Theo đó, Hệ thống này sẽ cung cấp 8 dịch vụ tiện ích, bao gồm: dịch vụ chăm sóc hỗ trợ khách hàng (Call Center); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot); xây dựng trang mạng xã hội fanpape; xây dựng chuyên trang hỗ trợ giữa BHXH Việt Nam với người dân, tổ chức và doanh nghiệp; dịch vụ đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; dịch vụ thanh toán điện tử; dịch vụ qua ứng dụng di động; dịch vụ qua tin nhắn thương hiệu…
Được biết, 8 dịch vụ tiện ích trên của ngành BHXH được xây dựng trên nguyên tắc người tham gia có thể tra cứu được quá trình công tác đóng BHXH, BHYT; tra cứu thông tin thẻ BHYT; xem được lịch sử khám, chữa bệnh BHYT; đồng thời có thể tìm hiểu những điểm mới chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Hệ thống sẽ cung cấp dịch vụ trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia; cung cấp đóng BHXH, BHYT bằng thanh toán điện tử nhằm phục vụ người dân tốt hơn; thu thập, cung cấp phản hồi của người dân về Ngành BHXH trên môi trường mạng...
Nói về những lợi ích mà Hệ thống chăm sóc khách hàng mang lại, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Khi Hệ thống đi vào hoạt động thì đây sẽ là cái kênh để người lao động được thực hiện cái quyền được hỗ trợ, được giải đáp, được tư vấn trên các kênh thông tin của BHXH Việt Nam về chính sách BHXH, BHYT. Đối với ngành BHXH, đây cũng là một hoạt động rất có ý nghĩa, bởi đây là kênh truyền thông mới của ngành BHXH trong cuộc CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, đây cũng là kênh để BHXH Việt Nam tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người tham gia, để qua đó, những kiến nghị, phản ánh liên quan đến chính sách thì ngành BHXH sẽ đề nghị các Bộ ngành, các cơ quan xây dựng pháp luật sửa đổi cho phù hợp. Còn đối với những kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức thực hiện thì ngành BHXH cũng sẽ nghiêm túc tiếp thu, cầu thị để cải cách lại phương thức thực hiện và thái độ phục vụ của ngành BHXH nhằm đáp ứng sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT.