Trong bài viết, Chủ tịch nước cho rằng, trong thời gian tới, hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống một khi xung đột vũ trang xảy ra.
Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Nâng cao nhận thức và năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với những nguy cơ tấn công, phá hoại từ không gian mạng.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, an ninh mạng. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng trước khi triển khai. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet theo kịp sự phát triển của khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog…