Bảo đảm an ninh biển là lợi ích chung của các nước, khu vực, quốc tế

(PLO) - Ngày 26/7/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 17, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23. 
Các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3. Ảnh: Kyodo
Các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3. Ảnh: Kyodo

Tại các Hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như tình hình bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh hàng hải, di cư, bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng và tác động sâu rộng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và nhất trí tăng cường hợp tác xử lý các thách thức này. 

Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, trong đó có việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa. Các nước nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện DOC và sớm đạt COC. Một số nước nêu quan điểm về vụ kiện trước Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982.

Tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN+3, EAS và ARF. Về định hướng thúc đẩy hợp tác trong tương lai, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN+3 cần tập trung hoàn thành các biện pháp còn lại trong Kế hoạch Công tác 2013-2017, dành ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư, kết nối hạ tầng, hợp tác ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, quản lý thiên tai và an ninh mạng. 

Trong họp EAS, Phó Thủ tướng đề nghị các nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, bảo đảm tiến trình EAS phù hợp với lợi ích và quan tâm của tất cả các nước, ủng hộ kiểm điểm định kỳ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của EAS và đưa an ninh hàng hải thành một lĩnh vực ưu tiên của EAS. Về ARF, Phó Thủ tướng đề nghị thúc đẩy ARF thực sự chuyển sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa trong khi tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động thực tiễn, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh.

Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo đảm an ninh biển là lợi ích chung của các nước, khu vực và quốc tế. Những diễn biến phức tạp trên thực địa thời gian qua và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc cải tạo, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa, tiếp tục gây quan ngại sâu sắc, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin ở khu vực. 

Đối với diễn biến vừa qua liên quan đến tiến trình ngoại giao và pháp lý, Việt Nam đã thể hiện quan điểm về Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Đoàn ta nhấn mạnh cần coi trọng đối thoại và thương lượng, bước sang giai đoạn mới để ổn định tình hình, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và tinh thần xây dựng. Vì vậy, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm tăng căng thẳng; thúc đẩy thương lượng song phương cũng như công việc giữa ASEAN và Trung Quốc về thực hiện hiệu quả DOC, sớm tiến tới COC. 

Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Australia ngày 25/7 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ với pháp quyền và kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết “cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên” của Tòa Trọng tài thường trực. “Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội quan trọng để khu vực duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy định hiện có và để thể hiện sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế” – các ngoại trưởng của 3 nước nhấn mạnh trong một cảnh báo được cho là mạnh mẽ nhất và chi tiết nhất đối với Trung Quốc sau phán quyết trọng tài.

Trong một phát biểu được cho là nhằm vào Trung Quốc, tuyên bố thúc giục tất cả các bên kiềm chế các hành động đơn phương có thể thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý đối với môi trường biển và các hành động như cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn cũng như sử dụng các tiền đồn đó vì mục đích quân sự.

Theo AP, tuyên bố trên đã lấp đầy khoảng trống mà các bộ trưởng ngoại giao ASEAN để lại khi không thể ra được một tuyên bố chung đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) diễn ra cuối tuần qua.

Đọc thêm