Bảo hiểm y tế chi trả tiền tỷ cho nhiều bệnh nhân bệnh hiểm nghèo

(PLO) - Là chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội quan trọng, thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã thể hiện được tính nhân văn sâu sắc ở sự sẻ chia giữa người khỏe và người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. 
Nhiều bệnh nhân được chi trả hơn 1 tỷ đồng khi KCB BHYT. Ảnh minh họa

“Nếu không có BHYT, có lẽ tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”

Đó là chia sẻ của anh Cao Thanh Lịch (SN 1993), bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh trong chương trình “BHYT toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức nhân Ngày BHYT Việt Nam.

Được biết, căn bệnh quái ác này đã hành hạ anh Lịch bao năm nay, bệnh ngày một nặng, những cơn đau cũng dữ dội hơn trước. Ban đầu anh đăng ký BHYT và điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, nhưng bệnh tình ngày càng phức tạp, nên anh được chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, điều trị theo đúng chuyên khoa đã 13 năm nay.

Anh Lịch cho biết, nếu không có BHYT, có lẽ anh đã không thể sống đến ngày hôm nay do chi phí chữa trị quá lớn. “Với một người làm công việc tự do như tôi, thu nhập thấp và không ổn định, lo ăn, ở hàng ngày còn khó chứ đừng nói đến việc khám, làm các xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh lại vô cùng tốn tiền, chi phí điều trị bệnh máu kéo dài nhiều năm. Mỗi năm số tiền điều trị cũng lên đến hàng tỷ đồng, nếu như không có BHYT thì tôi và gia đình có cố gắng đến đâu cũng không thể có đủ tiền để điều trị được. Đúng là chỉ khi đi khám và điều trị, người ta mới nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực mà BHYT mang lại”, anh Lịch xúc động chia sẻ.

Còn tại Khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân phải chạy thận lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Dương Thị Nhàn (quê Hải Phòng) không may mắc bệnh từ năm 1995. Đến nay, sau hơn 20 năm điều trị, bà Nhàn cho biết, mỗi tháng bà chỉ phải trả 500.000 đồng thay vì hơn 10 triệu đồng nếu như không có BHYT.

Nhiều bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng

Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm thanh toán đa tuyến và giám định BHYT khu vực phía Bắc của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - cho biết: Theo số liệu trên hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 83,82 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB). 6 tháng đầu năm 2018, quỹ BHYT đã chi trả hàng nghìn bệnh nhân có chi phí cao. Đã có hơn 3.000 bệnh nhân được BHYT chi trả 200-300 triệu đồng; hơn 1.300 người được BHYT chi trả trên 300 triệu đồng.

Trong số này có một số bệnh nhân được thanh toán trên 1 tỷ đồng, đáng lưu ý có bệnh nhân tại Vân Đồn (Quảng Ninh) điều trị suy gan tại Bệnh viện Bạch Mai được quỹ BHYT thanh toán gần 1,4 tỷ đồng chi phí KCB. Trước đó, đầu năm 2018 có một bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch cũng được quỹ BHYT thanh toán trên 1 tỉ đồng chi phí KCB. Bệnh nhân này điều trị tại Bệnh viện TƯ Huế từ ngày 20/9/2017 đến ngày 23/1/2018. 

Chính sách BHYT nước ta hướng tới mọi người dân, người lao động, trong đó có học sinh, sinh viên (HSSV). Do đó, thời gian qua, chính sách BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình các em khi không may gặp phải ốm đau, bệnh tật. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 4,5 triệu lượt với chi phí lên tới 1.289 tỷ đồng.

Năm 2017 và 6 tháng 2018 đã có 237 trường hợp HSSV có chi phí KCB BHYT từ 200 triệu trở lên. Điển hình là một học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) điều trị 5 đợt tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ với căn bệnh giảm tiểu cầu đã được quỹ BHYT thanh toán 1,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cao nhất là thuốc Kedrigamma (720 triệu đồng).

“Thực tế này cho thấy Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng, như chiếc phao cho các bệnh nhân khi không may ốm đau phải vào viện, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh trọng, điều trị dài ngày. Do đó, người dân hãy tích cực tham gia BHYT để giảm bớt gánh nặng khi không may bị ốm đau” - ông Đàm Hiếu Trung nhận định. 

Đọc thêm