Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc đánh giá những tiến bộ của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Thụy Sĩ, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển - ông Surya Deva ngày 18/9 đã có phiên đối thoại với các nước về các hoạt động của mình trong năm vừa qua.

Ông Surya Deva tại phiên đối thoại. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ.

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Anh Hiển/ PV TTXVN tại Thụy Sĩ

Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển. Việt Nam luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng. Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Đây cũng là điều mà Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã trực tiếp chứng kiến, lắng nghe trong chuyến thăm của mình đến Việt Nam. Việt Nam cho rằng chuyến thăm đã diễn ra thành công và đánh giá cao đối thoại mang tính xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin về hiện thực hóa quyền phát triển và các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam. Việt Nam cũng đánh giá cao quan điểm tích cực của Báo cáo viên đặc biệt về những thành tựu, cam kết và tầm nhìn của Việt Nam trong việc phát triển toàn diện quốc gia, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và đảm bảo sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của người dân trong quá trình phát triển.

Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho người dân tham gia và đóng góp vào mọi quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi” là những nguyên tắc quan trọng, được thể chế hóa và hiện thực hóa thông qua nhiều khuôn khổ trong nước.

Đại sứ Mai Phan Dũng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững, bao gồm ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phát triển nền kinh tế xanh và tuần hoàn; tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu; hoàn thiện các thể chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính công; thúc đẩy sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương vào quá trình ra quyết định; tiếp tục cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững; cải thiện tính khả dụng của dữ liệu để tăng cường giám sát tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững; và huy động tất cả các bên liên quan cũng như hợp tác với các đối tác để đạt được các Mục tiêu cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Cuối cùng, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định sự ủng hộ đối với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển và mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Đọc thêm