Trước khi bế mạc Phiên họp thứ 9 vào chiều nay (24/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo Kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022.
Vì phạm vi rất rộng nên nội dung giám sát tập trung vào 5 lĩnh vực trọng điểm dễ sinh lãng phí, thất thoát: là: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo chỉ rõ: Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan Trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nhận định.
Hồ chứa nước tiền tỷ nhưng không phát huy tác dụng là lãng phí. (Ảnh minh họa) |
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý giám sát có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trên cơ sở 5 lĩnh vực trọng tâm cần sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội; tránh việc nêu chung chung.
“Báo chí nêu hàng loạt ‘dự án làm nghèo đất nước’. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hóa sao không thu hồi được? Ở Tây Nguyên có hồ chứa nước mấy nghìn tỷ đồng làm xong lâu rồi mà không sử dụng tưới tiêu được thì trách nhiệm của ai? Ban hành văn bản khiến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí thì nguyên nhân là gì?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề hàng loạt vấn đề và nhấn mạnh nếu xử lý tốt thì đây là nguồn lực rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia là lãng phí, “công trình nhìn nứt toác ra, không dùng được thì chẳng chứng minh cũng thấy rõ”.