Nhóm sĩ quan, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc đảo chính đêm 15/7 có một ưu thế lớn là sự bất ngờ. Họ ra quân đúng thời điểm Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát, bao vây, chiếm giữ các địa điểm chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm, thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.
Phong trào Gulen
Tốc độ triển khai của các nhóm binh sĩ đảo chính tiến chiếm các vị trí quyền lực quan trọng ở các thành phố lớn cho thấy trình độ tổ chức và hiệu suất làm việc rất cao của họ. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế đó, họ lại thiếu đi những yếu tố mà theo các chuyên gia phân tích là đóng vai trò quyết định cho thành bại của một cuộc đảo chính.
Yếu tố đầu tiên là sự đoàn kết, nhất trí trong quân đội. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các chỉ huy dẫn dắt cuộc đảo chính này là những người ủng hộ phong trào Gulen và có ảnh hưởng nhất định trong quân đội. Nhưng điều quan trọng là phong trào Gulen chỉ biết khai thác sự chia rẽ trong quân đội, chứ không biết phải đoàn kết các tướng lĩnh.
Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống lưu vong tại Mỹ. Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập lực lượng hiến binh, nơi việc kiểm tra lý lịch tương đối lỏng lẻo và sau đó dần dần “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ chỉ huy trong quân đội.
Còn có tên gọi khác là phong trào Hizmet (Phụng sự), phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng. Tổng thống Erdogan dần dần nhận ra rằng phong trào Gulen đã trở nên quá mạnh, trở thành một “nhà nước trong nhà nước” theo cách gọi của ông.
Bắt đầu từ năm 2014, ông Erdogan thanh lọc những người ủng hộ phong trào Gulen trong bộ máy chính phủ và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phe Gulen trong quân đội không bị loại bỏ hoàn toàn. Và rất có thể phe Gulen đã nắm được một số bí mật của các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và gây sức ép để buộc họ không loại bỏ mình.
Thiếu lực lượng
Khi nhóm đảo chính tuyên bố nắm chính quyền trên truyền hình, lập tức các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hành động này, bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan. Điều này cho thấy nhóm đảo chính đã không thể đoàn kết, tập hợp được toàn bộ lực lượng quân đội để thực hiện hành động phiêu lưu của mình.
Cuộc đảo chính xảy ra, Erdogan vẫn thực thi đầy quyền lực của mình, có thể kết nối với báo chí, kêu gọi được hàng ngàn người ủng hộ xuống đường. Lệnh giới nghiêm, thiết quân luật không được thực hiện. Cảnh sát, lực lượng trung thành với Erdogan, sẵn sàng đối đầu với quân đội. Điều đó lý giải việc người dân đổ ra đường chặn xe tăng, mạt sát chỉ huy đảo chính, và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Erdogan.
Một đoạn video được đăng trên Twitter cho thấy dân thường đã tràn vào văn phòng kênh truyền hình CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ, bắt giữ và đánh đập các binh sĩ tham gia đảo chính. Chính sách đối ngoại và đối nội của ông Erdogan vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia theo đường lối thế tục và ôn hòa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại tổng thống được dân bầu. Cuộc đảo chính này chỉ là sản phẩm của sự chia rẽ bên trong quân đội và việc lợi dụng sự chia rẽ đó không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công của một cuộc đảo chính.
Truyền thông làm thất bại đảo chính
Bị phe đảo chính chĩa súng bắt đọc thông báo lật đổ chính quyền và bị lực lượng nổi dậy đánh chiếm, các cơ quan truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ dù bị bất ngờ trước các diễn biến song cũng đã đóng vai trò không nhỏ trong việc làm thất bại âm mưu này.
Tối 15/7, một phát thanh viên Đài Truyền hình TRT của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đọc tuyên bố của nhóm có tên gọi là “Hội đồng Hòa bình” khẳng định rằng nhóm này đã thay thế lực lượng vũ trang chính quy Thổ Nhĩ Kỳ và đã giành được quyền kiểm soát đất nước này. Còn một kênh truyền hình tư nhân bị các binh sĩ đảo chính đánh chiếm và buộc phải ngừng phát tạm thời các chương trình của mình. Song các kênh truyền hình đã góp công làm thất bại âm mưu đảo chính khi truyền đi thông điệp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường, cung cấp những bản tin cập nhật tình hình đầy ấn tượng.
