Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng: Bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm cho quân nhân

(PLO) - Theo chủ trương về bảo hiểm y tế toàn dân, từ ngày 1/1/2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức triển khai, thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) cho 100% quân nhân theo lộ trình quy định. Năm 2017, BHXH Bộ Quốc phòng đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 140 bệnh viện, bệnh xá quân y đảm bảo khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lập khu điều trị dã chiến sốt xuất huyết vào tháng 8/2017

Thu nộp bảo hiểm hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu

BHXH BQP là cơ quan độc lập, chuyên trách tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong quân đội. Sau gần 1 năm hoạt động, từ tháng 1/2009, BHXH BQP đã chủ động đề xuất việc triển khai thực hiện bảo hiểm tự nguyện đối với lao động hợp đồng toàn quân. Năm 2010, BHXH BQP đã chính thức đề xuất với BHXH Việt Nam và Thủ trưởng BQP, trực tiếp cấp thẻ BHYT đối với 100% thân nhân quân nhân tại ngũ. Việc BHXH BQP cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, thay cho trước đây các đơn vị phải mua thẻ BHYT tại địa phương đã bảo đảm thời gian chuyển thẻ BHYT đến tay thân nhân quân nhân được thuận tiện, kịp thời hơn, quyền lợi về BHYT cho thân nhân quân nhân được bảo đảm tốt hơn; thân nhân quân nhân thêm tự hào, tin tưởng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội. 

Đến năm 2012, BHXH BQP tiếp tục mở rộng việc cấp thẻ BHYT cho một số đối tượng khác, như: Sinh viên hệ dân sự các học viện, nhà trường quân đội; học viên đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn... Công tác thu nộp BHXH, BHYT nhanh chóng đi vào nền nếp, đúng quy định và tiến bộ hơn so với thời gian trước đó. Mặc dù mức thu bảo hiểm hàng năm lớn nhưng việc thu nộp của BQP hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao. Hàng tháng, số thu BHXH, BHYT bao gồm cả lãi phát sinh trên tài khoản thu, chi, đều được chuyển về BHXH Việt Nam quản lý tập trung, thống nhất theo đúng quy định. 

Việc thực hiện thu BHXH, BHYT gắn chặt chẽ với cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và chi trả các chế độ BHXH đã khắc phục được tình trạng thu tách rời với chi, giải quyết hưởng chế độ BHXH như trước đây, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng và sự chặt chẽ theo nguyên tắc đóng - hưởng quy định tại Luật BHXH.

Việc quản lý chặt chẽ hồ sơ giải quyết chế độ BHXH đã kiểm soát, tách bạch được việc chi giải quyết chính sách chuyển ra giữa ngân sách quốc phòng với quỹ BHXH, không để chi trùng hoặc chi nhầm nguồn. Công tác quản lý hồ sơ đã giúp cơ quan nhân sự các cấp hoàn chỉnh và quản lý hồ sơ cá nhân tốt hơn, chặt chẽ, thống nhất. Thông qua việc giải quyết các chế độ BHXH, BHXH BQP đã phát hiện một số sai sót (về thủ tục hồ sơ, ốm đau dài ngày, không chi ốm đau, thai sản từ quỹ BHXH...) để chấn chỉnh thực hiện đúng quy định; bên cạnh đó cũng kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập về chế độ chính sách BHXH, BHYT để nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ tháng 10/2010, BHXH BQP triển khai toàn diện Luật BHYT trong quân đội, bao gồm: Thu, cấp thẻ BHYT đối với công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong quân đội và thân nhân quân nhân tại ngũ; giám định BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh quân y có ký hợp đồng với BHXH BQP; cấp kinh phí khám chữa bệnh và quyết toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện, bệnh xá.

Về cấp thẻ BHYT, ngay sau khi thành lập, BHXH BQP đã chủ động xây dựng phần mềm cấp thẻ riêng trong quân đội cho phù hợp với yêu cầu bảo mật quân sự. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc in, cấp thẻ BHYT cho các đối tượng do BQP quản lý ngày càng được hoàn thiện, loại được thẻ trùng hoặc không đúng đối tượng, tiết kiệm cho ngân sách.

Hiệu quả của chính sách BHYT cho 100% quân nhân 

Sau một thời gian nghiên cứu, so sánh chi phí khám, chữa bệnh của quân nhân thấp hơn so với các đối tượng khác tham gia BHYT tại các bệnh viện quân y, BHXH Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP triển khai Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT, thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị trong thời gian 19 tháng (từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014). 

Mục tiêu của Đề án thí điểm nhằm đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định riêng về chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ với mức chi phí khám chữa bệnh phải bằng và hơn mức quy định của BHYT. Kết quả thực hiện Đề án đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP và các bộ, ngành nhà nước có liên quan đánh giá tốt.

Sau đó, Nhà nước có chủ trương về BHYT toàn dân. Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã chính thức đưa quân nhân vào đối tượng điều chỉnh. Từ ngày 1/1/2016, BHXH BQP đã tổ chức triển khai, thực hiện BHYT quân nhân theo lộ trình quy định của Chính phủ và BQP, ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 115 bệnh viện, bệnh xá trong quân đội. Năm 2017 là 140 bệnh viện, bệnh xá quân y. Chính sách BHYT quân nhân đã đáp ứng được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của phần lớn cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chất lượng, điều kiện khám, chữa bệnh của bộ đội được nâng lên. Cơ sở quân y dần được cải thiện về điều kiện khám, chữa bệnh; đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y có điều kiện nâng cao trình độ tay nghề, cải thiện đời sống...

Ngày 1/4/2016, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 210-CT/QUTW về việc lãnh đạo tổ chức thực hiện BHYT đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT trong quân đội, quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về tổ chức, cán bộ để công tác quản lý, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trong quân đội được thuận lợi, thống nhất.

Đọc thêm