Bảo đảm thực thi quyền cơ bản về sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 đánh dấu sự thành lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mỗi năm, WHO sẽ chọn một vấn đề y tế trọng điểm toàn cầu và tổ chức các sự kiện trên phạm vi địa phương, khu vực, quốc tế trong ngày này và suốt năm để nêu bật lĩnh vực được lựa chọn. Năm 2024, chủ đề được chọn là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi”, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm thực thi quyền cơ bản của mỗi con người về sức khỏe.
Hệ thống các văn bản pháp luật hỗ trợ, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được thực hiện thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ảnh minh họa. Nguồn llct.vn
Hệ thống các văn bản pháp luật hỗ trợ, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được thực hiện thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ảnh minh họa. Nguồn llct.vn

Năm 2024 được dự đoán có nhiều tình huống khẩn cấp về sức khỏe

Tháng 3/2024, WHO cho biết các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực, chủ yếu là do bỏ lỡ tiêm chủng trong những năm xảy ra dịch COVID-19, khi hệ thống y tế bị quá tải và tụt hậu so với việc tiêm chủng định kỳ, cho các bệnh có thể phòng ngừa được. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, khiến hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương do bệnh sởi. Năm 2023, hơn 300.000 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới, tăng đáng kể 79% so với năm 2022. Theo dự đoán của WHO, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ có nguy cơ bùng phát cao hoặc rất cao dịch bệnh sởi vào cuối năm nay.

“Điều chúng tôi lo lắng là năm nay, chúng ta có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó, hơn một nửa thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi vào cuối năm 2024”, theo bà Natasha Crowcroft, cố vấn kỹ thuật cấp cao về bệnh sởi và rubella của WHO.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán năm 2024 cộng đồng chú ý nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần trong môi trường làm việc, thành lập nhóm hỗ trợ và chọn lọc nội dung trên mạng xã hội về chủ đề này. Theo đó, 3 năm đại dịch với những khó khăn về kinh tế khiến cộng đồng hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Chủ đề vốn ít người quan tâm dần trở thành tiêu điểm trong các cuộc thảo luận khắp mọi nơi. Từ năm 2023, người dân đã chú ý nhiều đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chữa lành từ bên trong, điều trị, tầm soát chứng rối loạn lo âu, trầm cảm.

“Trong một thế giới ngày càng mất kết nối, mọi người trở nên cởi mở hơn về các cuộc đấu tranh tinh thần. Các cộng đồng, nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm lý cũng phổ biến hơn. Đây thường là tập hợp của những người có chung vấn đề tâm lý, chẳng hạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn sang chấn (PTSD), rối loạn lưỡng cực, ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc tăng động giảm chú ý (ODC). Mục đích của các nhóm hỗ trợ là giúp thành viên tìm kiếm sự đồng cảm, thoải mái, chia sẻ về cuộc đấu tranh trong từng tình huống cụ thể. Mọi người gắn kết với nhau một cách tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái, nguồn lực, cho lời khuyên và hướng dẫn lẫn nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn”, Nicholette Leanza, nhà trị liệu tâm lý tại LifeStance Health ở Ohio dự đoán các xu hướng chăm sóc sức khỏe tâm thần trong năm 2024.

Leanza cũng dự đoán trong tương lai, mọi người đặc biệt ưu tiên sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Xu hướng này do thế hệ Gen Z dẫn đầu. Họ có thể sử dụng các ngày nghỉ phép, nghỉ ốm để giải quyết những cơn lo lắng, tập trung vào sức khỏe tâm thần, tham gia chương trình điều trị ngoại trú chuyên sâu...

Năm 2024 cũng là năm WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD để tăng cường hỗ trợ hàng chục triệu người trong những tình huống khẩn cấp về sức khỏe.

