Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Vì sao là bảo hiểm bắt buộc tham gia?

(PLVN) - Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã quy định Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc để giúp đỡ người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo an sinh xã hội. 

Những con số đau lòng

Tại một hội nghị mới đây về an toàn giao thông (ATGT) được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2020, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia - cho biết: Trong vòng 5 năm qua, cả nước đã xảy ra 94.024 vụ TNGT, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. Tức mỗi năm nước ta có gần 8.000 người mất và hơn 15.000 người bị thương do TNGT. 

 Nhiều vụ TNGT thương tâm gây thiệt hại về người và tài sản nhưng nạn nhân không được bồi thường để khắc phục hậu quả vì chủ xe máy không đủ năng lực tài chính

TNGT không chỉ để lại những hậu quả lớn cho người thân của những nạn nhân mà còn mang đến hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Những cái chết thương tâm, những thương tích nặng nề đeo đẳng những nạn nhân cả cuộc đời trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Trong đó, việc giải quyết hậu quả tai nạn giao thông là vấn đề phức tạp, phát sinh tranh chấp kép dài. Thực tế, đã có những trường hợp, lái xe bị thương hoặc bị chết sau vụ TNGT mà việc bồi thường hầu hết do lái xe gánh chịu nên bên cạnh việc khắc phục hậu quả tai nạn do chính mình, chủ xe (lái xe) khó có khả năng chi trả đồng thời cho người bị hại. 

Chưa kể, còn có những trường hợp lái xe gây TNGT rồi bỏ trốn để tránh trách nhiệm vì khả năng tài chính của họ trước mắt cũng như lâu dài không đủ khả năng bồi thường, vì thế lợi ích của người bị hại trong TNGT khó có thể được bảo đảm, gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả.

Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn trong các vụ TNGT, Chính phủ đã quy định Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc: Mọi chủ xe cơ giới (là các tổ chức, cá nhân sở hữu hay được giao quan lý và sử dụng) bắt buộc phải tham gia loại hình bảo hiểm này, đồng thời những doanh nghiệp được triển khai loại hình bảo hiểm này bắt buộc phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo quy định và mức phí do Nhà nước quy định.

Phí bảo hiểm được Chính phủ xem xét vừa đủ quỹ bồi thường và chi phí triển khai nên rất thấp so với thu nhập của chủ xe cơ giới, ví dụ đối với xe môtô quy định mức phí 66.000 đồng/năm, tức chưa đến 200 đồng/ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả đến 100 triệu đồng/người bị tử vong. Sản phẩm này cho phép người bị tai nạn do xe cơ giới gây ra có ngay một khoản tài chính để chi trả tiền cấp cứu, điều trị, thay thế tài sản hư hại hay quyền lợi khi tử vong.

Chính phủ quy định tất cả các loại xe cơ giới, bao gồm mô tô và xe hơi, phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự để đảm bảo an sinh xã hội 

Như vậy, loại hình bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân và hỗ trợ chủ phương tiện có nguồn tài chính để bồi thường khi có tai nạn xảy ra. 

Do đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Đã có ý kiến cho rằng sản phẩm này không mang nhiều ý nghĩa do chủ xe/lái xe khi gặp tai nạn không được bồi thường. Tuy nhiên, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy hoàn toàn không nhằm bồi thường cho chính chủ khi gặp tai nạn (để có được quyền lợi này, chủ xe cần tham gia sản phẩm bảo hiểm tự nguyện là Bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe). 

Trái lại, sản phẩm được thiết kế để bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe gây ra, tức Nhà nước sử dụng chính sách này để đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ. Để đảm bảo quy định này được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, Chính phủ cũng quy định người dân khi tham gia giao thông cần mang theo Giấy chứng nhận Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để tránh bị phạt. 

Thế giới đang áp dụng như thế nào?

Không chỉ ở nước ta, hiện nay, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm duy trì an toàn giao thông và được đánh giá là một trong số các giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu hỗ trợ một phần tài chính giúp cho chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra TNGT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ví dụ như ở Thái Lan, mức bảo hiểm tối thiểu để lái xe cơ giới hợp pháp là loại CTPL (trách nhiệm bắt buộc của bên thứ ba). Luật không yêu cầu mua bảo hiểm thiệt hại của xe, tuy nhiên, nếu mua xe mới, chủ xe sẽ cần xem xét mua bảo hiểm toàn diện bao gồm bảo hiểm CTPL và bảo hiểm thiệt hại của xe.

Ở quốc gia này, bảo hiểm toàn diện hay còn gọi là bảo hiểm hạng một được người dân lựa chọn nhiều nhất, bao gồm tất cả mọi thiệt hại hoặc sự cố do chủ xe gây ra. Các khoản chi trả thiệt hại cũng được tính khi tai nạn do bên khác gây ra mà họ không có bảo hiểm hoặc điều kiện tài chính để bồi thường. Trong trường hợp, người gây tai nạn bỏ chạy, điều kiện bảo hiểm sẽ tự động áp dụng 2.000 baht cho người bị hại khi họ yêu cầu bồi thường.

Hay ở Quebec (Canada) yêu cầu, chủ sở hữu xe máy phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự ít nhất 50.000 USD để bảo hiểm thương tích hoặc thiệt hại cho người khác cùng phương tiện trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Còn tại Anh, nếu chủ xe không có bảo hiểm xe máy có thể chịu một loạt các hình phạt như 300 bảng, cấm đi xe máy... Chi phí bảo hiểm tùy vào mỗi trường hợp sẽ có mức giá khác nhau. Công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro bảo hiểm, xem xét khả năng người mua và chi phí phải trả nếu bồi thường. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ xem lại lịch sử đi xe của chủ xe, kích thước và công suất của chiếc xe máy, tuổi tác, nơi sống cùng những yếu tố khác.

Trong xu hướng Hội nhập quốc tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã tham gia việc hợp tác với các quốc gia ASEAN liên quan đến việc yêu cầu các loại xe cơ giới quá cảnh trong các nước thành viên phải tuân thủ quy định về bảo hiểm bắt buộc. 

Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN (Nghị định thư số 5) được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 8/4/2001 tại Kuala Lumpur yêu cầu xe cơ giới quá cảnh từ một nước thành viên phải bảo đảm có thẻ xanh (blue card) - bằng chứng chứng nhận xe cơ giới đã được cấp đơn bảo hiểm đáp ứng yêu cầu bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật về bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới tại các nước quá cảnh và nước đi đến cuối cùng trong khối ASEAN. 

Để triển khai Chương trình này, Nghị định thư số 5 yêu cầu mỗi nước thành viên thành lập Cơ quan quốc gia để thực hiện cấp đơn bảo hiểm, thẻ xanh và hỗ trợ giải quyết tai nạn (điều tra, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, đòi người thứ ba, giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật) do xe sở hữu thẻ xanh gây ra trên lãnh thổ nước thành viên đó.

Theo đó, nhận định về việc thực hiện loại hình bảo hiểm bắt buộc này thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, bảo hiểm bắt buộc TNDS cho chủ xe cơ giới là cần thiết để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người bị hại, ổn định tài chính cho chủ xe và đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống, xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe. Trong khi tỷ lệ tham gia của ôtô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe. 

Vì vậy, nhằm nâng cao số người tham gia bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới trong thời gian tới, đồng thời khắc phục những vướng mắc khó khăn, hoàn thiện chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

Đọc thêm