại bỏ đi Điều 131 về công khai thông tin môi trường, tôi cho rằng đó là bước lùi so với Luật Bảo vệ môi trường 2014.