Bảo đảm nghiêm minh, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng 15/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần có phương án phòng tình huống bất thường

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Các Hội đồng thi trên toàn quốc tổ chức coi thi trong các ngày 28 - 29/6; chấm thi từ ngày 1/7/2023 và công bố kết quả thi vào ngày 18/7/2023.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, kỳ thi diễn ra trên toàn quốc, được xã hội quan tâm; kết quả kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau. Chia sẻ một số lưu ý trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến phương diện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ kỳ thi. Tuy nhiên, chuẩn bị trang thiết bị tốt nhất nhưng không phó thác hoàn toàn cho thiết bị mà cần có sự kiểm tra của con người. Các công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh/thành lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai, đặc biệt thời điểm thời tiết cực đoan. Quan tâm công tác phòng, chống cháy nổ, nhất là ở khu vực in sao đề thi, chấm thi; bảo đảm điện phục vụ cho kỳ thi.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, địa phương cần bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Quy chế thi. Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, đúng quy trình. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh phải có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án dự phòng và các kịch bản để tổ chức kỳ thi khi có các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác thường phát sinh hoặc dự báo có thể phát sinh. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ làm việc với Ban Chỉ đạo và Lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cùng với đó là thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.

Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm phiên bản đã cung cấp cho các sở GD&ĐT năm 2022. Nhằm khắc phục một số hạn chế trong việc sử dùng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT đã tập huấn và hướng dẫn các sở chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng đúng quy định; tập huấn kỹ việc sử dụng phần mềm; tổng hợp các hạn chế, lỗi mà các kỳ thi trước bị mắc phải trong chấm thi để có phương án khắc phục, tránh lặp lại.

Xử nghiêm cả hành vi mua bán các thiết bị gian lận thi cử

Chia sẻ tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an cho hay, qua rà soát những hội nhóm liên quan đến việc mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị liên lạc ngụy trang có thể sử dụng để gian lận trong thi cử, Bộ Công an nhận thấy, đối tượng mua bán các thiết bị này chủ yếu là phụ huynh và học sinh. Theo đó, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật đối với những đối tượng này.

Ngoài ra, qua kiểm tra, rà soát một số điểm thi, đại diện Bộ Công an cho biết, vẫn còn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thi. Cụ thể, tại nơi bảo quản đề thi tại một số điểm, các thiết bị vẫn còn kết nối wifi hoặc có bộ thu phát wifi. Hệ thống camera tại một số điểm vẫn còn kết nối internet ra ngoài… Do đó, các điểm thi cần phải ngắt kết nối tất cả hoặc tháo gỡ các bộ kết nối này. Các buồng thi, phòng thi cũng cần niêm phong các đầu mạng, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống camera.

Đối với các thiết bị gian lận trong kỳ thi, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, Bộ Công an đã thực hiện rà soát, phát hiện và xử lý những hành vi mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, gian lận thi cử. Để bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối, Bộ Công an tiếp tục tập huấn, lưu ý với cán bộ tại các điểm thi về thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tại các điểm thi, tránh xảy ra những sai sót không đáng có.

Thông tin tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm nay có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thi sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh, chiếm 4,55% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH: 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340, chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Có 323.187 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên (31,52%); 566.921 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học Xã hội (chiếm 55,30%).

Đọc thêm