Bảo hiểm xã hội phải là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội

(PLO) - Đó là một trong những mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 28) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  ký ban hành ngày 23/5/2018.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Sau khi nêu những kết quả nổi bật của chính sách BHXH thời gian qua, Trung ương cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục. Trong đó đáng chú ý là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn…

Chính bởi vậy, mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết 28 hướng tới là cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội… Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

 Có tới 11 nội dung cải cách đã được Trung ương đưa ra, đáng chú ý là việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH…

Để thực hiện được những mục tiêu và nội dung cải cách trên, cần nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đọc thêm