Theo AFP, WHO cảnh báo gần 300 triệu người trên toàn cầu dự kiến cần được hỗ trợ nhân đạo ở năm 2024. Trong số đó, ước tính 166 triệu người sẽ cần hỗ trợ y tế nhân đạo. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 87 triệu người trong những trường hợp đòi hỏi phản ứng cao nhất như xung đột, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế, tình trạng di cư, đói ăn và bất bình đẳng. Điều này sẽ đòi hỏi khoản hỗ trợ lên đến 1,5 tỷ USD. “Bước sang năm 2024, WHO đã ứng phó với 41 cuộc khủng hoảng y tế, bao gồm 15 trường hợp khẩn cấp ở mức cao nhất”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Khoản hỗ trợ năm 2024 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động chăm sóc sức khỏe, phân phối vật tư và thiết bị y tế quan trọng, duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu để có thể bảo đảm quá trình chăm sóc liên tục. 1,5 tỷ USD cũng sẽ được sử dụng để đẩy mạnh khả năng tiếp cận trực tiếp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với những cộng đồng nghèo khó, hợp tác với các tổ chức địa phương và phản ứng hiệu quả để theo dõi, chia sẻ và ghi lại các đợt bùng phát dịch bệnh. Cùng với đó là việc duy trì những hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện có và xây dựng khả năng phục hồi trước các mối đe dọa trong tương lai.

Với sự chung tay của các bên tài trợ, WHO sẽ đáp ứng các nhu cầu sức khỏe đối với những người dễ bị tổn thương nhất, giúp cộng đồng vượt qua khủng hoảng để giải quyết các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.

Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân luôn được ưu tiên hàng đầu

Trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19, quyền được chăm sóc về sức khỏe của người dân Việt Nam được thể hiện rõ nét. (Ảnh minh họa - Nguồn: Đoàn TNCS TPHCM)

Trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19, quyền được chăm sóc về sức khỏe của người dân Việt Nam được thể hiện rõ nét. (Ảnh minh họa - Nguồn: Đoàn TNCS TPHCM)

Trong bối cảnh như vậy, Ngày Sức khoẻ Thế giới 7/4 năm 2024, chủ đề được WHO lựa chọn là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi”, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm thực quyền cơ bản của mỗi con người về sức khỏe.

Theo WHO, tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được sức khỏe là quyền cơ bản của mỗi con người về sức khỏe. Quyền về sức khỏe bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, đáp ứng được với chi phí phải chăng và chất lượng phù hợp. Quyền về sức khỏe có nghĩa rằng các Chính phủ phải tạo ra các điều kiện mà trong đó tất cả mọi người có thể càng khỏe mạnh càng tốt. Với điều kiện như bảo đảm tính sẵn có của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc lành mạnh và an toàn, nhà ở thích hợp và thức ăn đủ dinh dưỡng.

Hiện nay, hàng năm trên thế giới có khoảng 150 triệu người gặp thảm họa về tài chính và đẩy 100 triệu người xuống dưới mức nghèo khổ như là một hậu quả tất yếu của việc tiêu dùng cho y tế vượt quá khả năng chi trả. Các nhóm dễ bị tổn thương và bị gạt ra bên lề xã hội có xu hướng gặp phải các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn so với các nhóm khác. Vì thế, vấn đề quyền cơ bản của mỗi con người về sức khỏe lại càng phải được coi trọng.

Tại Việt Nam, những chính sách của Đảng và Nhà nước cho thấy quyền và lợi ích của người dân luôn được ưu tiên, người dân được bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19, quyền được chăm sóc về sức khỏe của người dân Việt Nam được thể hiện rõ nét. Mọi người dân đều được tiếp cận với các thông tin cũng như cơ sở, dịch vụ y tế, được tiêm vắc-xin miễn phí theo đúng lộ trình và được điều trị miễn phí. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong bối cảnh bệnh nhân mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả mọi chi phí. Từ đây, có thể thấy, việc những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật về nhân quyền, trong đó quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm các vấn đề về nhân quyền. Trong các thành tựu về quyền con người của Việt Nam, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân luôn được ưu tiên hàng đầu, người dân được tạo mọi điều kiện để tiếp cận các thông tin, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe một cách thuận tiện và hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Bên cạnh đó, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong nhiều đạo luật như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của toàn dân và với một hệ thống các văn bản pháp luật hỗ trợ, quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được thực hiện thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau như: đầu tư nguồn lực cho y tế luôn được Chính phủ quan tâm; dịch vụ công về y tế cũng có nhiều cải tiến, phần lớn người dân cảm thấy hài lòng; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 90% số dân; trẻ em dưới 6 tuổi không phải đóng các khoản phí tham gia bảo hiểm y tế và được làm thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...

Đọc thêm