Những tác động tích cực này bắt nguồn từ những quy định về phạm vi TNBTCNN được mở rộng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường.
Mở rộng phạm vi bồi thường
Về cơ bản, Luật TNBTCNN năm 2017 đã kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, bổ sung phạm vi TNBTCNN trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của nhiều luật liên quan.
Theo đó, phạm vi TNBTCNN của Luật năm 2017 được mở rộng cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của Nhà nước từ quản lý hành chính, tố tụng hình sự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đến thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quản lý hành chính, so với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính đối với 02 biện pháp là buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm và buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, Luật năm 2017 có 02 trường hợp được bổ sung mới là trường hợp “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” và “Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án” oan thì được bồi thường.
Trong lĩnh vực thi hành án hình sự, Luật năm 2017 có thêm 01 trường hợp được bồi thường là “Không thực hiện quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù”. Còn trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Luật năm 2017 đã bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp “không ra các quyết định về thi hành án” và trường hợp “không tổ chức thi hành án các quyết định về thi hành án”.
Nhiều loại thiệt hại sẽ được bồi thường
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường. Cụ thể, Luật năm 2017 bổ sung quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo hướng bổ sung thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; bổ sung căn cứ tính lãi đối với thiệt hại là các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước và thiệt hại là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; bổ sung quy định về thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Luật năm 2017 cũng sửa đổi toàn diện các quy định về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết và thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm theo hướng quy định cụ thể hơn và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường; sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thiệt hại về tinh thần; sửa đổi quy định về khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại.
Quy định về trả lại tài sản được sửa đổi theo hướng dẫn chiếu áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về tố tụng và pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, Luật năm 2017 bổ sung quy định về thiệt hại là chi phí khác được bồi thường; tách bạch cách sử dụng 2 căn cứ là “lương cơ sở” và “lương tối thiểu vùng” cho phù hợp với từng loại thiệt hại…
Trên cơ sở quy định của Luật, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường cần rà soát, có giải pháp kiện toàn, tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác bồi thường. Để triển khai thi hành Luật TNBTCNN, Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thi hành Luật; biên soạn tài liệu, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của Luật TNBTCNN, tập huấn chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; rà soát, kiện toàn, tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước tại Bộ Tư pháp…
Về phía địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; rà soát các vụ việc đang được giải quyết theo Luật TNBTCNN năm 2009 còn tồn đọng để chỉ đạo giải quyết dứt điểm…