Nữ phát thanh viên Đài TRT Tijen Karas kể lại: “Tôi phải đọc tuyên bố (của những kẻ âm mưu đảo chính) ngay dưới họng súng. Họ trói quặt tay chúng tôi ra sau và cấm chúng tôi hỏi câu gì. Họ nhốt chúng tôi vào một phòng khóa kín ngoại trừ 3-5 người phải làm việc phát tin. Sau đó họ đưa chúng tôi ra khỏi phòng và bắt đọc tuyên bố. Tôi rất sợ hãi và đọc lập bập. Những giờ phút đó giống như một cơn ác mộng”.
Vài giờ sau, một nhóm vũ trang đánh chiếm trụ sở tại Istanbul của Tập đoàn Dogan Media - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sở hữu kênh CNN Thổ cũng như tờ nhật báo Hurriyet và phiên bản tiếng Anh Hurriyet Daily News. Kênh CNN Thổ buộc phải ngừng chương trình phát sóng trực tiếp của mình song cũng chính kênh CNN Thổ đã kịp truyền đi thông điệp đầu tiên của Tổng thống Erdogan tới công chúng khi Đài TRT bị các binh sĩ nổi dậy đánh chiếm.
Ông Erdogan đã kết nối với kênh truyền hình tư nhân này bằng điện thoại thông minh (smart phone), kêu gọi người dân xuống đường phản đối đảo chính. Sau đó, các trường quay của kênh CNN Thổ bị các binh sĩ đảo chính đánh chiếm. Nữ phát thanh viên kênh CNN Basak Sengul, người tỏ ra rất bình tĩnh và chuyên nghiệp, kể lại: “Tôi nghe tiếng họ nói, họ vào tòa nhà và tôi cũng nghe tiếng họ nói với các đồng nghiệp là phải ngừng phát sóng”.
Truyền hình đã để trắng màn hình một lúc, thỉnh thoảng có xen tiếng súng và tiếng cãi cọ. Biên tập viên tờ Hurriet Sedat Ergin nói: “Lúc đó chúng tôi không thể in báo được”. Ông nói tiếp: “Vẫn có những vết đạn trên tường. Có lẽ tốt hơn là cứ giữ chúng như thế để không quên tối 15/7 này”. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại trụ sở Đài Truyền hình cáp và Kỹ thuật số Digiturk. Nhiếp ảnh gia Mustafa Cambaz của Báo Yeni Safak đã bị các binh sĩ đảo chính bắn gục sau khi kêu gọi phản đối đảo chính trên truyền thông xã hội.
Ông Erdogan, người đã từng chỉ trích các mạng xã hội và đe dọa “xóa bỏ” Twitter, đã sử dụng truyền thông xã hội để truyền đi lời kêu gọi người dân phản đối và ở lại trên phố nhằm ngăn chặn đảo chính. Một số phóng viên đã bị những người phản đối đảo chính điên cuồng tấn công. Một video cho thấy phóng viên Kenan Sener thuộc kênh CNN Thổ ở Ankara phải chạy trốn khỏi một đám đông cuồng nộ - có vẻ như là những người ủng hộ chính phủ nghi ngờ việc đưa tin của các phương tiện truyền thông thế tục.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 16/7 đã chúc mừng truyền thông vì đã thể hiện “lòng yêu nước” và đứng về phía nhân dân, đồng thời ông cũng tỏ ý xin lỗi vì những vụ việc đã xảy ra. Emre Kizilkaya, cộng tác viên tờ Hurriyet, viết: “Vụ đảo chính không chỉ được truyền phát bằng hình ảnh mà còn được đăng tải và phát trực tiếp trên Facebook trong khi những kẻ đảo chính chỉ có thể kiểm duyệt truyền hình công”...