Báo động bữa ăn học sinh kém chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều vụ cắt giảm suất ăn, suất ăn không đảm bảo an toàn gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh đã làm dấy lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn nơi trường học.
Học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Vietnamnet)
Học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Vietnamnet)

Mới đây, theo thông tin từ truyền thông, một lớp mầm non độc lập ở phường Cầu Diễn (Hà Nội) đã bị nhiều phụ huynh tố cáo cắt giảm suất ăn cho học sinh bán trú. Theo đó, một nhóm phụ huynh đã đăng tải hình ảnh bữa ăn 70.000 đồng/ngày tại cơ sở giáo dục này lên mạng xã hội. Những hình ảnh cho thấy mỗi bữa ăn chỉ gồm bát cháo ít thịt, cốc nước cam loãng, một quả nho chia làm đôi, một quả chuối chia 3-4 phần cho nhiều cháu… Ban điều hành cơ sở giáo dục trên đã đưa ra lời xin lỗi với phụ huynh, đồng thời nhận toàn bộ trách nhiệm đối với các nội dung sự việc được phản ánh. Trước sự việc, UBND phường Cầu Diễn (Hà Nội) đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động trông giữ trẻ của cơ sở giáo dục mầm non này kể từ ngày 6/4.

Đã có không ít vụ việc liên quan đến cắt xén phần ăn bán trú cho học sinh tại nhiều trường học trên cả nước. Một trường tiểu học ở quận 9, TP HCM từng phải đối diện sự phẫn nộ, chất vấn của hơn 60 phụ huynh vì bữa ăn quá sơ sài, kém chất lượng, thậm chí không đảm bảo vệ sinh khiến một số học sinh thường xuyên bị đau bụng, ngộ độc nhẹ sau khi ăn.

Một vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây là vụ ngộ độc thực phẩm tại trường một mầm non khác ở Nha Trang vào cuối năm 2022 khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện. Nguyên nhân được xác định do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella từ bữa ăn bán trú. Cũng tại ngôi trường này, nhiều phụ huynh trước đó đã phản ánh bữa ăn bán trú kém chất lượng, không tương xứng với số tiền phụ huynh đóng.

Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10/2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp tiểu học hiện có khoảng 5.000/15.000 trường tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó hơn 3.300 trường học có bếp ăn, còn lại dùng suất ăn công nghiệp. Tuy vậy, gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.

Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hành vi như nơi chế biến, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn... sẽ bị xử lý theo pháp luật. Ngoài ra còn có mức phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chế biến, sản xuất, cung cấp thực phẩm,... tuỳ mức độ vi phạm.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về đơn vị cung cấp suất ăn mà quan trọng hàng đầu là các trường học. Bản thân nhà trường cần kĩ lưỡng, minh bạch, công tâm trong việc chọn lựa đơn vị cung ứng uy tín, đồng thời phải thường xuyên theo dõi, giám sát chất lượng bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần sát sao bữa ăn của con tại trường để có phản ánh, yêu cầu chấn chỉnh kịp thời.

Thời gian tới, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần đầy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, giám sát toàn diện, tăng cường quản lý chất lượng bữa ăn nơi trường học, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.