Bãi thải cao như núi
Cách đây 8 năm, vào đêm 15/4/2012, tại xóm Khuôn I, xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), khoảng 1,1 triệu m3 đất đá từ bãi thải của mỏ than Phấn Mễ bất ngờ sạt lở vùi lấp nhà cửa của 10 hộ dân, 6 ngôi nhà khác trong khu vực bị ảnh hưởng khiến 7 người chết, bị thương và mất tích. Nỗi ám ảnh kinh hoàng sạt trượt bãi thải năm xưa vẫn đeo bám người dân xã Phục Linh đến nay.
16 giờ ngày 24/3/2020, bãi thải số 3 mỏ than Phấn Mễ lại bị sạt lở. Khu vực trên đỉnh bãi đổ thải xuất hiện nhiều vết nứt, trung bình từ 4-6cm. Đất, đá bất ngờ lăn ầm ầm xuống khu đầm nước phía chân bãi thải. Nước trong đầm bắn tung tóe, tràn ra kênh mương, ruộng đồng.
Nguyên nhân sạt lở được xác định vì cốt nền yếu, đầm lầy thụt, mỏ càng đổ chất thải lên cao thì bãi thải không thể chịu được lượng đất đá quá lớn ở phía trên nén xuống. Mùa mưa đang tới. Nếu mưa kéo dài, nước xé rộng các vết nứt lớn trên bãi thì nguy cơ sạt trượt rất cao.
Sau nhiều năm khai thác, các bãi đổ thải của mỏ than Phấn Mễ - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ngày càng chất cao như núi, cao trên 100m so với mặt đường giao thông. Trong khi đó, các moong khai thác ngày càng xuống sâu khiến hiện tượng nứt, sạt trượt diễn ra thường xuyên hơn. Hiện bãi chứa của mỏ than Phấn Mễ có khoảng 8 vạn tấn thải cũng chất cao như núi, vào mùa mưa gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở rất lớn.
Nỗi lo ô nhiễm, sạt lở
Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cả nước hiện có 120 hồ thải quặng đuôi (là vật liệu được thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản, bao gồm cả dạng rắn và lỏng) với 109 đập chắn bãi thải thuộc 59 doanh nghiệp (DN) tuyển quặng đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố.
Trong số 59 DN tuyển quặng có 31 DN tuyển quặng sắt, 15 DN tuyển quặng chì - kẽm, 6 DN tuyển quặng thiếc, 4 DN tuyển quặng đồng, 1 DN tuyển quặng apatit, 2 DN tuyển quặng bô-xít. Cả nước hiện có 10 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3 thuộc 7 công ty nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Đắk Nông, Lâm Đồng, trong đó có 8 hồ đã đi vào hoạt động, chứa lượng bùn từ 30 đến 100% dung tích hồ chứa.
Đa số các hồ, đập quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 4 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ thải quặng đuôi trên cả nước, trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ chứa.
Từ năm 2014 đến nay đã xảy ra nhiều vụ vụ vỡ đập lớn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đó là các vụ vỡ đập tại Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam (tỉnh Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (tỉnh Yên Bái) và Công ty TNHH Tân Quang Cường...
Riêng tại Bình Thuận có tổng trữ lượng khoáng sản titan gần 600 triệu tấn, được Chính phủ chấp thuận cho phép khai thác với quy mô công nghiệp. Nhưng đến nay mới khai thác được 1 triệu tấn đã xảy ra 5 vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ titan gây ô nhiễm môi trường.
Chẳng hạn hồi tháng 6/2016, hồ chứa nước tuyển quặng titan tại mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam trên đồi cát cao 50m bị vỡ đã phá bề mặt đồi cát thành khe rộng 3m, sâu 2,5m và dài 350m, làm nước cuốn theo cát chảy xuống tràn lấp nhà dân, đường giao thông...
Điều đáng nói, hàng chục mỏ titan nằm dọc bãi biển Bình Thuận đã tạo ra những “hố đen” khổng lồ. Cây xanh khu vực xung quanh chết trụi, nước sinh hoạt đầy bùn, phèn.
Tháng 3/2018, khu vực đập thải tạm thời của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 có diện tích khoảng 2ha ở Quảng Nam cũng bị vỡ với chiều dài 5m, chiều rộng khoảng 2m.
Ảnh hưởng do sự cố tràn chất thải hoặc sự cố chất ô nhiễm phát sinh từ chất thải chứa trong các hồ, đập thải quặng đuôi này đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng ngay trong quá trình hoạt động chế biến và kéo dài cả khi đã ngừng hoạt động.